SearchNews

Công trình chống ngập kém do lấy số liệu lạc hậu

12/07/2012 09:26

Nhiều công trình chống ngập không phát huy hiệu quả bởi số liệu về cao độ chuẩn không còn chính xác.

TPHCM nghiên cứu chống ngập từ kinh nghiệm Bangkok

Nhiều công trình chống ngập không phát huy hiệu quả bởi số liệu về cao độ chuẩn không còn chính xác.

Những ngày qua, đỉnh triều tại TP.HCM dù không cao lắm nhưng nước vẫn mấp mé đỉnh nhiều công trình kè chống sạt lở, triều cường (trong đó có một số công trình mới thi công xong thuộc dự án Cải thiện môi trường nước TP). Điều này khiến nhiều người lo ngại tình trạng ngập úng tại TP sẽ còn kéo dài.

Mốc cao độ lún gần 0,5 m

Khu Quản lý Đường thủy nội địa, Sở GTVT TP HCM đang chuẩn bị hoàn thành dự án kè chống sạt lở, triều cường ở khu vực Thanh Đa, quận Bình Thạnh (đoạn 1.2). Trước đó, đơn vị này đã hoàn thành đoạn 1.1 ở hạ lưu cầu Kinh với mốc cao độ thiết kế là +2 m so với mực nước biển. Nhưng từ khi hoàn thành đến nay, đã nhiều lần nước triều lên ngang đỉnh kè, thậm chí tràn bờ.

ngập lụt TP HCM

“Tại thời điểm triều cường là +1,56 m thì mực nước đã ngang bằng đỉnh kè đoạn 1.1. Có sự bất thường ở đây, bởi khi chúng tôi kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ thiết kế, thi công thì kết quả cao độ đỉnh kè vẫn phù hợp mốc chuẩn” - ông Trần Văn Giàu, Phó Giám đốc Khu Đường thủy nội địa, nói.

Tiếp tục kiểm tra chéo từ các dự án khác, Khu Quản lý Đường thủy nội địa nhận thấy cao độ đỉnh kè ở đoạn 1.1 bị “giật” xuống khoảng 30 cm. Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi có được, thực tế đỉnh kè ở đây có thể chỉ cao khoảng +1,6 m. Đại diện một đơn vị chuyên tư vấn cho các dự án chống ngập ở TP.HCM cho hay hiện mốc cao độ hạng III ở khu vực đài liệt sĩ, quận Bình Thạnh đã bị lún rất nghiêm trọng, đến gần 0,5 m.

Muốn chống ngập, phải “trừ hao”

Để chống ngập, thời gian qua TP thường xuyên nâng cấp các tuyến bờ bao, xây mới đê bao ở vùng xung yếu, xây cống ngăn triều, cải tạo hệ thống cống thoát nước… Một trong những dự án quan trọng là ngăn và kiểm soát triều cường theo quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho TP (gọi tắt là Quy hoạch 1547).

ngập lụt TP HCM

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, cho biết: Khi trung tâm triển khai dự án tuyến đê, kè dài 172 km từ Bến Súc (huyện Củ Chi) đến tỉnh lộ 824 (Long An) theo Quy hoạch 1547, tư vấn xác định số liệu thực tế đo và số liệu do cơ quan quản lý cung cấp vênh nhau rất lớn. Qua kiểm tra, Bộ TN&MT xác định có đến gần 50% mốc cao độ hạng I ở khu vực TP.HCM bị lún hoặc hư hỏng, không còn sử dụng được.

Theo ông Giàu, nhiều dự án làm kè chống sạt lở đã mua số liệu về cao độ chuẩn quốc gia từ các cơ quan chức năng. Tuy được thiết kế cao độ +2 m nhưng một số công trình vẫn bị nước tràn mặt kè khi có triều cường. “Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị cơ quan cung cấp số liệu về cao độ chuẩn quốc gia kiểm tra lại tính chính xác của thông tin nhưng chưa được trả lời. Để trừ hao, trong nhiều dự án chúng tôi phải nâng đỉnh kè cao thêm 40 cm nữa” - ông Giàu cho hay.

HĐND TP sẽ kiểm tra kết quả giảm ngập thực tế

Ngày 11/7, đề cập về “Báo cáo giảm ngập 75%” của Công ty Thoát nước Đô thị TP.HCM, ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP, cho biết: Trong sáu tháng cuối năm, HĐND TP sẽ tổ chức giám sát về hiệu quả của các dự án chống ngập trên địa bàn. “Chúng tôi sẽ kiểm tra thực tế để xác minh các khu vực đã được xóa ngập theo báo cáo có còn ngập hay không” - ông Đông nói.

Theo báo cáo của UBND TP, trong năm 2011 TP đã xóa 39/70 điểm ngập. Dự kiến trong năm 2012 sẽ tiếp tục xóa thêm 10 điểm nữa. Còn theo báo cáo của Công ty Thoát nước Đô thị TP, tính đến hết tháng 6 trên địa bàn TP chỉ còn 11 điểm ngập thường xuyên.

(Theo PLTPHCM)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu