Đó là một trong nhiều ý kiến của các chuyên gia góp ý tại hội thảo “Không gian công cộng ven biển các tỉnh duyên hải miền Trung” được Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn (VIAP - Bộ Xây dựng) tổ chức tại Đà Nẵng.
Bãi biển đã bị chia lô gần hết
Vùng duyên hải Việt nam nói chung và vùng duyên hải miền Trung nói riêng có nhiều bãi biển đẹp, có tiềm năng lớn về phát triển du lịch. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, khai thác bãi biển đã bộc lộ nhiều bất cập về mặt lịch sử và cảnh quan gây nguy cơ hủy hoại môi trường tại khu vực này.
Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, KTS Hồ Duy Diệm, các con đường ven biển nhiều nơi làm rất rộng và rất sát mặt nước. Những con đường này nó không phải là con đường du lịch, không tạo không gian công cộng du lịch biển mà là con đường xe hàng, xe tải ngăn cách và phá vỡ cảnh quan phá vỡ không gian du lịch vì những con đường mới mở này có khi cách mặt biển chỉ 50m, 100m bỏ lại 500m, 1.000m bãi biển phía trên.
“Và nhờ con đường tự phát hình thành những không gian công cộng khác nhau có khi không liên quan gì đến phục vụ du lịch nghỉ dưỡng. Đó là những khu dân cư tái định cư, những khu công nghiệp có khi đến vài ba trăm ha…”, KTS Hồ Duy Diệm phát biểu.
KTS Hồ Duy Diệm cũng cho biết, dọc những con đường ven biển từ Đà Nẵng đến Mũi Né (TP Phan Thiết, Bình Thuận) hầu hết đã bị chia lô, phân mảnh để xây khách sạn, resort, sân golf… Ở mỗi lô, chủ đầu tư “cát cứ” một vùng biển riêng. Du khách vào những nơi này như vào một thế giới biệt lập trong 3 bức tường, thậm chí khách không được bơi qua phần biển của… khách sạn bên cạnh. Những người dân sở tại, những khách du lịch vãng lai không được hưởng những phúc lợi nếu như không có nhiều tiền, kể cả việc ngắm cảnh và tắm biển..
Mặt khác, do tình trạng chia lô, phân mảnh nên địa phương rất khó tổ chức những khu xử lý nước thải, khu cấp nước sạch tập trung. Điều này khiến môi trường bị ảnh hưởng không ít.
Lo ngại trước tình trạng xây dựng ồ ạt các khách sạn và khu nghỉ dưỡng ven biển từ Đà Nẵng vào Hội An sẽ phá vỡ cảnh quan, khiến ông Masafumi Tanaka (Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering, Nhật Bản) nhớ lại thời kỳ tăng trưởng kinh tế ở Nhật Bản trong những thập niên từ 1960-1980.
Theo ông, trong thời kỳ này, Nhật Bản cũng bùng nổ phong trào xây dựng rất nhiều resort nghỉ dưỡng. Song do xây dựng quá mức lại không có quy hoạch nên hậu quả là nhiều cơ sở kinh doanh bị phá sản, môi trường bị hủy hoại…
Để bãi biển là tài sản chung
KTS Hồ Duy Diệm cho rằng thấy được những tồn tại, khiếm khuyết là thấy được những biện pháp khắc phục, Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc đô thị, khắc phục thực trạng kể trên là điều không hề đơn giản, thậm chí rất khó khả thi. Làm sao có thể đập phá hay dịch chuyển những khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4-5 sao đi chỗ khác để có chỗ cho người dân xuống tắm biển; làm sao di chuyển các làng đánh cá về lại với biển khi người ta đã tái định cư nó vào trong làng, trong phố…
Vấn đề là phải sớm có biện pháp gìn giữ những không gian công cộng còn lại.
TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc quy hoạch một đường cao tốc gần sát biển là một xu hướng phổ biến trong những năm 1970 ở các nước phát triển nhưng gần đây sai lầm này đã dần được sửa đổi với những dự án điều chỉnh tốn nhiều tỉ USD.
Ông Sơn cũng cho rằng xu hướng phát triển bám sát suốt chiều dài mặt tiền biển là xu hướng sẽ giúp các nhà đầu tư thu lợi nhuận cao nhưng không đem lại nhiều lợi ích cho người dân và chính quyền địa phương.
“Cứ mỗi khoảng cách trung bình từ 400m đến tối đa 1.000m bờ biển phải xây dựng một tuyến đường công cộng hướng ra biển kết hợp với dải cây xanh. Ngoài ra, bãi biển phải được xem như khu vực công cộng. Trong một số ngoại lệ, các bãi biển tư nhân chỉ nên cho phép nằm ở vị trí tách biệt, xa khu dân cư và trung tâm du lịch”, ông Sơn đề nghị.
Thấy được cần phải có không gian cho người dân và du khách vãng lai sinh hoạt và tắm biển, gần đây chính quyền TP Đà Nẵng đã dành mấy trăm mét bờ biển Mỹ Khê để phục vụ cộng đồng dân cư đô thị, đó là các bãi tắm công cộng phục vụ hàng chục nghìn người mỗi sáng và chiều, một số cửa hàng ăn uống hải sản, một khu vực neo đậu tàu thuyền đánh cá… Theo KTS Hồ Duy Diệm, đây là một sự sửa chữa đáng hoan nghênh.
(Theo Dân trí)