Từ trước đến nay, với nhiều người Hà Nội, có một căn hộ chung cư làm nơi sinh sống cho gia đình là mơ ước cháy bỏng. Thế nhưng, khi đã có nhà rồi thì từ "thiên đường bé nhỏ" đó lại nảy sinh biết bao lo lắng, phiền toái.
Ở lâu quá, nhà xuống cấp không ai tu sửa; nhà thu nhập thấp vừa dọn đến, niềm vui ngắn chẳng tày gang, chủ nhà đã lo sốt vó với các khoản nợ ngân hàng; nhà tái định cư chất lượng quá thấp; chung cư cao cấp thì cung cách quản lý, hành xử của chủ đầu tư thiếu chuyên nghiệp... Có cả trăm ngàn nỗi khổ cùng mang tên "chung cư". Và tất nhiên, với một đô thị văn minh, điều đó là không thể chấp nhận.
Chật chội, ẩm thấp, tối tăm, hôi hám, dột nát, tróc lở... ấy là tình cảnh chung của hầu hết căn hộ tại những chung cư cũ khắp địa bàn thành phố Hà Nội. Những ai chưa từng hoặc chỉ thi thoảng mới đặt chân đến hẳn khó mà không khỏi bùi ngùi... Tuy vậy, cư dân ở đây vẫn điềm nhiên sống và bao thế hệ đã sinh ra, bám trụ rồi trưởng thành trong chính môi trường này. Đến giờ, khi “cơn lốc” đô thị hóa đã lan đến mọi ngõ ngách Thủ đô, nhiều người, nhất là những người sống trong các chung cư cũ, không còn kìm nén được tiếng thở dài.
Mỗi "chuồng cọp"... một hộ
Bà Nguyễn Thị Nội, tổ trưởng tổ 6, cụm 2 (phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội) sống ở khu tập thể Xây dựng dân dụng (ngõ Văn Chương) đã mấy chục năm nay. Khu nhà xây năm 1973, năm 1976 bà Nội được phân căn hộ 114 H1, ban đầu gồm 15m2 ở và 14m2 bếp. Nhà bà Nội giờ có hai hộ, bà với vợ chồng cô con gái, hai đứa cháu. Người sinh, diện tích nhà không nở ra được, bà Nội cơi nới, dôi ra được chút ít nhưng để ở được thì gian nhà nào cũng thấy rải chiếu, đồ đạc ngổn ngang.
Hộ ở tầng trên cũng cơi nới, đua ra một cái chuồng cọp trên phần đất lưu không giữa gian ở với gian bếp nhà bà Nội. Tranh cãi nhau chán, rồi hòa giải, người bức thiết phải đua ra cứ đua, ở dưới phải chịu. Cũng nhờ vậy mà giờ, "cơ ngơi" nhà bà Nội được... khép kín.
Sống ở đây ngót 40 năm, làm tổ trưởng dân phố hơn chục năm, bà Nội nắm chắc từng hộ, số gia đình, nhân khẩu, diện tích... Ở tòa nhà H1 này, căn hộ có diện tích rộng nhất là 32m2, nhỏ nhất 16m2 nhưng hầu hết đều "có mấy sổ hộ khẩu", căn nhiều phải "vài thế hệ sinh sống".
Không ai bảo ai, tất cả cùng cơi nới. Nhà ông Nguyễn Đức Sáng, phòng 209, chỉ rộng 21m2 nhưng có 3 cặp vợ chồng, hai cháu nhỏ; căn hộ 208 rộng 18m2 có 2 hộ, 8 khẩu; căn 310 rộng 18m2, 8 người sinh sống, căn 312 rộng 21m2 có hai cặp vợ chồng, hai cháu nhỏ...
Ông Nguyễn Ích Tuyến (phòng 506) năm nay 62 tuổi, đã 34 năm sống tại đây kể: "Tôi ở tầng thượng, khổ lắm. Giờ, nhà dột tứ tung, ẩm thấp, hôi hám mà mùa hè thì nóng không chịu nổi. Nhà có 16m2, 3 hộ - cũng là 3 thế hệ, 8 nhân khẩu sinh sống, không cơi nới không xong".
Đứng dưới sân nhà H1 chỉ lên tầng 2, chỗ có một cái chuồng cọp khá kiên cố, bà Nội bảo: "Một hộ gia đình ở đấy. Anh bảo có khổ không!".
Nhà H1 có nhiều căn hộ - chuồng cọp như thế này. Hằng ngày ở các hộ, mọi công trình phụ đều quá tải, phần bếp núc được tận dụng ở mọi nơi: hành lang, ban công, thậm chí giữa lối đi... Sống như thế này thì nhà ở thật đúng nghĩa chỗ chui ra chui vào. Một bác ngồi quán nước chân tầng 1 cười rất hóm: Đây là "vùng đất chết" của các thầy phong thủy. Cũng đúng, các thầy phong thủy cứ đến đó mà hành nghề? Chui ra chui vào còn chật vật nữa là...
Sống trong sợ hãi!
Khu nhà H1 nhìn từ bên ngoài nứt nẻ nom như được gộp từ mấy đơn nguyên. Tường, cầu thang, lan can... đều đã tróc lở nham nhở. Phía "mặt tiền" nhà nào cũng "chửa" lung tung bởi "chuồng cọp", "ba lô". Có nhà trưng dụng cả gầm cầu thang làm kho chứa đồ.
Ở dưới chuồng cọp, ngày ngày chui ra chui vào, lo nhất là mất an toàn, rồi cũng quen - vừa chỉ chỗ tòa nhà nứt toác làm đôi bà Nội vừa bảo. Là người từng làm trong ngành giao thông, am hiểu chút ít về xây dựng nhưng ông Tuyến cũng không lý giải nổi là tòa nhà được xây bằng tấm ghép hay khung - gạch mà lại rời theo phương thẳng đứng ra như vậy.
Ban đầu cũng nhiều người nhìn vết nứt thẳng đứng mà lo nhưng rồi lại điềm nhiên như cũ. Tuy vậy, tôi có một thông tin để bà Nội, ông Tuyến cũng như các hộ dân sinh sống tại đây yên tâm phần nào, là một chuyên gia ngành xây dựng có bảo với tôi rằng "những ngôi nhà như thế này ba, bốn chục năm nữa cũng chả làm sao cả".
Các khu nhà tập thể cũ như H1 Văn Chương ban đầu được xây cho cán bộ, công nhân viên chức ở. Sau này, đây là "điểm đến" phù hợp cho nhiều gia đình kinh tế còn chật vật. Anh Đỗ Hữu Giang, khu tập thể Giảng Võ, về Hà Nội lập nghiệp, dồn tất tần tật tiền nong, vay mượn tứ tán mới mua nổi căn hộ ở tầng thượng. Gốc trong giấy tờ chỉ khoảng 20m2, hai vợ chồng sinh con, một đứa rồi hai đứa, thêm người trông cháu mà diện tích nhà chỉ có vậy, anh đành phải đua phần hậu - thêm được một gian làm chỗ ngủ cho hai vợ chồng, kê thêm cái bàn làm việc; chỗ để đồ đạc thì đua phần ban công.
Cả tòa nhà này, các hộ đều đua, tận dụng triệt để khả năng "cõng" của cái chung cư cũ kỹ. Tuy vậy, đôi lúc anh Giang cũng thấp thỏm: Tường, cầu thang, lan can... tất cả đã bong tróc, nứt toác, chả biết thế nào. Ngày nắng nóng còn đỡ vì đã có quạt, điều hòa chứ ngày mưa, tôi phải huy động xô chậu đặt khắp nhà...
Chật chội, ẩm thấp, tối tăm, hôi hám, dột nát, tróc lở... ấy là tình cảnh chung của các căn hộ ở những chung cư cũ. Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 1.000 nhà chung cư cũ, hầu hết đều đã xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có những tòa nhà đang trong tình trạng hết sức nguy hiểm ở Văn Chương, Thanh Xuân Bắc, Giảng Võ, Trung Tự, Nam Đồng... Người dân sống trong thấp thỏm, lo âu, nhất là thời gian vừa rồi, một hai lần Hà Nội "rung nhẹ".
Những ai chưa từng hoặc chỉ thi thoảng đặt chân đến hẳn khó mà không gợn những lợn cợn, bùi ngùi. Tuy vậy, các cư dân ở đây vẫn điềm nhiên sống và bao thế hệ đã sinh ra, bám trụ rồi trưởng thành trong chính môi trường này. Đến giờ, khi cơn lốc đô thị hóa đã lan đến mọi ngõ ngách Thủ đô, nhiều người, nhất là những người sống trong các chung cư cũ, không còn kìm nén được tiếng thở dài.
Bà Nguyễn Thị Nội bày tỏ: Nguyện vọng chung của bà con là muốn được sửa chữa, nâng cấp tòa nhà này lắm. Sống thế này khổ, chật vật mà bất an lắm. Đâu phải chỉ nhà nào cũng đua ra ban công, chuồng cọp mà còn "cấy" rất nhiều bồn nước trên nóc. Nhà đã cũ, xuống cấp, còn khả năng chịu đựng không?
Đã hai lần cơ quan chức năng (Sở Xây dựng - theo bà Nội) xuống điều tra, đánh giá tình hình. Lần một, họ đánh giá hiện trạng, lần hai xuống điều tra nhân khẩu. Lâu lâu rồi, chưa thấy quay lại. Bà Nội thất vọng lắm!
(Theo HNM)