SearchNews

Bộ GTVT không có quyền bán trụ sở!

15/05/2012 07:51

Đề cập đến việc Bộ GTVT bán trụ sở Bộ, GS, TSKH. Đặng Hùng Võ khẳng định: Bộ GTVT không có quyền bán trụ sở!

Ngày 10/5, Bộ GTVT đã ra thông cáo báo chí về đề án Công nghiệp hóa – hiện đại hóa bộ GTVT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 liên quan đến việc xây dựng trụ sở Bộ.

trụ sở bộ GTVT

Bộ GTVT không có quyền bán trụ sở!

GS Đặng Hùng Võ – Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết: 

"Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc bán trụ sở của một Bộ phải giao cho địa phương tức là giao cho UBND TP. Hà Nội tổ chức đấu giá. Bộ GTVT không có quyền gì về đất đai mà chỉ UBND cấp tỉnh mới có quyền định đoạt về đất đai. Đất sử dụng làm trụ sở một Bộ thuộc phạm vi quản lý công sản của Bộ Tài chính nên phải được phép của Bộ Tài chính. Bộ GTVT là cơ quan hành chính sử dụng đất, không có quyền đứng ra làm việc này.

Đây là quy định của pháp luật về đất đai, về quản lý công sản, về hành chính. Mà nói thực, một Bộ quản lý chuyên ngành thì nên tránh cho xa việc buôn bán bất động sản, nhất là trụ sở mình được Nhà nước bố trí cho mình, mang vạ có ngày! "

trụ sở bộ GTVT

Khi được hỏi về việc sử dụng khu đất trắng này trong thời gian tới đây, ông Võ cho biết: "Giá trị bằng vàng của mỗi tấc đất trụ sở Bộ GTVT có máu của cha ông ta từ lịch sử, của chiến sỹ và nhân dân Thủ đô những ngày toàn quốc kháng chiến, những ngày đêm Điện Biên Phủ trên không. Pháp luật của ta cũng đủ chặt chẽ, không phải đó là đất muốn làm gì cũng được.

Chủ trương di chuyển các trụ sở Bộ, ngành ra khỏi nội đô để giảm tải hạ tầng là rất đúng. Còn việc sẽ sử dụng đất này để làm gì lại phụ thuộc vào quy hoạch của Hà Nội, sử dụng đất đó ra làm sao lại phụ thuộc pháp luật về tài chính đất đai".

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Mạnh Hùng cho biết, Bộ đang làm việc các bộ ngành về phương án chuyển đổi quyền sử dụng đất và xây dựng trụ sở mới. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ định giá đất của trụ sở 80 Trần Hưng Đạo để làm căn cứ chuyển đổi.

"Việc bán trụ sở tại 80 Trần Hưng Đạo sẽ theo quy trình, quy định chung, chủ trương minh bạch rõ ràng. Nếu tiền bán trụ sở còn thừa thì sẽ nộp vào ngân sách", Thứ trưởng Hùng nói.

Khó xác định giá trị đất Trụ sở Bộ GTVT 

GS Đặng Hùng Võ

Giáo sư Đặng Hùng Võ, cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, mỗi m2 đất mặt đường Trần Hưng Đạo giá khoảng 700 triệu đồng; như vậy, với 8.000 m2 thì trụ sở Bộ Giao Thông có thể lên tới 5.600 tỷ đồng (gần 280 triệu USD). Do 80 Trần Hưng Đạo là khu "đất vàng" nên sau khi mua, nhà đầu tư có thể tận thu bằng cách xây chung cư để bán.

Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn mua lại trụ sở Bộ Giao thông sẽ gặp "thế bí" vì trước đó, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cam kết, sau khi di chuyển các trường đại học, cơ quan... ra ngoại thành, thành phố sẽ không cấp phép xây dựng mới cho các công trình cao tầng ở nội đô. Cũng vì thế, ông Võ nhận xét: "Khu đất quá lớn, nếu không được xây cao ốc thì rất khó bán theo giá thị trường".

Trong khi đó, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản lớn tại Hà Nội cho biết, giá giao dịch thực tế của đất mặt đường Trần Hưng rất khó xác định chính xác bởi mua bán gần như không có. Theo một số sàn giao dịch bất động sản tại thủ đô, nhà riêng lẻ trên mặt phố Trần Hưng Đạo có giá khoảng 300-350 triệu đồng mỗi m2, tùy vị trí. Khi diện tích càng lớn, mức giá sẽ giảm đi và không dễ tìm người mua trong bối cảnh hiện nay. Còn theo khung giá đất do UBND Hà Nội ban hành, giá đất sản xuất kinh doanh vị trí 1 (mặt đường) Trần Hưng Đạo hiện nay hơn 29 triệu đồng mỗi m2.

Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội cho rằng, theo quy hoạch thì trụ sở của Bộ Giao thông và Vận tải sẽ trở thành công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng và không có chức năng nhà ở. Bởi một trong các vấn đề lớn của Hà Nội là giảm tải dân số ở nội đô.

Theo ông Nghiêm, 80 Trần Hưng Đạo là tài sản công thuộc sở hữu quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải chỉ là đơn vị quản lý. Do đó, không nên đặt nặng vấn đề bán được bao nhiêu và dễ bán hay không. "Sau khi Bộ Giao thông di dời, khu đất này có thể xây dựng công cộng như công trình văn hóa, trường học, giáo dục phục vụ cộng đồng", ông Nghiêm nói.

Theo đề án Công nghiệp hóa, hiện đại hóa Bộ Giao thông Vận tải được Bộ trưởng Đinh La Thăng phê duyệt, bộ này cần gần 224.000 tỷ đồng để hiện đại hóa trụ sở làm việc, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển đội tàu biển, máy bay, đào tạo nguồn nhân lực đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Ngày 10-5, Bộ GTVT đã có thông cáo gửi các cơ quan báo chí để giải thích về một số vấn đề liên quan đến Đề án CNH-HĐH Bộ GTVT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Trong thông cáo trên, Bộ GTVT khẳng định việc đề án dự kiến kinh phí hơn 223.000 tỉ đồng là kinh phí tổng hợp, trên cơ sở đầu tư hiện đại hóa công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh…

Riêng về nội dung xây dựng trụ sở tiêu tốn đến hàng ngàn tỉ đồng, Bộ GTVT cho rằng Thủ tướng đã có ý kiến đồng ý về nguyên tắc cho phép Bộ này được mua trụ sở làm việc. Đồng thời, Bộ được phép bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giá thị trường, đúng quy định của pháp luật để lấy kinh phí đầu tư trụ sở mới.

Minh Chuyên

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu