SearchNews

Chính thức khai mạc Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

01/10/2010 10:38

Đúng 8 giờ sáng hôm nay 1/10, Lễ khai mạc 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và đón nhận Bằng công nhận Di sản Văn hóa Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long chính thức diễn ra trọng thể tại Vườn hoa Lý Thái Tổ và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Đúng 8 giờ sáng hôm nay 1/10, Lễ khai mạc 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và đón nhận Bằng công nhận Di sản Văn hóa Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long chính thức diễn ra trọng thể tại Vườn hoa Lý Thái Tổ và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Tham dự Lễ khai mạc có 1.000 khách mời chính thức là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành trung ương, đại diện các tỉnh, thành phố, khách quốc tế và hàng vạn người dân Hà Nội cùng du khách trong và ngoài nước. Lễ khai mạc 10 ngày Đại lễ gồm hai phần: Lễ và Hội.

Phần Lễ sẽ được mở đầu bằng màn biểu diễn của dàn trống, cồng, chiêng tấu bản nhạc lễ. Sau hiệu lệnh "Mừng Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, từ linh khí đất trời, từ hồn thiêng sông núi, đài lửa Thăng Long rực sáng muôn đời", đại diện tiêu biểu cho thế hệ thanh niên Thủ đô sẽ cầm đuốc tiến vào lễ đài thắp sáng đài lửa. Tiếp sau đó sẽ là Lễ dâng hương của lãnh đạo Đảng và Nhà nước thể hiện lòng biết ơn của thế hệ hôm nay với các bậc tiền nhân đã có công khai sáng Thăng Long. Sau lễ chào cờ và phát biểu khai mạc của lãnh đạo thành phố Hà Nội, Tổng Giám đốc UNESCO sẽ trao bằng Di sản Văn hóa thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cho lãnh đạo thành phố Hà Nội và kết thúc phần Lễ là nghi thức thả chim bồ câu, thể hiện khát vọng hòa bình ngàn đời của dân tộc Việt Nam, của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến - Thành phố vì Hòa bình.

Tiếp sau phần Lễ là phần Hội được bắt đầu vào lúc 9 giờ 00 và diễn ra đồng loạt tại 6 sân khấu chính xung quanh hồ Hoàn Kiếm và Quảng trường Cách mạng tháng Tám. Mỗi sân khấu là một chương trình nghệ thuật mang chủ đề riêng đặc sắc.

Sân khấu 1 với chủ đề "Thăng Long - Hà Nội, thành phố lịch sử truyền thống anh hùng" tại Vườn hoa Lý Thái Tổ. Sau khi kết thúc chương trình tại đây, dàn quân nhạc sẽ di chuyển về phía sân khấu Quảng trường Cách mạng tháng Tám, vừa đi vừa biểu diễn những tác phẩm, ca khúc về Thăng Long - Hà Nội. Sân khấu Đền Bà Kiệu (Sân khấu 2) với chủ đề "Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô văn hiến". Sân khấu 3 tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục với chủ đề "Thăng Long - Hà Nội, Thành phố vì hòa bình". Tại ngã 3 Lê Thái Tổ - Hàng Trống sẽ là sân khấu 4 với chủ đề "Hà Nội, thành phố của hội nhập và phát triển". Sân khấu 5 sẽ được đặt tại địa điểm ngã 4 Hàng Khay - Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài với chủ đề "Hà Nội, trái tim của cả nước". Nếu như sân khấu chính tại Vườn hoa Lý Thái Tổ với sự góp sức của 1.000 nghệ sĩ và khách mời có sự chọn lọc thì ở 5 sân khấu nhỏ mỗi sân khấu có từ 100 đến 400 nghệ sĩ và được mở cửa tự do để nhân dân và du khách thưởng thức các chương trình.

Ngay trong ngày khai mạc Đại lễ, hàng loạt các sự kiện văn hóa cũng được tiếp nối, đó là khai mạc Triển lãm các tác phẩm văn học - nghệ thuật qua các thời kỳ tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam; Triển lãm Ảnh nghệ thuật Hà Nội tại Vườn hoa Giám, Đống Đa và 45 Tràng Tiền; Khai mạc Tuần lễ phim lịch sử, cách mạng tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia. Đặc biệt, người dân Thủ đô và bạn bè trong nước, quốc tế sẽ có một buổi tối tuyệt vời đầu tiên của 10 ngày Đại lễ với chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc "Đêm Hồ Gươm lung linh và trình diễn áo dài truyền thống" xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và Chương trình hòa nhạc Hội nhập Quốc tế - Niềm tin hướng tới tương lai do NSND Đặng Thái Sơn biểu diễn tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. Cũng trong đêm khai mạc, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam sẽ diễn ra Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội.

Để có được Lễ khai mạc Đại lễ mang dấu ấn, tầm vóc sự kiện lịch sử của dân tộc, của Thủ đô, trước đó, cả hệ thống chính trị của thành phố và các tầng lớp nhân dân đã vào cuộc tích cực để làm đẹp Thủ đô. Dọc các tuyến đường, tuyến phố như Điện Biên Phủ, Tràng Thi, Tràng Tiền, Giải Phóng... hệ thống ánh sáng cùng các biểu tượng Thăng Long - Hà Nội đã được bố trí tạo lên sắc màu rực rỡ. Các công trình kiến trúc lớn như Tháp Rùa - Hồ Gươm, Nhà hát Lớn, Quảng trường Ba Đình… đều được trang hoàng lộng lẫy cờ hoa nhiều màu sắc.

Người dân Hà Nội có thể tự hào với bạn bè trong nước và quốc tế về diện mạo của Thành phố, tầm vóc của Thủ đô khi chào đón sự kiện trọng đại ngàn năm có một với vị thế của Thủ đô văn hiến anh hùng, thành phố vì Hòa bình.

(Theo KTDT)

   

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu