SearchNews

Làm "sống lại" góc chết

07/05/2012 16:07

Thay đổi lại cách bài trí hay sắp xếp lại vật dụng cũng có thể khiến những "góc chết" không tránh khỏi trong không gian nhà bạn trở nên sinh động

Góc chết là tên gọi của những khu vực có thể méo mó do địa hình, do lỗi thiết kế, hay do cách sắp xếp nội thất tạo ra những khoảng hiệu quả thẩm mỹ kém; hoặc không khai thác được, hoặc bất tiện khi sử dụng.

Những góc phụ trong nhà

Gầm cầu thang là góc không thể thiếu, không thể bỏ, luôn gây ra những khó chịu về thẩm mỹ và các phiền toái khác khi sử dụng hay vệ sinh, là nơi cư trú của nhiều loại côn trùng gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường sống.

Những diện tích sàn nhỏ, không đủ thành phòng, nhưng lại chênh cốt hay nằm cuối tuyến giao thông (ít có tác dụng giao thông) cũng có thể là các góc phụ, góc chết. Phần còn lại, khoảng trống còn lại khi kê đồ nội thất, thiết bị; gây ra nhiều góc phụ, tuy không nghiêm trọng nhưng lại… lắt nhắt. Những công trình cũ được cải tạo hay đụng phải chuyện này do không tính trước được, cùng sự thay đổi nhu cầu và tính năng, kích thước trang thiết bị.

Ngoài ra, các hốc tường, góc tường, ... là những góc phụ mà ít khi được khai thác. Chúng vô tình trở thành "góc chết" khi không có công năng mà lại gây kém thẩm mỹ.

Ban công không được xem là góc chết, bởi khi thiết kế, KTS có chủ ý tạo ra ban công nhằm những mục đích nhất định.

Làm “sống” lại những góc chết

Đừng phí phạm bỏ đi những không gian hẹp và tưởng như vô dụng đó mà hãy tạo cho chúng một công năng có ích trong nhà. Đôi khi, chính sự góc cạnh sẽ tạo nên sự duyên dáng, mềm mại cho không gian sống nếu bạn xử lý một cách sáng tạo. Điều quan trọng khi tìm cách tận dụng những góc này là phải làm khéo léo và thật tự nhiên.

Góc cầu thang

Với những cầu thang vế dài, tận dụng gầm thang thành phòng vệ sinh hay kho là một giải pháp tốt, thậm chí hiệu quả về thẩm mỹ với sự nhấn mạnh về khối. Gần đây có nhiều gầm thang với cách xử lý… không làm gì cùng thang rỗng (xương chịu lực bằng thép) rất hiệu quả mà gọn gàng, không tốn kém.

Xu hướng gần đây là xử lý trần thạch cao chịu nước cho phòng vệ sinh, giấu bình nước nóng lên đó. Bình nước nóng được tiếp cận qua một cửa thăm cùng chất liệu ngay trên trần. Sự xuất hiện của trần phụ trong nhà vệ sinh (dù là sàn bêtông hay trần thạch cao, trần nhựa…) là bắt buộc để che ống và giảm chiều cao, tạo tỷ lệ phù hợp cho phòng có diện tích nhỏ.

Tạo tiểu cảnh nhằm tạo ra sự thân thiện về thị giác.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, những góc này ít sáng nên cần sắp đặt khéo léo, xử lý kỹ thuật hợp lý.

Những hốc tường nhỏ

Những hốc tường  có thể tận dụng đặt bình hoa, khung ảnh, tranh treo tường rất độc đáo.

Ngoài ra, nếu hốc tường rộng, có thể tạo ra một tủ áo âm tường chỉ bằng việc thay đổi kết cấu bên trong một chút cho phù hợp. Cách bố trí này giúp căn phòng trở nên gọn gàng mà vẫn sẽ tạo ra những không gian vuông vắn.

Góc phòng

Với căn phòng có nhiều góc cạnh, bạn nên tận dụng góc tù rộng nhất làm nơi chính để làm việc, học tập. Bàn ghế, tủ, kệ có thể dễ dàng đặt đóng theo kích thước của căn phòng. 

Một khoảng tường trống với độ rộng khoảng 120 cm và chiều sâu khoảng 65 cm có thể trở thành một góc làm việc gọn gàng. Bên trong có thể lắp thêm giá sách và các ngăn để có thể đựng các vật dụng. Ngoài những ngăn trống để trang trí, bạn có thể làm thêm ngăn kín có cửa đẩy để đóng mở tuỳ thích và tiện cho việc cất giữ sách, chống bụi bẩn. Đặc biệt, với không gian nhỏ bé này, tất cả sẽ biến mất sau cánh cửa mà không tạo ra một sự bề bộn nào cả.

Một góc phòng hình cánh cung có thể bố trí chiếc giá sách độc đáo như thế này:

Những khoảng lỡ về diện tích

Những trường hợp hơi bị lỡ về vị trí, diện tích… trong bố trí nội thất hoàn toàn có thể hoá giải bằng các giải pháp linh hoạt và nhẹ nhàng như đặt bình hoa, chậu cây cảnh, tượng hay các vật trang trí khác để cân bằng bố cục và làm tăng tính thẩm mỹ cho không gian.

Khoảng lồi, lõm

Những chỗ tường bị lồi ra do cột, vách bêtông – đặc biệt ở nhà chung cư cao tầng có thể xử lý bằng những vách nhẹ, các giá kệ, hay bar, tủ âm tường để làm hợp lý mặt bằng, tránh sự vô duyên và không thoải mái khi sử dụng. Giải pháp này vừa có tác dụng trang trí, vừa tận dụng để để đồ. Những chỗ thiếu hụt do kê sắp đồ cũng có thể làm tủ, giá để xoá bỏ những khoảng thừa.

Chỉ với những cách đơn giản, bạn đã có thêm những góc mới đầy hấp dẫn và đáp ứng thêm được một số nhu cầu sinh hoạt của gia đình.

TM

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu