Gần 100 hộ dân tổ 15B, phường Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) được cấp đất giãn dân. Nhưng gần 6 năm nay, rất ít hộ xây nhà, phải ở những khu nhà tạm lụp xụp, dột nát.
Ông Hoàng Kế Đạt là chủ lô đất số 88, diện tích 80 m2 tại tổ 15B, cụm 4, phường Hạ Đình (Thanh Xuân). Hồ sơ xin cấp phép xây dựng của ông đầy đủ về thủ tục, giấy tờ, UBND phường xác nhận “không có tranh chấp về nhà, không có tranh chấp về đất. Đề nghị UBND quận cấp giấy phép xây dựng”.
Ngày 27/10/2006, UBND quận nhận hồ sơ và hẹn đến ngày 10/11, sau đó tiếp tục hẹn đến ngày 15/11. Ngày 3/1/2007, phòng xây dựng đô thị quận có giấy mời ngày 4/1 đến UBND phường Hạ Đình xác minh hiện trạng vị trí thửa đất. Kết quả, không thực hiện được do thiếu đại diện của phòng Tài nguyên - Môi trường quận. "Việc xin cấp phép xây dựng đã phải đi lại hơn hai tháng trời, chỗ nọ “đá” qua chỗ kia. Trong khi đó, gia đình tôi gần sáu năm qua có đất nhưng phải đi thuê nhà, mỗi tháng hơn 1 triệu đồng. Số tiền thuê nhà 70-80 triệu đồng trong sáu năm qua ai chịu thay", ông Đạt bức xúc.
Tương tự, gia đình ông Trần Đình Các cũng trả gần 100 triệu đồng thuê nhà trong sáu năm, trong khi 80 m2 đất bỏ hoang không được xây dựng. Bà Trần Thúy Liên, trưởng ban công tác mặt trận cụm dân cư số 4 (Hạ Đình), bất bình: "Người dân đã gửi tới lá đơn thứ 12 nhưng mọi việc vẫn chưa được giải quyết".
Ông Ngô Quốc Kỳ, tổ trưởng tổ 15B, khẳng định trong tổ có gần 60 lô đất thuộc diện cấp đất giãn dân không được cấp phép xây dựng nhà ở và hơn 10 ngôi nhà cấp 4 có nguy cơ đổ sập không được phép sửa chữa.
Sau khi UBND TP Hà Nội có quyết định (năm 2001) phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án công viên hồ Hạ Đình, đầu năm 2002 UBND quận Thanh Xuân đã có văn bản cấm tất cả hộ gia đình có đất xung quanh khu vực hồ, hợp pháp, chưa hợp pháp tạm thời giữ nguyên hiện trạng, không mua bán, chuyển nhượng và xây dựng mới. Văn bản này cũng quy định sau khi dự án cắm mốc, nếu không nằm trong quy hoạch thì được xem xét, giải quyết.
Đại diện tổ dân phố 15B dẫn chứng mốc quy hoạch chưa cắm, nói quy hoạch làm hồ điều hòa nhưng mới đây gần một nửa diện tích lòng hồ đã bị san lấp xây trường học.
Chủ tịch UBND phường Hạ Đình, Nguyễn Công Ích, thì cho biết UBND phường đã nhiều lần kiến nghị xem xét cấp sổ đỏ cho các hộ dân, cấp phép xây dựng tạm thời, trong đó giới hạn về chiều cao đối với từng công trình, cho phép các hộ dân sửa chữa nhà cũ nát... nhưng kiến nghị không được giải quyết.
Còn Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, Hoàng Nam Sơn, cho rằng nếu việc vi phạm xảy ra sau khi có quy hoạch thì không được cấp phép xây dựng. Nếu quy hoạch có sau thì các trường hợp nằm trong quy hoạch nhưng chưa có quyết định thu hồi đất hoặc dự án chưa triển khai được xem xét cấp phép xây dựng nhà tạm. Theo ông Sơn, vi phạm ở đây là do chính quyền xã Khương Đình trước kia đã cấp đất dãn dân sai vị trí được giới thiệu. Ông Sơn nói công viên hồ điều hòa theo quy hoạch của TP có từ trước khi thành lập quận (quận thành lập được 10 năm). “Có thể còn hơn 20 năm, tôi không xem quyết định quy hoạch của TP, vì lúc đó chưa thành lập quận nên mình cũng không hiểu”.
(Theo Tuổi Trẻ)