Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thành lập đoàn kiểm tra việc giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong tháng 3/2012.
> Hải Phòng dừng mọi quyết định thu hồi đất
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa có công văn số 371 gửi UBND một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm tra, rà soát tình hình sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển trong tháng 3/2012.
Theo đó, Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo, kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất, đồng thời sửa đổi cho phù hợp với pháp luật đất đai hiện hành.
Riêng đất bãi bồi ven sông, ven biển, UBND các tỉnh, thành cần khẩn trương chỉ đạo kiểm tra việc giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất trên địa bàn và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý các sai phạm (nếu có) theo đúng pháp luật.
Các tỉnh, thành báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý về Bộ TN&MT trước ngày 29/2/2012 để Bộ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2012.
Trên cơ sở báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát, xử lý của các tỉnh, thành phố, trong tháng 3/2012, Bộ TN&MT sẽ thành lập một số đoàn công tác để kiểm tra việc giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển trên địa bàn một số tỉnh, thành.
Công văn của Bộ TN&MT nhằm cụ thể hóa kết luận của Thủ tướng tại văn bản số 43/TB-VPCP về vụ cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng. Thủ tướng đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước chủ động rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về đất đai, nhất là việc thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Đề cao trách nhiệm, tập trung giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai.
Hiện cả nước có 160 huyện ven biển, huyện đảo của 30 tỉnh, thành phố trong cả nước đã được điều tra cơ bản về số lượng và chất lượng tài nguyên đất, tài nguyên nước mặt, tài nguyên nước dưới đất.
Đến nay, 93% diện tích này đã được đầu tư khai thác sử dụng cho các mục đích dân sinh, kinh tế. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 32%, diện tích đất có rừng chiếm 35%, 9% diện tích được dùng trong nuôi trồng thủy sản. Số diện tích còn lại bao gồm đất làm muối, đất làm khu công nghiệp, nhà ở, đất chuyên dùng…
Ngoài ra, còn có hơn 4 triệu ha diện tích đất đặc thù ngoài bãi triều và mặt nước ven biển. Đây là phần diện tích tính từ đường bờ biển ra đến độ sâu 6m khi thủy triều kiệt, không nằm trong diện tích tự nhiên, trong đó, chỉ có 1/5 diện tích này được sử dụng vào nuôi trồng thủy sản, bãi tắm, cảng biển. Số diện tích còn lại là bãi bồi, cồn cát, bãi cát, đất mặt nước ven biển... Những bất lợi bởi sóng biển, thủy triều cùng các yếu tố khác khiến các tiềm năng về du lịch khám phá, cảng biển, nuôi trồng thủy sản ở khu vực này chưa được khai thác nhiều.
Trước đó, ngày 25/2, UBND Hải Phòng ra công văn thông báo dừng thu hồi và giao đất nuôi trồng thủy sản để chờ quy định mới. Quyết định này đưa ra sau gần 2 tháng xảy ra vụ cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn và bị Thủ tướng kết luận là sai luật. |
Nguyễn Hoàng (TH)