SearchNews

Chưa nên thu thuế nhà ở?

20/01/2010 08:19

Có nên đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế hay không là một trong những vấn đề được bàn đến khá nhiều, với các góc nhìn khác nhau, tại buổi hội thảo do Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam ở TPHCM (VCCI) tổ chức.

Có nên đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế hay không là một trong những vấn đề được bàn đến khá nhiều, với các góc nhìn khác nhau, tại buổi hội thảo do Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam ở TPHCM (VCCI) tổ chức.

Hội thảo dưới sụ chủ trì của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, có nội dung xoay quanh Dự thảo về Luật Thuế nhà, đất đang đươc đưa ra thảo luận nhằm lấy ý kiến đóng góp và đề xuất từ các nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, qua đó giúp hoàn thiện hơn dự thảo này trước khi được đưa ra trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới.

Dự thảo luật lần này đưa ra hai phương án cho đối tượng chịu thuế. Trong đó, phương án một sẽ đưa nhà vào đối tượng chịu thuế vì cho rằng sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý, từng bước kiểm soát, điều tiết hợp lý nguồn thu vào ngân sách nhà nước, góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ nhà, nhất là nhà chung cư.

Phương án hai sẽ không đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế vì cho rằng trong điều kiện mức sống của người dân còn chênh lệch, đại đa số ở mức thấp, tình hình kinh tế diễn biến chưa ổn định, trước mắt chưa áp dụng thu thuế đối với nhà ở mà chỉ thu thuế đối với đất.

Một số góp ý tại hội thảo ủng hộ phương án hai, cho rằng chỉ nên thu thuế đất vì khi Luật Thuế thu nhập cá nhân đi vào cuộc sống, thì nhà ở là loại tài sản trên đất được tạo lập từ khoản thu nhập còn lại của mỗi cá nhân sau khi đã chịu thuế thu nhập. Nếu đánh thuế vào những căn nhà ở duy nhất thì thuế đã chồng lên thuế.

Ông Lê Văn Tứ, một chuyên viên kinh tế, cho rằng không thể đánh thuế vào tài sản, vì tài sản là những gì người ta mua sắm được bằng thu nhập sau khi đã nộp thuế thu nhập cá nhân, vậy là một lần đã nộp thuế. Sau khi dùng số tiền trên mua các vật dụng cần cho cuộc sống hàng này, số còn lại mới tích cóp để mua hay xây dựng nhà ở (gồm cả đất).

Hơn nữa, đến khi mua hay xây nhà, lại phải nộp một lần thuế nữa trong giá nhà đất và vật liệu xây dựng phải mua. Nếu thuế nhà đất được ban hành, người dân lại phải nộp thêm thuế nhà đất. Đây là lần nộp thuế thứ ba, và lần này không phải nộp một lần, mà phải nộp đều đặn hàng năm.

Ông Tứ cho rằng chỉ tuy không thu thuế nhà ở, nhưng vẫn cần thu thuế đất, và rằng chủ trương sử dụng thuế nhà đất để chống đầu cơ bất động sản luôn hướng thuế nặng vào người có nhiều nhà đất, vô hình trung gộp người có nhiều nhà đất vào hàng ngũ kẻ đầu cơ.

“Sẽ rất thiển cận nếu xếp những người kinh doanh địa ốc, với vai trò thương nhân, thấy ai cần bán bất động sản là họ mua, thấy ai cần mua là họ bán, vào hàng ngũ đầu cơ”, ông Tứ phát biểu.

Theo luật sư Lê Nết, giảng viên Đại học Luật TPHCM, đối với mục đích chống đầu cơ, thì việc đầu tiên trong dự thảo là nên định nghĩa thế nào là đầu cơ. Đầu cơ khác với đầu tư như thế nào. Dự thảo cần làm rõ là chỉ chống đầu cơ chứ không chống đầu tư vào thị trường bất động sản và sự khác biệt giữa hai hình thức bỏ vốn kiếm lời này.

Trong phần đóng góp ý kiến của mình, luật sư Nguyễn Đăng Liêm cũng đồng quan điểm chỉ nên thu thuế đất và chưa nên thu thuế nhà bởi việc quản lý nhà nước còn lỏng lẻo, chưa kiểm soát được các đối tượng trốn thuế bằng cách khai gian tài sản.

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội TPHCM, cho rằng việc thu thuế nhà đất là để chống đầu cơ những đối tượng thu lợi bất chính. Vì vậy dự luật này là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi giá trị nhà đất có nhiều chênh lệch. Do vậy, phải có sự điều tiết của Nhà nước. Thuế nhà đất sẽ là khoản thu vào ngân sách địa phương, giúp phát triển quỹ nhà ở xã hội tại khu vực, đảm bảo những tầng lớp thấp hơn không có điều kiện vẫn có nhà ở.

Ngoài hai luồng ý kiến xoay quanh việc thu hay không thu thuế nhà, các đại biểu còn thảo luận khá nhiều điểm trong bản dự thảo luật. Chẳng hạn như về diện tích tính thuế, giá tính thuế… Một số đại biểu còn quan tâm đến việc hành thu một khi luật thuế nhà đất có hiệu lực, bởi thực tế hiện nay công cụ quản lý hành chánh còn thô sơ và chưa đồng bộ.

Nhiều người cho rằng nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng thì Luật Thuế nhà đất có thể dẫn đến sự chồng chéo khi đi vào cuộc sống, dự kiến vào tháng 1/2012. Dự kiến sẽ có khoảng 11 triệu tổ chức và cá nhân chịu tác động của luật thuế này.

(Theo TBKTSG)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu