Những năm gần đây, người dân huyện Yên Thành (Nghệ An) xôn xao với một ngôi nhà có thiết kế kỳ quái, nằm ngay ở ngoại ô phố huyện.
Càng bất ngờ hơn khi ngôi nhà được thiết kế và xây dựng chỉ với duy nhất một con người và sau...23 năm, nó vẫn chưa hoàn thành.
Nhiều người khiếp sợ không dám đến gần vì càng xây lên cao, ngôi nhà càng chênh vênh, nhìn rất nguy hiểm. Nhưng chủ nhân kiêm “kiến trúc sư” là ông Nguyễn Văn Cường lại rất tự tin khi cho rằng, dù có động đất, nhà của ông cũng không bị sập.
"Lão gàn" một mình xây nhà
Chủ nhân của ngôi nhà kỳ quái gây sự chú ý đặc biệt của dư luận này là ông Nguyễn Văn Cường (52 tuổi), trú tại xóm Đồng Xoài, xã Hoa Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Người dân địa phương cho biết, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về (năm 1988), ông Cường chính thức bắt tay vào việc xây nhà. Nhưng khác với thông thường, ông Cường một mình (không cần nhờ đến vợ con và làng xóm) đi thu nhặt vật liệu, rồi tự tay đóng gạch và sau đó xây nhà.
Cứ một năm, ngôi nhà cao lên một đoạn và cho ra hình hài rất quái dị. Sau 23 năm, công trình cuộc đời của ông Cường giờ cao chót vót, với thiết kế vô tiền khoáng hậu và vô tình trở thành nỗi khiếp sợ của không biết bao nhiêu người. Người dân xung quanh cho biết, ông Cường có tiền sử về bệnh tâm thần, nên tính hơi khác người. Việc ông một mình làm nhà suốt mấy chục năm qua dù đã được vợ con, làng xóm can ngăn nhưng ông bỏ tất cả ngoài tai.
Nghe chúng tôi giới thiệu là khách ở xa đến tham quan, ông Cường vui vẻ tâm sự: "Mấy năm nay bệnh tình tôi tái phát, có khi nằm cả tháng trời không “cựa quậy”, các chú nhìn nhà tôi xem, cái gì cũng bề bộn lắm. Mà nhà tôi ngày nào cũng có người vào coi, người thì xin chụp ảnh, quay phim viết báo gì đó. Tôi đồng ý, các chú cứ chờ đến lúc hoàn thiện thì đẹp lắm, người dân cả nước phải đến coi đó, giờ nhìn thì không ra gì đâu".
Được chúng tôi động viên, ông Cường tự tin kể: "Sau khi tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, rồi đất nước hòa bình tôi trở về quê hương tham gia sản xuất. Xuất phát từ ý tưởng là người đã vào sinh ra tử trên chiến trường, bản lĩnh, lòng gan dạ không thiếu sao mình không làm một điều gì đó thật lớn lao... Năm 1988, ông bà ra đi để lại ngôi nhà cấp 4 xuống cấp nghiêm trọng, thế là tôi quyết định xây nhà, nhưng phải khác biệt. Chắt góp từ làm ruộng, nuôi lợn, gà tôi bắt đầu xây lò nấu gạch, mua xi măng. Bởi không có tiền thuê thợ, tôi một mình làm, khi nào mệt thì nghỉ”.
Ông Cường nói tiếp: "Về bản thiết kế là ở trong đầu tôi, tôi làm đến đâu bản thiết kế cứ thế tuôn ra, không cần bản vẽ như các kiến trúc sư học hành có bằng cấp. Nhưng tôi không thua họ đâu, các chú cứ nhìn mà coi, khác biệt nhiều, kết cấu cột bê tông chống đỡ trụ cột giàn đều, vững chắc kể cả khi bão giật cấp 11-12, thậm chí động đất vẫn không thể sập được. Một mình tôi thiết kế, đóng gạch, bê tông cho đến xây, không một ai giúp cả, đây đích thực là công trình của riêng tôi".
Khi tìm hiểu từ người dân, chúng tôi còn phát hiện thêm một điều kinh ngạc nữa là việc xây dựng diễn ra vào ban đêm, không cần giàn giáo mà bằng cách đu dây, đổ trụ lõi bằng tre chắp nối từ nhà cấp bốn cũ kỹ, xuống cấp, và đặc biệt đổ giằng, trần là từ trên xuống dưới. Ông Cường khẳng định: "Nguyên vật liệu chủ yếu là: Cát, gạch, sỏi, bê tông, tre, nứa... do tôi tự túc; chỉ tốn xi măng và một ít thép phi 6 khi cần dùng thôi. Nhìn như thế chứ chắc chắn, vững chãi lắm. Nhiều kiến trúc sư chuyên nghiệp còn tìm đến học hỏi đó".
Bác Lê Đình Hưng, hàng xóm ông Cường cho hay: "Ngôi nhà ông ấy ai mà chẳng biết, kỳ lạ lắm, ông ấy giỏi thật, xây mà tự mình không cần sự giúp đỡ của ai cả, kết cấu ngôi nhà thì khác biệt. Ngôi nhà cũng đạt kỷ lục về việc xây nhiều năm mà vẫn chưa hoàn thành. Theo quan sát của chúng tôi thì các cột trụ bê tông chồng trên ngôi nhà cấp bốn có độ dày 5 - 6cm, nhiều chỗ lõi tre lộ ra, lại chồng trên tường nhà cấp bốn. Ông Cường rất tâm đắc về ngôi nhà, bao nhiêu công sức tiền của ông đều dốc vào đó.
