Biệt thự đẹp ngập tràn hương gỗ, ai vào trong cũng thấy ghen tị với chủ nhà.
Đến thăm nhà anh Hiếu, chị Thắm tại biệt thự thuộc khu BT7 - đô thị Văn Quán (Hà Nội), chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước sự sang trọng đầy chất cổ điển hiếm thấy của một ngôi nhà có gia chủ ưa chuộng đồ gỗ. Điểm nổi bật nhất của toàn thể khối kiến trúc không gian sống của gia đình anh chị chính là ở nội thất hoàn toàn bằng gỗ tự nhiên được đặt từ thương hiệu nổi tiếng Đồng Kỵ. Chính vì vậy, chúng tôi cũng chẳng quá ngạc nhiên khi được biết gia chủ chính là chủ sở hữu của 1 trong 1000 chiếc trống đồng được dành riêng cho đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
Căn biệt thự hơn 200m2 đón chúng tôi bằng hương gỗ pơmu thơm dịu và sắc vàng nâu bóng bẩy phủ khắp toàn bộ ngôi nhà. Ưa chuộng sự bền lâu và cảm giác chắc chắn, vững chãi của gỗ thịt, lại mê mẩn những đường nét chạm trổ tinh xảo và cầu kỳ, nên gia chủ đầu tư không ít tâm sức để lựa chọn và bảo quản từng bộ bàn ghế, từng đồ vật, từng bức tranh, từng chi tiết nhỏ trong nhà. Do đó, không gian sống của anh chị không chỉ đẹp mắt và sang trọng mà còn đáp ứng được những yếu tố phong thủy vốn rất quan trọng trong đời sống của mỗi gia đình.
Tiếp nối phòng khách là không gian dành cho một bộ sập gụ, cũng là nơi thờ Tam Đa Phúc – Lộc – Thọ của gia đình.
Bước qua gian thờ thần, chúng ta đến được khu vực bàn ăn và tủ bếp của gia đình. Tại đây, gia chủ treo các bức tranh 4 mùa Tùng – Cúc – Trúc – Mai mang hơi hướng nội thất và kiến trúc Đông phương cố điển.
Tạm biệt tầng một của căn biệt thự, chúng tôi bước chân lên tầng 2 và tầng 3, tiếp tục hành trình tham quan, chiêm ngưỡng với những ngạc nhiên và trầm trồ mới. Không phải bởi gia chủ trưng bày thêm những vật mới lạ, kỳ thú, mà chúng tôi trầm trồ bởi sự đầu tư và chuyên sâu của gia đình anh Hiếu chị Thắm trong sở thích của mình. Cảm quan kiến trúc có thiên hướng gần gũi với thiên nhiên, ưa chuộng sự thư thái và hiền hòa của gỗ, tỉ mẩn với những chạm trổ tinh xảo và quý phái tiếp tục được thể hiện vô cùng rõ nét tại đây.
Trên tầng 2, gia chủ tiếp tục dành không gian cho một phòng khách sang trọng với bộ bàn ghế Cửu Long tranh châu (9 con rồng) và Ngũ Phúc (5 con dơi).
Còn tầng 3 của căn biệt thự được kiến tạo như một không gian tương lai cho cậu con trai của vợ chồng gia chủ. Cũng với phòng khách, không gian chờ dành cho phòng ngủ, phòng vệ sinh, ban công,… nơi đây có đầy đủ các tiện nghi của một căn hộ riêng được lồng ghép vào căn nhà chính.
Không gian rộng lớn của tầng ba hiện đang ít được dùng đến do cậu con trai còn nhỏ tuổi. Nơi đây cũng sử dụng các tiện nghi nội thất tương xứng và đồng bộ với các phòng còn lại trong nhà, và đang là một không gian mở để chờ đợi đến ngày được cậu chủ nhỏ sử dụng.
Ngoài các phòng dành cho mục đích sử dụng của các thành viên trong nhà, anh Hiếu chị Thắm còn kiến tạo tầng áp mái thành một không gian nghỉ ngơi rộng rãi cho những mâm cơm tề tựu đông vui ngày Tết và một phòng thờ để làm nơi hiếu kính với tổ tiên.
Bên cạnh các không gian sinh hoạt chung, chúng tôi cũng được phép chọn và “đột nhập” một trong số các phòng ngủ của gia đình để chiêm ngưỡng và kiểm chứng sự toàn tâm, toàn ý với niềm đam mê gỗ của gia chủ.
Một điểm nổi bật khác nữa của căn biệt thự đã được chúng tôi nhắc đến từ đầu: mùi hương gỗ pơmu đến từ những mảng trần chạm khắc của nghệ nhân được gia chủ cất công mời từ Đà Nẵng. Không chỉ tỏa ra hương thơm êm dịu và thư thái, những mảng trần này còn được chiếu sáng và tô điểm bởi rất nhiều loại đèn đắt tiền và sang trọng do chính tay gia chủ lựa chọn.
(Theo Eva)