Mặc dù xăng là chất dễ cháy, nhưng về nguyên tắc nó không thể tự cháy, nổ. Khảo sát sơ bộ của Tổng cục tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng cũng chưa phát hiện dấu hiệu bất thường trong xăng có thể gây cháy, nổ.
PGS Đinh Ngọc Ân, Trưởng khoa động lực, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cho biết, có 3 nhóm nguyên nhân gây cháy nổ xe máy.
Thứ nhất, trong bình xăng gắn các thiết bị đo xăng có sử dụng nguồn điện. Trong một số trường hợp, nhất là khi xăng trong bình cạn, các thiết bị này sẽ phát sinh tia lửa điện và gây cháy nổ.
Thứ hai, khi lượng xăng trong bình không còn đầy, trong quá trình xe chạy các lớp xăng bị xóc, pha trộn với nhau sinh ra trường tích điện, sinh ra tia lửa điện và cháy nổ.
Thứ ba, trong quá trình sử dụng có thể bị rò rỉ nhiên liệu, gặp tia lửa điện sẽ gây cháy, nổ. Còn khả năng cháy xe do xăng “bẩn” hay pha acetone rất khó xảy ra.
Ông Trần Văn Vinh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ KH-CN) cho biết: “Chúng tôi đang cử cán bộ đi các vùng có xe máy bị cháy để thu thập mẫu xăng về kiểm tra acetone, các chỉ tiêu đặc dụng xem có gì bất thường”. Theo ông Vinh, bên cạnh đó, Tổng cục cũng gửi công văn đến các Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng để phối hợp thực hiện. “Mặc dù xăng là chất dễ cháy, nhưng về nguyên tắc không thể tự cháy nổ. Nhưng tôi được biết có trường hợp ở Đà Nẵng, xe tắt máy vẫn bị cháy”, ông Vinh nói và cho biết vừa qua ở TP.HCM cũng xảy ra vụ cháy xe, do được dập tắt kịp thời, bình xăng và ống dẫn xăng vẫn nguyên, chứng tỏ không phải do rò rỉ xăng mà là nguyên nhân khác.
Chính vì một số vụ cháy dập được ngay cho thấy vẫn còn nguyên nhân nào đó chưa phát hiện được, nên cơ quan quản lý đặt nghi vấn: nguồn lửa từ đâu ra? Cũng theo ông Trần Văn Vinh, về khía cạnh cơ quan quản lý, chúng tôi vẫn thực hiện việc thu thập mẫu xăng để kiểm tra, có thể có chất gì đó trong xăng mà chúng ta chưa phát hiện. Hiện tổng cục đang tích cực thu thập mẫu xăng, nhưng chưa phát hiện dấu hiệu bất thường. Thực tế trước đây có trường hợp xăng pha acetone bị cơ quan chức năng phát hiện (năm 2006), nhưng động cơ sẽ khó nổ hơn chứ không phải dễ nổ được.
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết, Hội đã chính thức có văn bản đề nghị Bộ Công an, Bộ GTVT và Bộ Công thương vào cuộc trong việc tìm ra nguyên nhân các vụ cháy, nổ xe máy gần đây. Ông Tuấn cho biết nhà sản xuất cần biết
nguyên nhân, nếu do lỗi kỹ thuật, cần hoàn thiện sản phẩm, để tạo nên độ an toàn cao hơn. Cơ quan quản lý cần biết nguyên nhân, mới xác định trách nhiệm thuộc về ai, mới đi đến các quyết định quản lý đúng đắn. Người tiêu dùng cũng cần nắm rõ nguyên nhân, nếu là lỗi do sử dụng sản phẩm thì cần phải rút kinh nghiệm vì sự an toàn của chính mình.
Cũng theo ông Tuấn, thời gian qua đã có nhiều khiếu nại liên quan đến ôtô, xe máy được gửi đến các Văn phòng tư vấn khiếu nại (VPTVKN) của trung ương Hội và 41 Hội thành viên tại các tỉnh thành trong cả nước. Tất cả các khiếu nại đó đã được tư vấn, hỗ trợ phản ánh kịp thời tới các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa đó ra thị trường. Hầu hết các doanh nghiệp, khi được các VPTVKN phản hồi khiếu nại đã nhanh chóng xem xét, giải quyết.
Không phải do thời tiết
Theo tiến sĩ Huỳnh Quyền, Giám đốc Trung tâm Công nghệ lọc hóa dầu ĐH Bách Khoa TP.HCM, nếu đổ cho thời tiết miền Bắc khô hanh khiến cho nhiên liệu dễ gây cháy là ngược với khoa học. Thời tiết lạnh thì nhiên liệu ít bốc hơi hơn, vì thế theo lí thuyết đáng lẽ xe máy và ôtô sử dụng xăng pha các tạp chất và phụ gia ở phía Nam phải cháy nổ nhiều hơn mới phải.
Liên tiếp cháy xe máy tại Hà Nội
Chiều 27/12, Công an thành phố Hà Nội cho biết 2 ngày qua trên địa bàn thành phố tiếp tục xảy ra 4 vụ cháy xe máy.
Cụ thể, sáng 26/12, chiếc xe máy Longcin sản xuất tại Trung Quốc của anh Trịnh Đức Sơn ở phường Mai Động (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bùng cháy ngay trước cửa nhà khi vừa khởi động. Đến khoảng 18g ngày 26.12, tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội lại xảy ra vụ cháy xe máy. Lần này là chiếc xe mang nhãn hiệu Attila mang BKS 29R7-6237 đang chạy bỗng dưng bốc cháy. Hai thanh niên đi trên chiếc xe này vội nhảy ra khỏi xe và chạy đi xin nước nhà dân xung quanh để dập lửa nhưng không kịp.
Trước đó, 3h35 ngày 26/12, anh Trần Mạnh Khoa (ở 64 Hàng Cót, quận Hoàn Kiếm) phát hiện tại sân chung nhà 66 Hàng Cót có 1 xe máy đang bốc cháy. Anh Khoa hô hoán và cùng mọi người dập tắt đám cháy. Xác minh ban đầu chiếc xe máy là của chị Đặng Thu Hằng, ở 66 Hàng Cót, Q.Hoàn Kiếm. Đến trưa, khoảng 11h30 ngày 26//12, chị Thời Mỹ Hoà (SN 1968, ở số 10 ngách 378/28 Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ) đang đi xe máy Honda Wave BKS 29P4-7234 hướng Bưởi - Quán Thánh, khi đến trước cửa nhà số 73 Thụy Khuê thì xe bốc cháy. Công phường Thụy Khuê đã có mặt bảo vệ hiện trường và mời hãng Honda Việt Nam đến làm rõ nguyên nhân cháy xe.
|
(Theo Báo Đất Việt)