Khi hỏi về ý tưởng ngôi nhà, ông tâm sự: "Xã hội có rất nhiều ngôi nhà tiền tỉ, thiết kế cũng rất đẹp. Nhà của tôi thì rất khác biệt, từ bố trí cho đến cách thiết kế. Đổ trần là từ trên xuống dưới, nhất là các ngôi sao màu vàng, đỏ trên đỉnh có ý nghĩa sâu xa hơn cả. Màu đỏ tượng trưng cho cách mạng, màu vàng là màu truyền thống tượng trưng cho dân tộc Việt Nam, 5 cánh sao tượng trưng cho năm tầng lớp sĩ, nông, công, thương, binh cùng đoàn kết trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Ông Cường cũng thừa nhận: "Chính quyền xã đã nhiều lần xuống đình chỉ thi công, vì họ cho rằng ngôi nhà không an toàn, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì lẽ đó, tôi đã tiến hành xây ban đêm để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh. Thú thực, tôi xây nhà đúng pháp luật chứ có vi phạm gì đâu. Tất cả đều đúng kỹ thuật, bảo đảm an toàn, thêm vào đó tôi xây nhà trong mảnh đất của tôi, có gì tôi chịu trách nhiệm. Thực tế, tôi làm như thế cũng là tô son điểm nét cho quê hương đấy”.
Xôn xao miền quê nghèo
Đã 23 năm kể từ ngày khởi công, nhưng ngôi nhà của ông Cường vẫn còn bề bộn, chưa thể hoàn thành. Chúng tôi dò hỏi tại sao ông không hoàn thành sớm để ổn định cuộc sống thì ông cho biết: "Do bệnh tình (bệnh thần kinh) tái phát, và khó khăn nhất là kinh phí, mùa màng thất bát, chăn nuôi thì dịch bệnh... nên mọi thứ vẫn còn dang dở. Nếu như có ai ủng hộ kinh phí thì tôi sẽ hoàn thành kiệt tác của mình, nó sẽ là điểm đến cho nhiều khách tham quan".
Trong khi ông Cường đang loay hoay với những dự định của mình thì ở địa phương này xảy ra bao câu chuyện dở khóc dở cười liên quan đến ngôi nhà kì lạ. Nguyên nhân cũng bởi ngôi nhà ông Cường nằm sát bên tỉnh lộ 538, hàng ngày người qua lại rất đông. Đập vào tầm ngắm, tất cả đều để ý nên trong quá khứ đã xảy ra không ít câu chuyện buồn.
Chị Lê Thi Thu, một người dân ở xã Tăng Thành tâm sự: "Cách đây 3 tháng, trên đường đi Vinh, đến đoạn đường qua xã Hoa Thành, tui thấy ngôi nhà là lạ nên bị cuốn hút. Sau đó bỗng dưng nghe một cú rầm rồi đổ nhào ra đường bất tỉnh. Mở mắt ra thì mình đang nằm trên giường bệnh viện. Lúc đầu chồng, con đến tôi không nhận ra, cứ khóc òa lên. Hơn một tháng điều trị, trí nhớ mới ổn định. Từ vụ đó, khi nhìn thấy xe máy là tôi ám ảnh không dám ngồi lên xe nữa".
Một người khác là chị Trần Thị Huế người xã Hoa Thành cho biết: "Ngôi nhà lạ kỳ đó không biết gây tai họa cho bao nhiêu người đi đường, vì nó nằm sát đường, người điều khiển xe không nhìn không được, hơn nữa nó lại quá ấn tượng bởi độ kỳ quái đến khó lý giải”. Thực tế, ngôi nhà thế kỷ đã ghi danh ông Cường, làm ông có “tiếng tăm”, nhưng lại là tác nhân gây ra bao nhiêu vụ tai nạn bởi ai qua đó cũng chăm chăm mắt nhìn.
Chủ tịch UBND xã Hoa Thành cho biết: "Dù không được đào tạo bài bản nhưng ông Cường đã một mình thiết kế, xây dựng ngôi nhà đặc biệt so với các ngôi nhà khác, đó là sự khác biệt lớn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng luôn khuyến cáo ông Cường rằng, tai nạn lao động luôn rình rập và có thể gây ra tai nạn bất cứ lúc nào”.
Mặc cho ai nói gì thì nói, ông Cường vẫn một mình hì hục làm một công việc mà ông cho là vĩ đại, để hoàn thành một công trình vĩ đại?. Điều đó kích thích sự tò mò của rất nhiều người và không khó để lý giải vì sao, dù chẳng khác gì lão gàn, nhưng ngày nào, ngôi nhà của ông Cường cùng có hàng trăm khách ghé thăm. Tuy “ngôi nhà” của ông Cường đạt nhiều “kỷ lục lạ”, có nhiều cái hay đấy nhưng đã đến lúc các cơ quan có trách nhiệm của địa phương cũng nên vào cuộc để kiểm tra độ an toàn của “ngôi nhà”, đảm bảo tính mạng không chỉ riêng của ông Cường, mà còn của nhiều người khác vẫn còn là chưa muộn...
Ngôi nhà của ông Cường có thiết kế 3 tầng chính, 7 tầng xép và những hạng mục khác được xem là vô tiền khoáng hậu. Công trình được thi công 23 năm rồi mà vẫn đang còn dang dở và ông Cường cho biết, ông cần khoảng 7 năm nữa để hoàn thành. Thời điểm hiện tại, gần đến lễ Giáng sinh nên ngôi nhà được trang hoàng rất lộng lẫy, ban đêm ai đi qua cũng không thể không để ý. Điều kỳ lạ, chủ nhân của ngôi nhà một mình tự đóng gạch, tự xây và được đổ trần từ trên xuống dưới. |
(Theo Người Đưa Tin)