Sau cái chết thương tâm của một người dân tại thang máy tòa nhà CT3 - Yên Hòa (Cầu Giấy - Hà Nội), để có câu trả lời thoả đáng cho chất lượng dịch vụ toà nhà đã xuống cấp, sáng nay (28/9), hàng trăm người dân sống ở đây đã đến gặp Ban quản lý (BQL) toà nhà.
Có nhà mà không được về vì thang máy hỏng
Theo các hộ dân sinh sống tại đây thì kể từ khi đi vào hoạt động từ tháng 6/2006 đến nay, hệ thống thang máy của toà nhà đã liên tục gặp sự cố như nhiều lần bị rơi bất thường một vài tầng, gây kéo giật người ở trong thang máy. Cửa thang máy không tự động dừng đóng khi có người đi qua cửa, đã nhiều lần va đập vào người dân, gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ hoặc cửa thường xuyên bị kẹt.
Đặc biệt khi bị mất điện thang máy dừng lại tại bất kỳ vị trí nào nhưng chưa bao giờ được nhân viên quản lý toà nhà vận hành sự cố về tầng gần nhất mà chỉ dùng thanh nẹp cạy mở khoá, mở cửa và yêu cầu người bị kẹt thang máy chui ra khi thang lơ lửng giữa các tầng.
Anh T.T.M (nhà ở trên tầng 7) cho biết, gần đây nhất là ngày 27/9, thang máy bị hỏng suốt từ sáng đến 10h tối thì mới được sửa chữa. Vợ anh đang có thai ở tuần thứ 39 nên cả gia đình vô cùng lo lắng nếu bị kẹt thang không ra được.
Người dân, kể cả người già và trẻ nhỏ, thường xuyên phải đi bộ vì hệ thống thang máy gặp sự cố là chuyện thường ngày tại khu nhà này. Bác Ngô Đình Đức (62 tuổi), nhà ở tận tầng 12 cho biết, dù tuổi già, sức yếu, chân bị đau khớp vẫn phải cố “bò” lên nhà mình bởi thang hỏng hoặc nếu thang có vận hành được thì cũng không dám đi vì sợ gặp sự cố.
Nhiều người không đủ sức để leo cầu thang bộ đành phải ra bên ngoài thuê phòng nghỉ tạm chờ sửa thang. Bác Lê Quang Ánh cho biết, ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra khiến ông Nguyễn Văn Hoà thiệt mạng vào ngày 21/9 vừa qua thì cả 2 thang máy của toà nhà đồng loạt hỏng trong suốt 2 ngày liền khiến cuộc sống của người dân lao đao, xáo trộn.
Nhiều dịch vụ đồng loạt xuống cấp
Không chỉ có hệ thống thang máy thường xuyên gặp sự cố, các hộ dân còn phản ảnh về hệ thống cấp thoát nước yếu kém của toà nhà CT3. 6 tháng gần đây khi trời mưa to khoảng 1 tiếng hoặc chỉ cần mưa nhỏ 2-3 tiếng thì nước mưa và nước thải trong khu chung cư không có lối thoát nên ứ đọng ngay lại trên các mặt đường nội bộ từ 30-50cm. Còn nếu mưa to trong nhiều giờ đồng hồ thì nước trên mặt đường tràn mạnh xuống dưới, tầng hầm bị ngập, gây thiệt hại tài sản và nguy hiểm đến tính mạng người dân.
Phía trước tòa nhà CT3 là sân chơi, tuy nhiên từ lâu đã bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh trông giữ xe ô tô gây cản trở nghiêm trọng cho các hộ trong việc sinh sống và gây mất an toàn phòng chống cháy nổ trong khu dân cư.
Đaị diện cho các hộ dân ở tòa nhà CT3 cho biết thêm, hệ thống điện chiếu sáng đường nội bộ xung quanh tòa nhà đã có, song không được bật sáng vào buổi tối, gây mất an toàn giao thông cho người dân trong khu vực.
Người dân mong được đối thoại thẳng thắn
Sau nhiều lần gửi đơn thư phản ánh lên Ban quản lý tòa nhà là Cty TNHH 1 thành viên Quản lý Bất động sản Constrexim mà không nhận được những câu trả lời thoả đáng, từ 9h sáng nay, hàng trăm người dân đã có mặt tại trụ sở BQL toà nhà, mong được đối thoại thẳng thắn và đưa ra những kiến nghị của mình.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó giám đốc Công ty cho biết QBL đã yêu cầu mọi người chờ trong 5 phút để làm thủ tục đăng ký gặp gỡ. Thế nhưng, nhiều lần 5 phút đã trôi qua, người dân phải đợi đến tận 10 giờ sáng mà vẫn chưa được gặp. Khi không thể chờ đợi thêm nữa, các hộ cùng lên tầng 4, khu vực làm việc của BQL toà nhà thì tất cả các phòng đã khóa cửa, không có đại diện nào tiếp người dân.
Đặc biệt, lực lượng bảo vệ toà nhà sau đó đã có hành vi ngăn cản người dân và báo chí tiếp xúc với BQL toà nhà. Đến gần 11h trưa, sau khi có sự xuất hiện của một đồng chí công an khu vực thì QBL toà nhà mới đồng ý tiếp, nhưng giới hạn chỉ 6 người dân là đại diện cho tất cả các hộ.
(Theo hanoimoi)