Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), mở cửa cho việc thực hiện một số dự án để tạo cơ sở tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP.
Cụ thể, quy chế quy định nguyên tắc, điều kiện và thủ tục áp dụng thí điểm đối với 9 lĩnh vực, bao gồm đường bộ, cầu đường bộ, hầm đườc bộ, bến phà đường bộ; đường sắt, cầu đường sắt, hầm đường sắt; giao thông đô thị; cảng hàng không, cảng biển, cảng sông; hệ thống cung cấp nước sạch; nhà máy điện; y tế (bệnh viện); môi trường (nhà máy xử lý chất thải); và các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công khác theo quyết định của Thủ tướng.
Theo bản quy chế này, nguyên tắc thí điểm đầu tư theo hình thức PPP là nhằm đảm bảo thu hút nguồn vốn của khu vực tư nhân trong và ngoài nước nhưng không dẫn đến nợ công. Quy chế cũng quy định, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tối thiểu phải bằng 30% vốn của tư nhân tham gia dự án và được huy động (không có bảo lãnh Chính phủ) tối đa bằng 70% vốn của khu vực tư nhân tham gia dự án.
Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sẽ được thực hiện trên cơ sở cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế, phù hợp với pháp luật Việt Nam, và theo tập quán, thông lệ quốc tế.
Điều kiện để các dự án nằm trong diện xét thí điểm phải đáp ứng một trong các tiêu chí như: dự án quan trọng, quy mô lớn, có yêu cầu cấp thiết cho nhu cầu phát triển kinh tế; dự án có khả năng hoàn trả vốn cho nhà đầu tư từ nguồn thu hợp lý từ người sử dụng; dự án có khả năng khai thác được lợi thế về công nghệ, kinh nghiệm quản lý, vận hành và sử dụng hiệu quả năng lực tài chính của khu vực tư nhân; các tiêu chí khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Riêng về vai trò của nhà nước trong các dự án thí điểm PPP, Quy chế nêu rõ, phần tham gia của Nhà nước sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề xuất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, tổng giá trị phần tham gia của Nhà nước cũng không vượt quá 30% tổng mức đầu tư của dự án (trừ trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định).
Quy chế cũng cho biết, chi phí chuẩn bị đầu tư của các dự án thí điểm, bào gồm chi phí lập và công bố danh mục dự án, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và các chi phí khác, sẽ được bố trí từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác (nếu có), nhưng nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án phải thanh toán cho nhà nước chi phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Bên cạnh các quy định chi tiết về trình tự, thủ tục… Quy chế cũng đề cấp các ưu đãi và đảm bảo đầu tư. Cụ thể, doanh nghiệp dự án được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi với hàng hóa nhập khẩu để thực hiện dự án; được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được nhà nước giao hoặc được miễn tiền thuê đất trong toàn bộ thời gian thực hiện dự án.
Ngoài ra, quy chế cũng quy định một số quyền của doanh nghiệp dự án như quyền thế chấp tài sản; quyền được mua ngoại tệ; đảm bảo cung cấp các dịch vụ công cộng; và bảo lãnh nghĩa vụ của nhà đầu tư.
Bản quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2011, được thực hiện trong thời gian 3-5 năm kể từ ngày có hiệu lực cho đến khi Chính phủ ban hành nghị định thay thế.
(Theo Vneconomy)