SearchNews

“Chất lượng đường cao tốc Trung Lương quá tệ”

02/12/2011 09:27

Tuyến đường này từng được sửa chữa, dặm vá nhưng sau đó vẫn tiếp tục xuống cấp. Ngày 15-12 sẽ dặm vá xong.

 > Sửa đường cao tốc Trung Lương như "vá áo rách"
> Bộ trưởng Thăng tiếp tục "trảm" giám đốc điều hành dự án

Tuyến đường này từng được sửa chữa, dặm vá nhưng sau đó vẫn tiếp tục xuống cấp. Ngày 15-12 sẽ dặm vá xong.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Xuân Hòa, ĐH Bách khoa TP.HCM, đã nhận xét như trên khi nói về tình trạng hư hỏng trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Ông Hòa cho biết: “Bề mặt của tuyến cao tốc được phủ lớp tạo nhám và hư hỏng xảy ra chủ yếu là do lớp kết cấu bê tông nhựa. Những hư hỏng nếu chỉ là cục bộ thì phải cắt vuông vắn từng khu vực, cào bỏ lớp bê tông nhựa cũ để thay thế bằng lớp mới. Phương án này (thường hay sử dụng để vá các ổ gà) có thể không tạo ra sự đồng đều giữa lớp cũ và mới, ảnh hưởng đến an toàn lưu thông”.

 Thực tế là tuyến đường này đã được dặm vá như cách ông vừa đề cập và sau đó lại tiếp tục hư hỏng…

 Đương nhiên khi vá lại thì chất lượng mặt đường không thể nào bằng như miếng nguyên. Trong quá trình thi công, tuyến đường đã được đầm lèn chặt. Nếu khi dặm vá mà không đầm lèn thật chặt, miếng vá sẽ bị võng xuống, đọng nước khiến mặt đường tiếp tục hư hỏng. Ngoài ra, điểm tiếp xúc giữa lớp cũ và mới có thể bị thấm nước, dẫn đến các hư hỏng tiếp theo.

Nguyên nhân khiến những chỗ tái lập vẫn tiếp tục hư hỏng là do quá trình thi công không đảm bảo chất lượng. Tôi rất tiếc khi một công trình đường cao tốc lớn như vậy mà chỉ vừa đưa vào sử dụng đã phát sinh nhiều hư hỏng.

Theo ông, phương án nào có thể đảm bảo khắc phục các khiếm khuyết toàn diện?

 Cho dù việc dặm vá có kỹ càng thế nào đi nữa, giữa lớp cũ và lớp mới có độ phẳng đồng đều đến mấy thì cũng không thể được như hiện trạng ban đầu. Theo tôi, muốn “ngon lành” chỉ có cách cào bóc toàn bộ lớp mặt để thảm lại. Biện pháp này rất tốn kém, gây gián đoạn việc lưu thông trên tuyến cao tốc nên tôi cho rằng các đơn vị chức năng sẽ không chọn.

Còn việc khe co giãn trên cầu ở đường dẫn vào đường cao tốc bị lún, võng, vỡ bê tông thì sao, thưa ông?

 Khe co giãn này bằng cao su, hư hỏng thì có thể do bản thân chất lượng khe co giãn của nhà sản xuất không đảm bảo. Một khả năng khác là do việc lắp đặt không tuân thủ quy trình và theo thời gian, dòng xe qua lại sẽ từ từ phá hỏng các khe co giãn này.

Tuy nhiên, dù là nguyên nhân nào thì với việc xuất hiện hàng loạt khiếm khuyết (sửa rồi nhưng vẫn hỏng) kể trên, rõ ràng chất lượng tuyến đường này quá tệ. Do đây là đường cao tốc nên những hư hỏng sẽ gây nguy hiểm cho người lưu thông, các đơn vị liên quan cần sớm xử lý dứt điểm.

. Xin cám ơn ông!

Ngày 15-12 sẽ dặm vá xong

Chiều 1-12, ông Nguyễn Duy Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5), cho hay: Hiện việc khắc phục các hư hỏng ở bên phải tuyến cao tốc (theo hướng từ TP.HCM về Trung Lương) đã cơ bản hoàn tất. Hướng ngược lại đang được dặm vá sơ bộ và ở từng vị trí hư hỏng sẽ khoan lấy mẫu kiểm tra để đưa ra phương án xử lý triệt để. Dự kiến đến ngày 15-12, việc sửa chữa sẽ hoàn tất.

“Phương án sửa chữa do Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (Cuu Long CIPM) phê duyệt. Họ cũng thuê đơn vị khác sửa chữa chứ không phải một mình Cienco 5 làm. Do chưa tính được khối lượng cụ thể nên hiện chưa xác định chính xác chi phí sửa chữa. Tuy nhiên, Cienco 5 sẽ chịu chi phí sửa chữa những hư hỏng ở các vị trí đơn vị đã thi công. Nếu sau đó những điểm sửa chữa này lại tiếp tục hư hỏng, đơn vị sửa chữa do Cuu Long CIPM thuê phải chịu trách nhiệm” - ông Bình nói.

(Theo PLTPHCM)


Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu