TSQ Việt Nam đã cử Luật sư xin lỗi khách hàng và sẽ có văn bản trả lời lại những khiếu nại của khách hàng mua nhà ở dự án Việt Kiều Châu Âu Euroland. Đây có thể coi là những dấu hiệu “xuống nước” của chủ đầu tư…
Sau khi luôn khẳng định mình đúng và “thách” khách hàng mua nhà ở dự án Việt Kiều Châu Âu Euroland (Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) kiện ra tòa, chủ đầu tư dự án là TSQ Việt Nam tiếp tục tỏ ra không “khoan nhượng” khi gửi công văn trả lời lần thứ 3 cho các khách hàng vào ngày 16.8.
Trong công văn, TSQ Việt Nam thông báo: Sẽ từ chối, tạm dừng việc nhận đơn thư có nội dung kiến nghị kể từ ngày 16.8. Bởi lẽ, Cty này cho rằng đang làm theo đúng nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng. Công văn ghi rõ: “Chúng tôi đã giải thích trong 02 (hai) văn bản trả lời trước đây… Chúng tôi sẽ không trả lời lại những vấn đề này nữa và Công ty chúng tôi cũng không có kế hoạch tổ chức Hội nghị hoặc tổ chức bất cứ cuộc họp nào với các khách hàng”.
Ngay sau khi nhận được công văn này, khách hàng mua căn hộ tại Làng Việt kiều châu Âu đã thống nhất với nhau: Sẽ không ai nộp tiền chênh lệch tỉ giá cũng như tiền lãi 24% phạt chậm thanh toán cho phía TSQ Việt Nam. Từng người sẽ tới làm việc trực tiếp với chủ đầu tư để giải quyết vấn đề này, vì đây là hợp đồng dân sự, các bên chủ thể cũng cần phải trực tiếp làm việc với nhau, chứ không đại diện tập thể.
Sáng 18.8, hàng trăm người dân đã cùng nhau đến trụ sở Cty TSQ để gặp chủ đầu tư. Không chấp nhận gặp tất cả khách hàng, chủ đầu tư yêu cầu chỉ gặp 4 người đại diện.
Đại diện hàng trăm khách hàng vào làm việc với chủ đầu tư, chị Thoa cho biết: Phía TSQ đã cử đại diện là Luật sư Lê Thanh Sơn- Luật sư điều hành Văn phòng Luật sư AIC đã trình Hợp đồng ủy quyền từ TSQ Việt Nam cho Văn phòng luật sư cùng 3 nhân viên của Cty. Thay mặt và đại diện cho chủ đầu tư, LS. Sơn đã gửi lời xin lỗi tới tất cả các khách hàng vì “Văn hóa giao tiếp” của TSQ Việt Nam đã gây bức xúc cho khách hàng.
Chị Thoa cho hay: “Theo ông Sơn, đây không phải lần đầu tiên TSQ Việt Nam xảy ra tranh chấp với khách hàng. Theo quan điểm và kinh nghiệm của Luật sư thì những dạng tranh chấp này chỉ gọi là “Bất đồng quan điểm”, các bên nên ngồi lại với nhau để đạt được những thỏa thuận chung, không cần phải kiện ra tòa. Còn trong những công văn trả lời của TSQ Việt Nam có ý thách thức khách hàng đưa vụ việc ra tòa giải quyết là không đúng mực. Và vì đây là giao dịch dân sự, các quyền có quyền bình đẳng như nhau, nếu có xung đột về lợi ích của các bên mà không thỏa thuận được thì không cần bên này thách, bên kia cũng biết tự đưa ra tòa giải quyết.
Ông Sơn đưa ra giải pháp: Các vấn đề khách hàng nêu trong các đơn kiến nghị, Văn phòng Luật AIC sẽ cố gắng hết khả năng để trả lời cụ thể từng phần bằng văn bản và gửi tới từng khách hàng vào thứ hai ngày 22.8 tới đây. Sau khi xem xét các câu trả lời, phía TSQ Việt Nam gồm Luật sư và Phó Tổng Giám đốc Đỗ Quân cùng đại diện các phòng ban liên quan sẽ trao đổi, đàm phán trực tiếp từng trường hợp cụ thể. Thời gian dự kiến gặp chủ đầu tư là ngày 25.8.
Anh Hải, một khách hàng còn cho biết thêm “Chúng tôi đã chuẩn bị rất nhiều băng rôn, biểu ngữ để chăng ra đòi quyền lợi nếu chủ đầu tư nhất định không gặp khách hàng. Tuy nhiên, chúng tôi đã không làm thế vì phía chủ đầu tư đã bắt đầu có thiện chí”.
Như vậy, đây có thể nói là những dấu hiệu “xuống nước” đầu tiên của chủ đầu tư sau những khiếu nại của hàng trăm khách hàng.
(Theo LĐO)