SearchNews

14h ngày 30.9: Đã có 10 người chết do lũ

30/09/2011 14:27

Mặc dù có sự tích cực ứng phó tại các địa phương nhưng bão lũ vẫn gây nhiều thiệt hại, trong đó có cái chết của 5 trẻ em...

5/10 người chết vì bão, mưa, lũ là trẻ em

Ban chỉ đạo PCLBTƯ - Ủy ban quốc gia TKCN cho biết, hiện lũ ở đồng bằng sông Cửu Long đã làm 8 người thiệt mạng, trong đó, An Giang 4 người (có 2 trẻ em); Đồng Tháp 1 người là trẻ em; Long An 2 người là trẻ em; Cần Thơ 1 người.

Ngoài ra, hồi 0 giờ 4 phút sáng 29/9/2011, tại khu vực thôn 2 xã Văn Phú, TP Yên Bái xảy ra sạt lở đất đã làm 2 người chết cùng một gia đình (2 bà cháu) và 3 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 1 nhà bị hư hỏng.

Về thiệt hại tài sản do mưa lũ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tỉnh An Giang bị ngập 3.471 căn nhà, 131 hộ dân cần di dời (đã di dời 11 hộ).

Nước lũ dâng cao đã gây vỡ một số tuyến bờ bao. Hiện An Giang đã huy động 1.000 cán bộ chiến sỹ, trên 3.000 nhân lực tham gia ứng cứu; An Giang cũng bị ngập 100 ha hoa mầu; Tỉnh lộ bị ngập 22,77km (huyện An Phú, Chợ Mới); 66km đường giao thông nông thôn (huyện Chợ Mới) bị ngập; Thiệt hại 10 tấn cá thịt và 1,8 triệu cá giống.

Một dãy phố ở An Giang

Tại tỉnh Đồng Tháp triều cường và lũ thượng nguồn đổ về gây ngập úng nhiều đoạn bờ bao vườn cây ăn trái, ao hầm nuôi thuỷ sản tại các huyện, thị xã TP khu vực phía Nam tỉnh. Đồng Tháp cũng có 700 ha lúa vụ 3 ngập; 24.000 ha đang bị uy hiếp, trong đó có 20.000 ha bị uy hiếp nguy cấp. Tỉnh này đã huy động trên 1.000 cán bộ, chiến sỹ và trên 5.000 nhân lực tham gia ứng cứu hộ đê.

Tại tỉnh Long An, hiện 200 ha lúa bị ngập phải gặt sớm; 50 ha bị ngập mất trắng; 500 ha thuộc huyện Tân Thạnh đang được bảo vệ; lực lượng bảo vệ khoảng 200 người dân.

Tại TP Cần Thơ, 324 căn nhà bị ngập; 6,1 ha lúa vụ 3 bị ngập (ngoài vùng đê bao), 9.000 ha đang được nhân dân bảo vệ; Giao thông: ngập 59,841kn đường giao thông nông thôn.

Nhiều địa phương đã di dời dân và cho học sinh nghỉ học

Về đối phó với bão, lũ, theo thông tin ban đầu qua điện thoại từ các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng chống đối phó với bão, hiện Đoàn công tác tại Quảng Ninh cho biết, tàu thuyền đã vào nơi trú ẩn an toàn và quản lý được; tầu du lịch đã cấm biển từ 6 giờ ngày 29/9 và di đã được di dời vào nơi trú tránh; lồng bè nuôi trồng thủy sản đã đưa vào nơi neo đậu;

Về công tác di dân tại Quảng Ninh, đối với nhân dân ở các vùng nguy hiểm dễ tổn thất do bão, tỉnh này đã có phương án sẵn sàng di dời, hiện đang theo dõi chặt chẽ để di dời khi cần thiết; người già và trẻ em trên các lồng bè, làng chài đã được đưa vào đất liền, tuy nhiên vẫn còn người ở lại. Đoàn công tác đề nghị di dân triệt để vào nơi an toàn. Tỉnh sẽ cưỡng chế nếu cần thiết.

Cùng với đó, Quảng Ninh đã quyết định ngày 30/9 cho học sinh nghỉ học. Đối với các khu vực có nguy cơ sạt lở, các khu vực hầm lò, tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát và triển khai các biện pháp đối phó.

Trong ngày 29/9, UBND tỉnh Quảng Ninh đã họp trực tuyến với UBND các huyện để chỉ đạo đối phó với bão; Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh đã cử các đoàn công tác xuống các địa phương chỉ đạo tại các huyện Vân Đồn, thị xã Cẩm Phả.

