"Người dân các nơi ồ ạt đổ về thành phố, đi liền với sự quá tải về mọi mặt, kìm hãm sự phát triển của thành phố", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh lo lắng về diện mạo và đời sống tại các đô thị trước làn sóng lao động di cư.
- Ông lo ngại điều gì nhất về các quy định trong Dự thảo Luật Cư trú?
- Từ chỗ quy định quá chặt về việc nhập hộ khẩu, thì nay quy định lại quá thoáng, đến mức sẽ rất khó khăn quản lý kinh tế - xã hội ở các địa phương. Theo Dự thảo, một trong những điều kiện để được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương là những người trước đây đã đăng ký thường trú tại các thành phố này, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình.
Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Điều này sẽ dẫn tới tình trạng hàng vạn người đi kinh tế mới trở về các đô thị, các đô thị trở nên quá tải, kìm hãm sự phát triển.
- Nếu không cho nhập khẩu trở lại, vẫn có hàng nghìn người đổ về thành phố kiếm sống, làm việc và sinh hoạt?
- Chính phủ nên quy định diện tích sinh hoạt tối thiểu của mỗi người sống tại trung tâm các thành phố lớn. Nếu diện tích không đủ theo tiêu chuẩn mà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ nhà.
Tôi không phủ nhận sự đóng góp của lao động ngoại tỉnh, song cũng không vì vậy mà mở quá thoáng, dẫn tới tình trạng người dân ở các nơi khác ồ ạt đổ vào thành phố. Điều này đi liền với sự quá tải về mọi mặt và kìm hãm sự phát triển của thành phố.
Nhìn bên ngoài, việc tạo điều kiện hết cỡ cho người nghèo được nhập cư sinh sống tại các đô thị có vẻ hướng đến người nghèo, nhưng thực ra lại làm hại người ta. Theo tôi, chính sách phải công bằng, nếu chỉ nghĩ đến người nghèo, thì những người khác, những người thực sự đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội thì sao?
- Cho phép người ngoại tỉnh được làm việc bán thời gian tại đô thị, nhưng lại quy định chặt việc cư trú. Điều này có vẻ mâu thuẫn?
- Tôi nghĩ không có gì mâu thuẫn, bởi những người này vẫn cung cấp dịch vụ cho cư dân đô thị vào ban ngày, còn ban đêm họ có thể ra vùng ven đô thuê nhà để sống. Chính quyền các thành phố có thể xây nhà liên kế ở ven đô và cho họ thuê với giá rẻ. Tất nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của chúng ta còn hạn chế, nên phải thực hiện dần dần từng bước, không thể thực hiện ngay một lúc, nhưng mục tiêu là phải vươn tới sự văn minh, hiện đại. Nếu không quyết liệt, không dứt khoát, thì sự phát triển kinh tế - xã hội của các đô thị khó có thể bứt phá.
(Theo Đầu tư)