SearchNews

Đà Lạt từ cuộc thi các ý tưởng quy hoạch

16/12/2010 10:54

Cuộc thi ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị “khu trung tâm Hoà Bình và chợ Đà Lạt” do sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng tổ chức không có giải nhất, nhưng các đồ án dự thi đã phác hoạ được những viễn cảnh đáng hy vọng cho thành phố này.

Cuộc thi ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị “khu trung tâm Hoà Bình và chợ Đà Lạt” do sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng tổ chức không có giải nhất, nhưng các đồ án dự thi đã phác hoạ được những viễn cảnh đáng hy vọng cho thành phố này.

Phối cảnh Đà lạt của đề án đạt giải nhì

Cuộc thi ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị “khu trung tâm Hoà Bình và chợ Đà Lạt” do sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng tổ chức không có giải nhất, nhưng các đồ án dự thi đã phác hoạ được những viễn cảnh đáng hy vọng cho thành phố này.

Trong bốn đồ án vào chung khảo, chỉ chọn được một giải nhì và một giải khuyến khích. Giải nhì 50 triệu đồng thuộc về liên doanh hai công ty TNHH kiến trúc Lâm Đồng và công ty kiến trúc ATA ở TP.HCM; giải khuyến khích

20 triệu đồng trao cho công ty cổ phần tư vấn thiết kế xây dựng CIDECO–CC1 thuộc bộ Xây dựng (tại TP.HCM). Ngoài giải thưởng, cả bốn đồ án chung khảo đều được ban tổ chức hỗ trợ 30 triệu đồng cho công tác nghiên cứu khảo sát.

Giải nhất 100 triệu đồng không có chủ nhân vì không đồ án nào đề xuất được cách giải quyết bài toán giao thông như yêu cầu của đề thi. Mọi phương án quy hoạch hiện đại, táo bạo, cho dù bảo đảm được hài hoà với cảnh quan địa hình tự nhiên của khu vực trung tâm Đà Lạt, nếu không giải quyết thoả đáng vấn đề giao thông, đều không khả thi. Vấn đề duy trì lưu thông an toàn, liên tục và bãi đậu xe các loại cho người dân và du khách là ưu tiên hàng đầu trong dự kiến tương lai biến khu Hoà Bình và chợ Đà Lạt thành trung tâm thương mại – dịch vụ hiện đại, cao cấp và là khu phố đi bộ 24/24 giờ, nhưng không cấm đường, chặn xe.

“Rừng trong thành phố”

Ý tưởng đường giao thông ngầm của đồ án giải nhì, tuy không phải là không thực hiện được, nhưng chi phí đầu tư quá lớn. Tuy nhiên, đồ án này lại đề xuất được nhiều ý tưởng hay. Với không gian công cộng và cộng đồng chiếm hơn 50% diện tích, khu trung tâm sẽ dành “bầu trời, mặt đất và cây xanh cho người đi bộ” thay cho một không gian thiếu màu xanh như hiện nay. Những cụm công viên trồng toàn thông và biến mái nhà cao thấp theo địa hình của những công trình thành những “mái nhà xanh” trồng cây và hoa sẽ tăng thêm nét đẹp cho khu vực này. Những công trình tương lai cũng sẽ biến mặt tiền thành những “vườn treo”.

Muốn trả lại “bầu trời, mặt đất và cây xanh cho người đi bộ”, đồ án này đề xuất đưa các không gian thương mại và bãi đậu xe phải nằm ngầm dưới mặt đất, nhưng tận dụng lợi thế địa hình để có một mặt thoáng. Hai công trình có giá trị lịch sử và mỹ thuật nhất định là dinh tỉnh trưởng cũ và khu A chợ Đà Lạt vẫn được giữ nguyên, nhưng phải phá bỏ rạp hát 30.4 và một số công trình hiện có, vốn kém thẩm mỹ và chắn mất tầm nhìn đẹp từ cao điểm khu trung tâm hướng về phía hồ Xuân Hương.

Đồ án được giải khuyến khích lại đề xuất một ý tưởng mới lạ. Đồ án này đề xuất mở rộng khu vực quảng trường chợ Đà Lạt hiện nay thành quảng trường lễ hội, với không gian mở tự do, khu vực đi bộ, khu vui chơi trẻ em… Khu vực trung tâm thương mại cũng sẽ nằm tại đây. Các nhóm tác giả của hai đồ án đoạt giải lại gặp nhau ở cùng một quan điểm: đưa trung tâm thương mại và bãi đậu xe xuống không gian ngầm để hạn chế độ cao công trình.

Những vấn đề phát triển

Không chỉ có những ý tưởng hay, chính những vấn đề chưa có phương án thoả đáng cũng giúp cho ban tổ chức cuộc thi lẫn chính quyền Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng nhận rõ những gì cần phải làm. Bài toán giao thông trên địa hình đồi dốc cần phải nghiên cứu kỹ hơn để không phí phạm quỹ đất và chi phí cho hạ tầng. Không gian dịch vụ công cộng cũng phải cân nhắc sao cho không mâu thuẫn với hiệu quả và lợi ích của nhà đầu tư. Vấn đề tái định cư khi mở rộng và phát triển khu vực trung tâm Đà Lạt cũng là bài toán khó, chưa có lời giải qua các đồ án dự thi.

Diện tích 29 hecta trong dự kiến quy hoạch không phải là lớn, nhưng với đặc thù địa hình và lịch sử của Đà Lạt, cùng bao tình cảm của mọi người dành cho thành phố này, tìm ra một quy hoạch phát triển bền vững là việc đòi hỏi tài năng, công sức và thời gian của các nhà chuyên môn tâm huyết, lẫn sự đồng thuận của công luận. Là chủ tịch hội đồng tuyển chọn, ông Nguyễn Tấn Vạn, chủ tịch hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhấn mạnh: “Muốn phát triển trung tâm Đà Lạt thành một trung tâm thương mại, phải nâng cấp chất lượng của dịch vụ và hàng hoá của khu vực này”. Diện mạo sang trọng của một thành phố mà mọi người đều dành cho những tình cảm ưu ái không thể cứ mãi là chợ đồ xôn và những tối cuối tuần cấm đường, chặn xe.

(Theo SGTT)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu