>> Chùm ảnh: Vỡ òa hạnh phúc đón bé sơ sinh bị bắt cóc trở về
>> Vụ bắt cóc trẻ sơ sinh ở viện C: Tìm được cháu bé, tìm ra thủ phạm
Tóm tắt biễn biến vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện Phụ sản
- Ngày 2/11, sản phụ Trần Thị Thơm sinh mổ bé trai nặng 3,4kg tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
- Khoảng 10h ngày 3/11, một phụ nữ mặc áo blouse, đeo thẻ của bệnh viện đến kiểm tra số đứa trẻ và bế, nói đưa đi xét nghiệm... Từ lúc đó, chị Thơm bặt tin tức về con. Gia đình tìm khắp bệnh viện không thấy. Cơ quan điều tra bắt đầu vào cuộc.
- Ngày 4/11, lãnh đạo bệnh viện nhận trách nhiệm về vụ việc do khó giám sát trẻ sơ sinh. Đây là lần đầu tiên xảy vụ mất trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, sau 55 năm hoạt động.
- Ngày 5/11, luật sư của gia đình chị Thơm có đơn gửi các cơ quan tố tụng đề nghị xử lý trách nhiệm hình sự kíp trực hôm đó về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng cục Cảnh sát đề nghị công an các tỉnh vào cuộc phối hợp với công an Hà Nội.
- Ngày 7/11, cảnh sát cho biết tìm thấy một trẻ sơ sinh nghi là con chị Thơm. Nhưng kết quả giám định cho thấy đây không phải là em bé bị mất tích.
- Ngày 8/11, từ tin báo của một tài xế taxi, cơ quan điều tra ập vào ngôi nhà ở huyện Đông Anh. Con trai chị Thơm được tìm thấy ở đây. Nghi can Nguyễn Thị Lệ thừa nhận đã trộm áo blouse, lẻn vào bệnh viện bế trộm bé Trường.
Sự việc, diễn biến vụ bắt cóc trẻ sơ sinh 1 ngày tuổi tại bệnh viện phụ sản Trung ương đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Vụ việc khép lại với một kết cục có hậu nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi lo. Giờ đây khi vụ việc đã được khép lại, người trong cuộc mới có thể thở pháo, nhìn lại.
Hoàn tất thắng lợi chuyên án giải cứu bé sơ sinh ghi nhận một chiến công lớn của ngành công an. Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang ngay từ đầu đã theo sát chỉ đạo Công an Hà Nội tập trung khai thác, củng cố tài liệu, chứng cứ và hoàn chỉnh hồ sơ vụ án để sớm đưa thủ phạm ra truy tố. Trung tướng Quang đề nghị tiếp tục điều tra, mở rộng chuyên án khi vụ việc đã thắng lợi.
Đại tá Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc Công an Hà Nội chia sẻ “Đây là một vụ án đầy những khó khăn và thử thách với chúng tôi, bởi không một nhân chứng nào nhìn thấy “bác sĩ giả” ôm cháu bé ra khỏi bệnh viện. Còn "vật chứng" trong vụ án lại là một cháu bé hai ngày tuổi mà đến chính mẹ đẻ cháu còn khó... nhận dạng. Cánh công an chúng tôi thì nhìn các cháu nhỏ sơ sinh, cháu nào cũng như cháu nào, nên việc nhận dạng càng khó khăn hơn. Ông Chung chia sẻ. “5 ngày chờ đợi của gia đình sản phụ, của các bác sĩ bệnh viện phụ sản T.Ư, chúng tôi biết là dài đằng đẵng. Chúng tôi cũng nóng như ngồi trên đống lửa, bởi cháu bé còn quá nhỏ, càng lâu tìm ra cháu, càng có những nguy hiểm đến với cháu”.
Thượng tá Đào Thanh Hải (Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hà Nội) cho biết, đây là lần đầu tiên xảy ra bắt trẻ sơ sinh tại bệnh viện phụ sản giữa thủ đô, gây hoang mang trong dư luận. Nhiều đơn vị công an được huy động phối hợp điều tra. 70 trinh sát hình sự được tung vào cuộc, triển khai theo nhiều hướng mới đem lại kết quả nhanh đến vậy.
Trung tá Nguyễn Tiến Tần, đội trưởng đội CSĐT tội phạm về buôn bán phụ nữ trẻ em (PC45, CA Hà Nội) - người đầu tiên bế cháu Trường ra khỏi tay thủ phạm bắt cóc, tâm sự: vụ giải cứu cháu Phạm Xuân Trường (Hà) là kỉ niệm “nhớ đời” nhất trong nghề cảnh sát của anh. “Đây là lần đầu tiên trong nghề cảnh sát, tôi đi giải cứu một nạn nhân mới chỉ 7 ngày tuổi. Phát hiện ra thủ phạm bắt giữ nạn nhân vui bao nhiêu, nỗi lo lắng về sự giải cứu an toàn cho cháu tăng gấp bội vì còn non nớt quá”.
