SearchNews

70% công sở mới xây đã lỗi thời

23/11/2007 17:00

Qua khảo sát của Viện Kiến trúc tại 7 tỉnh, thành phố phía Bắc gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Yên Bái có gần 70% kiến trúc công sở mới xây đã trở nên lỗi thời, có tính chất "dinh", "đường", "phủ" thời cổ rất nặng nề.

Qua khảo sát của Viện Kiến trúc tại 7 tỉnh, thành phố phía Bắc gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Yên Bái có gần 70% kiến trúc công sở mới xây đã trở nên lỗi thời, có tính chất "dinh", "đường", "phủ" thời cổ rất nặng nề.

Phong cách kiến trúc được dùng trong các đền thờ Parthenon, đền thờ thần Zeus, đền thờ nữ thần Arthemis từ thời cổ Hy Lạp nay được ưa chuộng tối đa ở nơi cách "nguyên quán" của nó hàng chục nghìn km. Theo đánh giá, sự lai tạp kiến trúc cổ điển phương tây đã ghi dấu ấn khá mạnh lên bộ mặt đô thị những công trình đồ sộ với các tầng mái dốc đứng, các chóp củ hành, và các cột thức cổ điển Hy - La.

Trụ sở của một số ngân hàng chuyên doanh, trung tâm thương mại dùng tràn lan kiểu tầng mái dốc đứng, chóp, vòm mái... Trong đó, trụ sở UBND tỉnh Bắc Ninh mới xây được 1 năm nhưng lại được quét thêm một lớp vôi màu vàng nhờ nhờ. Nếu để thêm một thời gian nữa, lớp vôi nhạt dần đi, có thêm chút mưa nắng thì có thể sẽ bị nhầm tưởng là công trình được xây dựng từ hàng trăm năm trước. Trụ sở UBND tỉnh Hà Nam lại có những hàng cột rất cổ, thể hiện sự phô trương, nhưng cầu thang lại có lan can inox rất hiện đại. Trụ sở UBND tỉnh Vĩnh Phúc thì chắp vá những hàng cột Ioni và Corinth. Công trình của Sở Thể dục Thể thao tỉnh Vĩnh Phúc thì giống hệt lâu đài, trông chẳng... thể thao chút nào. UBND tỉnh Hưng Yên, UBND tỉnh Bắc Ninh thì được trang trí như trong cung điện.

Theo KTS Lê Thanh Sơn, đại học Kiến trúc TP HCM, dễ nhận thấy sự phô trương trong kiến trúc nhà công sở núp dưới nhãn hiệu "tính hoành tráng", sự lạc hậu về tư duy thiết kế ẩn sau ý tưởng "cái đẹp đã được kiểm chứng bởi thời gian" và nhất là sự vay mượn cái "uy danh vang bóng một thời" từ những mẫu thiết kế cổ xưa..., bởi các chủ đầu tư đều cố gắng gò theo "phong cách cổ điển Hy - La" hay "đậm đà" màu sắc "kiến trúc Pháp", nhưng gò theo với những đường nét và hình khối rất ngây ngô.

KTS Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, thì bức xúc: "Kiến trúc công sở là kiến trúc chính thống, ảnh hưởng lớn đến xã hội và thẩm mỹ của nhân dân. Hơn nữa, các công trình này đều tiêu tốn tiền tỷ từ ngân sách nhà nước".

Theo KTS Tôn Đại, việc xây dựng những công sở theo phong cách "nhại" cổ sẽ tốn kém tiền bạc của nhân dân vì công trình to lớn, đồ sộ với những họa tiết phù điêu, hoa văn, gờ chỉ... Mặt khác, các công sở thường to, ở vị trí dễ nhìn nên ảnh hưởng đến người dân là rất đáng kể. Tiền xây dựng những công trình công sở đều là tiền của dân, vì thế nó có thể khiến người dân khi bước chân vào trụ sở công quyền sừng sững, oai vệ dễ bị "trấn áp tinh thần", và ngôi nhà trụ sở sẽ làm cho dân xa những "người đầy tớ" của dân. Hậu quả nữa là làm xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

KTS Đoàn Đức Thành phân tích: "Các quan chức đua nhau cải tạo, mở rộng hoặc xây mới công sở. Kiến trúc công sở, công trình được xây bằng nguồn vốn nhà nước, đối tượng quản lý và sử dụng cũng là Nhà nước, là thể loại công trình được nhiều quan chức để ý nhất từ nhiều năm nay. Thế nhưng, phần lớn các quan chức lại chỉ đạo kiến trúc sư, thậm chí đặt hàng kiến trúc sư, mà một số quan chức lại cứ thích loại kiến trúc Pháp cổ điển để xây dựng công sở.

Về giải pháp khắc phục tình trạng trên, theo KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, trước tiên và quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức và thẩm mỹ trong những người cầm cân nảy mực, để các công trình kiến trúc gần dân, không nên để người dân thấy xa rời, không thể hiện được bản chất "công bộc" của dân. Thứ hai, cần nâng cao trách nhiệm xã hội của các KTS, chứ hiện nay, KTS chỉ làm việc cho xong để lấy tiền và thiết kế xong công trình kiến trúc thì xấu hổ không dám nhận là của mình. Thứ ba, cần tìm ra cách thức thể hiện vừa hiện đại, vừa thích ứng với thời đại. Ngoài ra, phải có các văn bản pháp quy chặt chẽ hơn trong việc thẩm định, xét duyệt thiết kế công trình.

(Theo Thanh Niên)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu