SearchNews

Công viên Thống Nhất cho tất cả mọi người!

23/07/2011 14:57

Cuộc thi thiết kế Công viên Thống Nhất cho tất cả mọi người đã khép lại.

Sau gần một tháng phát động, Cuộc thi thiết kế Công viên Thống Nhất cho tất cả mọi người đã khép lại với 5 đề án lọt vào chung kết trong tổng số 22 đề án dự thi. Trong 5 đề án này, BTC đã chọn ra được 3 đề án để trao giải tại buổi lễ diễn ra vào hôm qua (22/7), tại Hà Nội.

Trong vòng 4 tháng kể từ sau ngày trao giải (từ tháng 8 - 12/2011), BTC sẽ hoàn thiện các đề xuất và gửi tới UBND thành phố Hà Nội, triển lãm và lấy ý kiến từ cộng đồng về phương án được lựa chọn để thiết kế Công viên Thống Nhất cho tất cả mọi người như chủ đề cuộc thi đã đề ra.

Từ “lá phổi xanh” của cộng đồng…

Cần phải nhắc lại là, công viên Thống Nhất là lá phổi của cộng đồng được xây dựng bởi hàng ngàn ngày lao động công ích của sinh viên, học sinh, cán bộ, công nhân viên chức Hà Nội từ những năm 60 của thế kỷ trước. Công viên Thống Nhất còn là một thành tựu của thủ đô Hà Nội về cải tạo môi trường khi hồi sinh một khu hồ ô nhiễm thành một công viên cây xanh, một lá phổi khỏe mạnh của thành phố hơn nửa thế kỷ qua.

Tuy nhiên, hệ thống hồ và những không gian xanh của thành phố nói chung và công viên Thống Nhất nói riêng đang dần bị tác động bởi sự đô thị hóa nhanh chóng cùng với giá trị kinh tế cao của những khu đất xung quanh.

GS.TS C.Michael Douglass, ĐH Hawaii (Mỹ), thành viên BGK cuộc thi cho rằng, công viên Thống Nhất “là một trong số ít các công viên trên thế giới được xây dựng bởi chính người dân. Vì vậy mà giá trị văn hóa của công viên giống như một biểu tượng cho sự gắn kết chung giữa người dân Hà Nội - một thành phố công cộng rộng lớn. Mỗi năm tôi đều trở lại Việt Nam 3-4 lần. Và lần nào tôi đến cũng thấy ở Hà Nội có một vài cái mới xuất hiện, cùng với đó là một số cái mất đi. Người dân Hà Nội vốn sống trong những căn hộ không được rộng rãi, cho nên họ cần phải có những không gian giao tiếp ở bên ngoài căn hộ của họ. Và trách nhiệm của chúng ta là phải thiết kế cho họ những không gian đó!”

Nhóm tác giả đoạt giải Nhất thiết kế công viên Thống Nhất cho tất cả mọi người

Đến thực trạng hiu hắt

Nhóm tác giả Bùi Duy Đức, Guillaume Ouallet, Lê Hoàng Việt (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội), cho biết: “Qua khảo sát hiện trạng của công viên, chúng tôi thấy rằng chỉ có 60% đường dạo (trong công viên Thống Nhất) thường được sử dụng, khoảng 40% còn lại hầu như không có người lui tới. Trong số này có những đường ở xa, phía ranh giới của công viên, nhưng cũng có những hạng mục ở ngay chính khu trung tâm. Một số khác, tuy không đảm bảo về diện tích, nhưng đã được sử dụng làm nơi đánh cầu lông....”

Công viên còn có quá nhiều đường dạo nhỏ nên khó định hướng đi lại cho mọi người. Hồ nước rất đẹp nhưng lại bốc mùi khó chịu mỗi khi trời nắng. Bên cạnh đó, công viên có quá nhiều quán nước, một số hạng mục công trình còn nhếch nhác, nhiều rác thải, trong khi thiếu tiện ích như chòi nghỉ, nhà vệ sinh. Đại diện nhóm tác giả đoạt giải Nhất cuộc thi, bạn Lương Thu Thảo cũng đưa ra ý kiến: “Trong quá trình đi khảo sát ở công viên, chúng tôi thấy một số điểm vẫn chưa hợp lý và cần phải cải tạo. Chẳng hạn như hệ thống đường tàu ở trong công viên vì rất ít khách đi nên nhiều đoạn còn bỏ trống. Bên cạnh đó, qua 500 câu hỏi phát cho người dân đến công viên, nhiều người nói công viên cần phải cải thiện thêm những khu vui chơi cho thiếu nhi nhưng không nên quá nhiều kẻo làm ảnh hưởng đến bộ mặt của công viên”.

Của cộng đồng, vì cộng đồng và do cộng đồng

Có rất nhiều ý tưởng đã được gửi đến BTC cuộc thi Công viên Thống Nhất cho tất cả mọi người. Chẳng hạn có nhóm đưa ra giải pháp rằng công viên Thống Nhất nên phá bỏ tường rào bao quanh, tạo cảm giác rộng mở, gần gũi hơn nữa với cộng đồng. Ngoài ra, nên phá bỏ hàng rào ngăn cách giữa công viên với Rạp Xiếc Trung ương và “kéo” rạp xiếc trở thành một bộ phận của công viên, cải tạo thêm bờ kè.

Nhóm tác giả đến từ ĐH Kiến Trúc Hà Nội đưa ra đề xuất nên xây dựng cầu vượt cổng công viên Thống Nhất ở phía đường Lê Duẩn. Theo đó, cầu vượt dành cho người đi bộ sẽ được nối từ khu vực trước cổng công viên sang hai hồ lân cận là hồ Ba Mẫu và hồ Thiền Quang, trên đó được trồng hoa và cây leo để tạo nên tính liên tục về cảnh quan, mở ra hướng phát triển trong tương lai về một tổ hợp không gian công cộng, phát huy giá trị môi trường tự nhiên trên quy mô tổng thể của khu vực. Ngoài ra, cần phải nghĩ đến cách tiếp cận công viên cho những người khuyết tật một cách hiệu quả.

TS Phạm Thúy Loan, đại diện cơ quan Quản lý công viên Thống Nhất, thành viên BGK cho biết, tất cả các ý tưởng sẽ được BTC hoàn thiện và gửi tới UBND thành phố Hà Nội, triển lãm và lấy ý kiến từ cộng đồng. Điều chúng ta thấy trước được là các đề án dự giải đều được xây dựng rất sát với ý kiến của người dân, đồng thời cũng rất trẻ trung, thổi những luồng gió mới vào công viên Thống Nhất nhưng không làm thay đổi bản sắc của nó”.

 (Theo TTVH)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu