Bỏ ra hàng chục tỷ đồng để mua chung cư cao cấp rồi lại phải chịu dịch vụ kém đang trở thành nỗi băn khoăn của nhiều người.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tới đây, nếu liên tục xảy ra sự cố ở chung cư cao cấp thì chắc hẳn việc kinh doanh loại hình này sẽ không hề suôn sẻ.
Rò rỉ nước, hỏng thang máy là...chuyện thường
Tại cầu thang máy số 1 của tòa nhà A, tòa nhà Keangnam Vina nước lênh láng tràn cả vào bên trong. Phía dưới tầng hầm nhà A, nước cũng chảy xuống. Chị Lan, một cư dân sống ở tòa nhà này cho hay, ống dẫn nước của một hộ trên tầng 23 bị vỡ khiến cho nước rỉ xuống các tầng dưới, đặc biệt chảy cả vào thang máy. Sau khi nước chảy vào thang máy, thang máy đã được ngừng hoạt động để chờ sửa chữa.
Theo một số người dân sống tại đây, sự cố rỉ nước ở tòa nhà cao cấp Keangnam không phải mới xảy ra một lần. Lần đầu tiên diễn ra ngay khi vừa bàn giao căn hộ, hai thang máy ngoài cùng bị hỏng, không sử dụng được trong vòng hai tháng do sự cố rò rỉ nước.
Ngày 9/6/2011 xảy ra sự cố nước lênh láng ở trụ nước cứu hỏa tại tầng 27 khiến cho 10 thang máy phải tạm dừng sử dụng.
Không chỉ có ở tòa nhà Keangnam, hàng chục hộ dân sống tại chung cư The Manor - Khu đô thị mới Mỹ Đình cũng đã bị nếm mùi mất nước trong vài ngày. Ban quản lý tòa nhà đơn phương cắt toàn bộ nước sạch trong khi đó tất cả các hộ dân này vẫn đảm bảo việc nộp tiền nước đúng theo kỳ hạn.
Cối tháng 3 vừa qua (25/3), một căn hộ ở tầng 12, tại tòa nhà 34 tầng khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính bốc cháy khiến hàng trăm cư dân hoảng loạn, chạy xuống sân. Điều đáng lo ngại, chỉ người dân dưới đường và sân nhà mới biết xảy ra hỏa hoạn vì hệ thống báo cháy không phát tín hiệu. Khi bốc lửa, khói đen đặc bốc lên đã làm ám khói nhiều căn hộ tại các tầng trên.
Điều đáng lo ngại nhất là phương án cứu hộ bằng xe thang của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy không thể tiếp cận được hiện trường vì xe nặng 50 tấn trong khi chủ đầu tư Vinaconex xây dựng hệ thống tầng hầm của các tòa nhà xung quanh dưới mặt sân chung.
Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng cho rằng: "Tại Việt Nam, chúng ta mới chỉ quan tâm tới việc kinh doanh chung cư, làm thế nào để bán nhiều chung cư chứ chưa quan tâm tới việc quản lý sau khi đi vào hoạt động như thế nào. Vì vậy mới dẫn tới những xung đột giữa người dân và chủ đầu tư sau khi sử dụng chung cư một thời gian", ông Liêm khẳng định.
Trong khi đó, đối với những sự cố xảy ra tại các chung cư cao tầng như rò rỉ nước, hỏng thang máy..., ông Trần Chủng, nguyên cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng, Trưởng ban chất lượng Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng nguyên nhân xuất phát từ chất lượng công trình kém.
"Có thể từ lúc thiết kế chưa đạt tiêu chuẩn, hoặc là chất lượng thi công không tốt. Vật liệu không đúng chủng loại thiết kế, kỹ năng làm không đúng kỹ thuật như lỗi ống... Tất cả điều này khiến cho chất lượng công trình kém. Trong khi đó việc nghiệm thu sản phẩm làm qua loa, không đúng theo quy định", ông Chủng nhấn mạnh.
Chính quyền bỏ lơ
Theo ông Chủng, Bộ Xây dựng quy định việc nghiệm thu chung cư phải có bên thứ ba độc lập, không phải nhà thầu, không phải bên tư vấn giám sát. Bên thứ ba có trách nhiệm thẩm định, đánh giá chất lượng công trình xem đã đạt tiêu chuẩn chưa và cấp chứng nhận sự phù hợp về chất lượng.
"Có khi các đơn vị chủ đầu tư họ không thuê đơn vị giám sát mà bên tư vấn thiết kế kiêm luôn giám sát, kiểm tra. Hai bên này chính là người tạo ra sản phẩm thì chất lượng sản phẩm tốt xấu ai mà biết. Luật pháp cũng đã quy định, chính quyền địa phương phải kiểm tra, giám sát xem đơn vị đầu tư có thực hiện đúng quy định không. Đối với công trình chung cư lớn tại Thủ đô, chính quyền ở đây phải là Sở Xây dựng Hà Nội phải kiểm tra xem tòa nhà này đưa vào sử dụng đã có chứng nhận phù hợp với chất lượng hay không. Chính quyền phải vào cuộc, phải bảo vệ cộng đồng là bảo vệ sự phát triển bền vững của xã hội", ông Chủng cho hay.
Đối với vấn đề bảo hành tại các khu chung cư, ông Liêm cho rằng, Nhà nước quy định chủ đầu tư phải bảo hành trong vòng 1 năm tôi nghĩ rằng thời gian này nên kéo dài hơn vì trong năm đầu hầu như là ở các chung cư chưa xảy ra sự cố gì. Khi xảy ra sự cố thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm. Nếu tòa nhà bị xuống cấp, bị hư hỏng thì phải đòi hỏi chủ đầu tư sửa chữa và bảo hành cho người dân, để người dân tin vào mặt tích cực của chung cư.
Ông Chủng khuyến cáo, trong hợp đồng mua nhà cần phải có các điều khoản quy định cụ thể. Ngoài các thông tin về tòa nhà, về căn hộ, quá trình bảo trì... người mua nên yêu cầu người bán nhà cấp cho các giấy tờ hoặc thông tin liên quan như giấy chứng nhận nhận phù hợp về chất lượng, đơn vị tư vấn, đơn vị thi công, nhà thầu, đon vị giám sát... Những thông tin này sẽ giúp người dân giám sát và bảo vệ tài sản của mình. Sau này khi có sự cố xảy ra, người dân có thể tìm được ai gây ra sự cố đó và bắt buộc họ khắc phục, sửa chữa.
(Theo VEF)