SearchNews

Bảo tồn giá trị kiến trúc biệt thự cổ

30/09/2009 15:02

Theo Sở Xây dựng (XD) Hà Nội, 80% biệt thự trên địa bàn Hà Nội đã bị biến dạng về kiến trúc do sự quản lý lỏng lẻo trong suốt thời gian dài.

Theo Sở Xây dựng (XD) Hà Nội, 80% biệt thự trên địa bàn Hà Nội đã bị biến dạng về kiến trúc do sự quản lý lỏng lẻo trong suốt thời gian dài.
>>Kỳ bí và duyên dáng biệt thự cổ Hà Nội

Trong khi giới kiến trúc sư đánh giá biệt thự trên địa bàn Hà Nội có giá trị lớn về nghệ thuật kiến trúc cũng như lịch sử - văn hóa. Vì vậy, Sở XD đã đề xuất danh mục 207 biệt thự không bán để tập trung bảo tồn, tôn tạo giữ gìn giá trị và mục đích sử dụng vốn có.

Giá trị kiến trúc biệt thự đang mất dần

Theo thống kê của Sở XD, Hà Nội đang quản lý 970 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước, gồm 42 biệt thự trong danh mục không bán, 228 biệt thự chưa bán, 164 biệt thự đã bán và 536 biệt thự bán một phần. Về kiến trúc, các biệt thự chủ yếu hình thành qua 2 thời kỳ trước và sau năm 1954, đã qua thời gian sử dụng trên 50 năm, phần lớn mang kiến trúc kiểu Pháp, hoặc kết hợp giữa kiến trúc phương Tây và Á Đông. Hầu hết các biệt thự nằm ở những vị trí đẹp, trên các tuyến phố chính của thành phố, thuộc địa bàn một số quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình. Đây là những đặc thù riêng, khác biệt cả về hình thức quản lý sử dụng lẫn hình thái kiến trúc so với các biệt thự tại các đô thị khác ở nước ta.

Được đánh giá cao về giá trị, song các biệt thự trên địa bàn Hà Nội đang mất dần hình thức kiến trúc ban đầu. Kết quả kiểm tra rà soát biệt thự của Tổ công tác liên ngành thành phố (TP) cho thấy, số lượng biệt thự còn nguyên trạng chiếm tỷ lệ 15%, trong khi số lượng biệt thự đã cải tạo, sửa chữa, bị biến dạng trong quá trình sử dụng, cơi nới, lấn chiếm diện tích chiếm tỷ lệ 80%. Đặc biệt, số lượng biệt thự đã phá đi, xây dựng mới chiếm tỷ lệ 5%.

Đáng chú ý, có 30% biệt thự thuộc dạng đan xen giữa sở hữu Nhà nước và tư nhân; 10% còn lại là trụ sở cơ quan nhà nước đan xen với các hộ dân thuê ở. Số biệt thự có 1 đến 2 hộ ở thuê rất hiếm, chỉ chiếm khoảng 5% trên tổng số biệt thự dùng để ở. Đa số các biệt thự có từ 5 đến 15 hộ thuê nhà. Trong đó, số biệt thự có từ 5 đến 10 hộ ở thuê chiếm tỷ lệ khoảng 50%; 10-15 hộ ở thuê chiếm tỷ lệ khoảng 40%. Cá biệt, vài biệt thự có 35-50 hộ. Chính vì phân phối cho nhiều hộ ở trong cùng biệt thự đã dẫn đến công năng sử dụng ban đầu của biệt thự bị thay đổi và quá tải. Mặt khác, giá cho thuê biệt thự quá rẻ, không đủ bù kinh phí để duy trì sửa chữa, cải tạo trong khi hầu hết các tòa nhà được xây dựng từ 40 đến 50 năm, nên xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, sự quản lý lỏng lẻo trong thời gian dài đã dẫn đến tình trạng cơi nới, lấn chiếm diện tích đất trống trong khuôn viên, làm nát kiến trúc biệt thự.

Đề xuất không bán 207 biệt thự

Để bảo tồn giá trị biệt thự, Sở XD đã đề xuất danh mục biệt thự không bán, theo các tiêu chí như có giá trị kiến trúc, khuôn viên lớn hơn 500m2, có ít hộ dân đang ở... Trong danh mục này có 42 biệt thự khu trung tâm chính trị Ba Đình (Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Lê Hồng Phong, Trần Phú...); các biệt thự TP quản lý đang cho doanh nghiệp thuê sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh. Với biệt thự đang là nhà công vụ, có đan xen sử dụng giữa cơ quan với hộ dân, TP có chủ trương di chuyển hộ dân để làm trụ sở cơ quan. Sở XD cho biết, về nguyên tắc, việc quản lý các biệt thự được thực hiện theo quy định về quản lý nhà ở, đất ở; giữ nguyên hình thức kiến trúc, mật độ xây dựng, tầng cao công trình...

Ngoài danh mục biệt thự không bán, Sở XD cũng đề xuất danh mục 599 biệt thự đề nghị bán gồm 580 biệt thự chưa bán và đã bán một phần; 19 biệt thự TP quản lý đan xen trụ sở cơ quan. Sở XD cho biết, đồng thời với việc bán biệt thự, sẽ áp dụng các chính sách quản lý đô thị và quản lý xây dựng nhằm giữ gìn, tôn tạo được hình dáng kiến trúc ban đầu của biệt thự, góp phần làm đẹp bộ mặt Thủ đô. Trước hết phải bảo đảm không chia nát khuôn viên và từng bước dỡ bỏ phần cơi nới, trả lại hình dáng kiến trúc ban đầu.

PGS, KTS Tôn Đại đề nghị việc khai thác, sử dụng biệt thự ở Hà Nội phải theo nguyên tắc không để người dân chia nhau ở và hạn chế sử dụng làm trụ sở cơ quan. Một số ít biệt thự độc đáo về phong cách nghệ thuật nên được sử dụng làm nơi hội họp nghệ thuật, phòng triển lãm nhỏ. Những biệt thự có chất lượng xấu nên loại bỏ nhưng những biệt thự loại trung bình trở lên nên bảo tồn theo nguyên tắc trả lại trạng thái ban đầu, trung thành với phong cách kiến trúc nguyên gốc vì đây là giá trị nghệ thuật.

Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, nên có hội đồng chuyên môn giúp thành phố xây dựng quy chế, chương trình đào tạo, chính sách quản lý từ các khâu thi công, thiết kế, tôn tạo, sử dụng... để bảo tồn biệt thự có giá trị trong khu phố cũ của Hà Nội. Tại hội thảo về giá trị kiến trúc biệt thự tại Hà Nội mới đây, nhiều kiến trúc sư cũng đề nghị cần có chính sách giãn dân tại những nhà biệt thự có nhiều hộ ở; có thể biến đổi chức năng sử dụng gốc nhưng không thay đổi cấu trúc và hình dáng gốc. Lâu nay việc quản lý quỹ biệt thự mới chỉ được nhìn nhận như quỹ nhà ở nhiều phức tạp mà chưa được nhìn nhận như quản lý di sản văn hóa. Vì thế, nhiều ý kiến đề nghị lập hồ sơ công nhận biệt thự cũ là di sản văn hóa cấp thành phố. Mỗi biệt thự cần có một hồ sơ quản lý với tư cách như một tác phẩm nghệ thuật, qua đó phân hạng giá trị của từng ngôi biệt thự và đưa ra giải pháp sử dụng, khai thác, quản lý hiệu quả.

(Theo HNM)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu