Huyện Củ Chi hiện có khoảng 23.000 ha đất được đánh giá là loại đất thuận lợi cho xây dựng, chiếm khoảng 51% diện tích đất đai thuận lợi cho xây dựng của toàn thành phố. Khoảng xanh và những khu vui chơi sẽ được ưu tiên phát triển.
Sở Quy hoạch Kiến trúc vừa trình UBND TP HCM các nội dung điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện Củ Chi. Theo Sở, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung huyện Củ Chi đến năm 2020 đã được UBND TP HCM phê duyệt là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng tạo tiền đề cho đầu tư xây dựng và quản lý xây dựng trên địa bàn huyện 8 năm qua.
Tuy nhiên, thời gian qua huyện Củ Chi đang từng bước tiếp nhận những dự án lớn của thành phố như khu đô thị Tây Bắc thành phố, Thảo Cầm viên, Phim trường, Viện trường, công viên văn hóa - vui chơi giải trí, khu giáo dục, các khu cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, khu xử lý chất thải rắn và hệ thống giao thông có sự thay đổi về hướng tuyến của các đường vành đai 3-4, đường cao tốc, đường xe điện giữa Tây Ninh và trung tâm thành phố... Những yêu cầu mới này đã làm thay đổi định hướng phát triển không gian cũng như sử dụng đất trên địa bàn huyện.
Tổng diện tích đất nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch khoảng 43.496,6 ha (theo quy hoạch duyệt 1998 là 42.848,3 ha) tăng 648,3 ha. Dân số hiện trạng huyện Củ Chi năm 2005 là hơn 296.000 người, dân số dự kiến năm 2010 là 350.000 người, năm 2015 là 450.000 người, năm 2020 là 800.000 người...
Nhiều vườn cây đặc trưng
Tính chất chức năng của huyện Củ Chi sẽ được phân thành nhiều khu vực như khu đô thị hóa và khu dân cư nông thôn (đây là khu thực hiện giãn dân của khu vực nội thành cũ và phân bố lại dân cư trên địa bàn thành phố); khu, cụm công nghiệp tiểu thủ công nghiệp tập trung quy mô lớn của thành phố; trung tâm công cộng cấp thành phố khu vực phía Tây Bắc (dịch vụ, thương mại, y tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, thể dục thể thao, công viên văn hóa, vui chơi giải trí, nghỉ ngơi kết hợp du lịch...); cửa ngõ quốc tế đầu mối giao thông và hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Phân khu chức năng khu đô thị Củ Chi theo hướng xác định rõ các khu vực ưu tiên phát triển, khu vực phát triển có kiểm soát và các khu vực dự trữ phát triển trong tương lai; phát triển các vùng cảnh quan đặc trưng từ đặc trưng của thảm thực vật và phương thức sản xuất nông nghiệp, quy hoạch một số vùng có cây đặc trưng (ví dụ như rừng tầm vông, rừng trúc, rừng các loại cây ăn quả địa phương, rừng nhiệt đới có nuôi thú chim để tham quan và rừng cây cao su) phục vụ cho nghỉ ngơi tham quan giải trí từ một số khu vực đất có năng suất nông nghiệp thấp, chậm phát triển.
Khu vui chơi tầm vóc quốc tế
Hành lang dọc sông Sài Gòn cũng được phát triển thành các khu du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử và các cụm dân cư mật độ thấp theo hướng nghỉ dưỡng. Phía đông và nam huyện lỵ (dọc kênh Xáng và sông Sài Gòn) sẽ phát triển các khu công viên vui chơi giải trí nghỉ ngơi mang tầm quốc tế. Và dọc sông Sài Gòn tổ chức mảng xanh liên hoàn tạo cảnh quan, phát triển du lịch sinh thái…
Các khu ở bố trí các khu cây xanh kết hợp thể dục thể thao, hệ thống cây xanh cách ly giữa khu dân cư với khu công nghiệp, hành lang hệ thống hạ tầng kỹ thuật, khu cây xanh: bố trí tập trung thành từng mảng xanh lớn kết hợp mặt nước, trồng rừng bảo vệ môi trường, không gian xanh cho đô thị và khu vực.
Hiện tại có một số khu cây xanh được thỏa thuận: Thảo Cầm viên Sài Gòn 485 ha, Công viên văn hóa đền Gia Định 100ha, Công viên giải trí quốc tế (Song Kim): 129 ha, xã Tân Phú Trung, Công viên sinh thái: 100 ha xã Tân Thạnh Đông, Công viên cây kiểng cá cảnh xã Phú Hòa Đông 495 ha, Trung tâm nghỉ dưỡng liên hợp xã Thái Mỹ 100 ha.
Về hệ thống giao thông: có nhiều thay đổi so với quy hoạch được duyệt năm 1998. Xây dựng các tuyến đường vành đai thành phố qua huyện Củ Chi: đường vành đai 3, vành đai 4, đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài, bố trí gắn kết đường sắt và hệ thống ga đường sắt quốc gia.
Xây dựng mới theo quy hoạch chung khu đô thị Tây Bắc, quy hoạch khu công nghiệp và các quy hoạch chi tiết, dự án mới được duyệt. Khai thác mạng lưới đường thủy trên kênh Thầy Cai – xây dựng bến thuyền cho dân dụng và vận tải hàng hóa có thể cho tàu 500 - 1.000 tấn ra vào.
(Theo SGGP)