Về phía gia đình của anh Chiều, chị Thơm, không còn niềm hạnh phúc nào lớn lao hơn thế khi tìm lại được con mình an toàn tuyệt đối.
Anh Phạm Xuân Chiều (chồng sản phụ Thơm) xúc động trước những nỗ lực của ngành công an cũng như bệnh viện Phụ sản Trung ương. "Vài ngày không tìm được đứa con, gia đình tôi sốt ruột, nhờ luật sư vào cuộc bảo vệ quyền lợi ích và hợp pháp. Đến nay, chúng tôi xin rút lại đơn của luật sư đề nghị các cơ quan tố tụng khởi tố vụ án, khởi tố bị can với kíp trực hôm xảy ra vụ việc", anh Chiều nói.
Vẫn còn chưa khỏe hẳn, sản phụ Trần Thị Thơm cho biết: "Tôi đã mong chờ mòn mỏi thông tin về đứa con trai của tôi, từ khi biết thông tin đã tìm được cháu, tôi thấy mình như được hồi sinh"
Ở phía đối diện, tại cơ quan điều tra, Nghi can Nguyễn Thị Lệ khai: "Nếu không sinh được con sẽ khó ăn nói với gia đình nhà chồng. Vì áp lực trên, khi bị mất đứa con trong bụng, tôi nảy sinh ý định đánh cắp trẻ sơ sinh để giả là con".
Luật sư Phạm Thanh Bình phân tích: nếu mục đích bắt bé Trường của Lệ đúng như lời khai của cô ta thì việc làm của người phụ nữ này có dấu hiệu "chiếm đoạt trẻ em". Ông phân tích thêm, hành vi bắt cóc tùy theo dấu hiệu vi phạm có thể bị xử lý theo hai tội danh. Nếu ai đó bắt cóc nhằm mục đích tống tiền thì sẽ phạm vào tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, theo điều 134 Bộ luật hình sự. Trường hợp, thủ phạm bắt cóc người nhằm mua bán, nuôi dưỡng... thì bị xử lý về tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em, quy định tại điều 120. "Nếu trong quá trình điều tra, Lệ chứng minh trong lúc quẫn bách vì bị mất con, với tâm lý muốn được làm mẹ nên có hành động vi phạm pháp luật... thì có thể được hưởng tình tiết giảm nhẹ", vị luật sư hơn 20 năm nghiên cứu pháp luật hình sự này cho biết.
Xung quanh vụ việc tìm kiếm bé Trường không thể không nhắc tới anh Nguyễn Xuân Việt - tài xế taxi đã cung cấp thông tin về cháu bé cho cơ quan điều tra. Anh Nguyễn Xuân Việt nhớ lại: “Lúc ấy, tôi linh cảm cháu bé bị mất tích giống với cháu bé hôm tôi chở người phụ nữ ngày 3/11 tại Ô Cách-Đức Giang. Khi về công ty tôi có kể lại cho anh Đặng Tuấn Anh, Giám đốc công ty taxi Tuấn Linh và được anh động viên nên đến cơ quan công an để trình báo sự việc”.
Trong ngày tìm thấy cháu Phạm Xuân Trường bị bắt cóc, anh Việt cũng là người đã chở lực lượng công an đến Bắc Giang và trở lại huyện Đông Anh (Hà Nội) để tìm kiếm cháu bé mất tích. Ngày 11-11, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã gửi thư khen tài xế Nguyễn Xuân Việt khi hay tin nhân viên hãng Taxi Tuấn Linh này đã chủ động trình báo Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội - Công an TP Hà Nội, giúp nhanh chóng tìm ra manh mối thủ phạm bắt cóc cháu Phạm Xuân Trường và đưa cháu về với gia đình.Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội, cũng đã ký quyết định khen thưởng anh Nguyễn Xuân Việt.
Về phía bệnh viện phụ sản, ông Nguyễn Viết Tiến, thứ trưởng Bộ y tế, giám đốc bệnh viện sản TW cho hay, thời gian sắp tới sẽ cho lắp hệ thống camera khắp bệnh viện. Trước mắt, bệnh viện đã phổ biến kiến thức cho người nhà bệnh nhân để nâng cao tinh thần cảnh giác, đồng thời tăng cường lực lượng bảo vệ kiểm tra. "Sau khi xảy ra sự việc mất tích cháu bé, Bệnh viện quyết định ngay cả nhân viên y tế cũng không được bế trẻ sơ sinh đi đâu một mình".
Vụ việc bắt cóc trẻ sơ sinh đã khép lại nhưng còn đó nỗi lo đảm bảo an toàn cho các bệnh viện. Dư luận vừa mừng vừa lo. Để sự vụ tương tự không xảy ra cần có sự tập trung và chung sức của nhiều cơ quan chức năng.
Dothi.net (tổng hợp)