Đoàn công tác tại Hải Phòng cho biết, tính đến 22 giờ đêm qua (29/9), tất cả các tầu thuyền vào nơi trú tránh an toàn; TP đã quyết định ngày 30/9 cho học sinh nghỉ học.

Đoàn công tác tại Thái Bình cho biết, tàu thuyền đã vào nơi trú tránh an toàn, chỉ còn có 2 chiếc nằm ở cảng cá nhưng ở khu vực nguy hiểm, Đoàn công tác đã chỉ đạo trong sáng 30/9 phải đưa vào nơi an toàn; Công tác di dời dân hoàn thành trước 9 giờ tối qua (29/9).

Theo Ban chỉ đạo PCLBTƯ - Ủy ban quốc gia TKCN, các tỉnh Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Tuyên Quang đã có công điện chỉ đạo các cấp, ngành tại địa phương triển khai phó với bão số 5.

Các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Ninh Bình, Hà Nội tích cực chỉ đạo việc thu hoạch lúa hè thu, lúa mùa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Tỉnh Thanh Hoá cho học sinh các trường PTTH trên địa bàn tỉnh nghỉ học 2 ngày để giúp gia đình thu hoạch lúa.

Tỉnh An Giang thành lập 38 điểm trông giữ trẻ với 1.012 cháu đến lớp; củng cố lực lượng cấp cứu, tìm kiếm cứu nạn với 502 chốt, điểm, tăng cường phương tiện áo phao cứu sinh.

Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục huy động lực lượng, vật tư, phương tiện gia cố bờ bao, bơm tiêu úng, bảo vệ lúa Thu Đông và tổ chức di dân khỏi vùng tại các vùng ngập sâu. Đã thu hoạch được 73.454 ha/98.818 ha lúa Thu Đông. 87 điểm trường (474 lớp) với 11.705 học sinh các cấp đã được nghỉ học để tránh lũ.

Hà Nội và các khu đô thị khẩn trương chặt tỉa cành cây, tiêu thoát chống ngập

BCH PCLB Trung ương chỉ đạo các địa phương: Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 5; tăng thời lượng phát tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để thông báo cho nhân dân chủ động phòng, tránh;

Cấm mọi phương tiện tầu thuyền ra khơi hoạt động; đưa tầu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản vào khu neo đậu an toàn; tổ chức sắp xếp tại khu neo đậu tránh bị va đập; tuyệt đối không để người ở lại trên các phương tiện tại khu neo đậu; triển khai ngay các biện pháp phòng chống bão, chằng chống nhà cửa bảo vệ kho tàng, hầm lò, bến cảng, khai thác khoáng sản, những công trình đang thi công;

Chủ động sơ tán dân sinh sống ở những nhà không chịu được gió bão, vùng thấp trũng, khu vực có nguy cơ ngập bởi nước dâng do bão đến nơi an toàn. Các địa phương căn cứ tình hình thực tế, quyết định cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn;

Sử dụng mọi phương tiện hiện có để tiêu nước đệm và chống úng gây ngập lúa. Các khu đô thị khẩn trương chặt tỉa cành cây, thực hiện các biện pháp tiêu thoát chống ngập; đặc biệt đối với thủ đô Hà Nội; chằng chống, gia cố nhà cửa, kho tàng, các công trình công cộng, trường học, cơ sở y tế đối với khu vực có nhiều khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão;

Các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ kiểm tra, rà soát cụ thể những hộ dân đang sống ở vùng có nguy cơ cao bị sạt lở, lũ quét, vùng thấp trũng ven sông suối, hạ lưu các hồ chứa đang bị sự cố và có nguy cơ mất an toàn để chủ động sơ tán dân.

Chủ động hạ thấp mực nước các hồ chứa đã đầy nước; kiểm tra vật tư, phương tiện, thiết bị dự phòng ở các hồ chứa để sẵn sàng ứng cứu các sự cố khi cần thiết, đặc biệt các hồ chứa nhỏ;

Triển khai các phương án bảo đảm an toàn đê điều; chuẩn bị phương châm 4 tại chỗ (lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm,...) sẵn sàng đối phó với các tình huống khi có mưa, lũ lớn, sạt lở đất đảm bảo an toàn cho người, tài sản;

Duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn để xử lý khi có yêu cầu; phân công cán bộ lãnh đạo, chuyên môn xuống các khu vực để chỉ đạo trực tiếp. Trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra và thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo PCLBTƯ và UBQG TKCN.

(Theo VTC News)

(Dothi.net tiếp tục cập nhật và tổng hợp)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu