SearchNews

Đánh thuế nhà đất cần tránh đầu cơ

12/08/2009 08:50

Dự thảo Luật Thuế nhà đất phiên bản mới nhất tiếp tục được lấy ý kiến đóng góp tại cuộc hội thảo, do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Dự thảo Luật Thuế nhà đất phiên bản mới nhất tiếp tục được lấy ý kiến đóng góp tại cuộc hội thảo, do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Theo bà Nguyễn Thị Cam, đến từ Công ty luật Đất Luật, một trong những mục tiêu khi xây dựng Luật Thuế nhà đất là chống đầu cơ, tuy nhiên, mức thuế suất lũy tiến từng phần trong luật chưa cao nên sẽ chỉ dừng lại ở việc điều tiết phần nào mức sống giữa các đối tượng giàu nghèo trong xã hội, chứ chưa đủ sức để chống đầu cơ.

“Trên thực tế chưa có cơ sở dữ liệu quản lý nhà đất ở phạm vi toàn quốc nên việc áp dụng mức thuế lũy tiến từng phần cho những người có nhiều nhà đất ở các địa phương khác nhau sẽ rất khó thực hiện, nhất là khi đối tượng chịu thuế không thành thật trong kê khai thuế”, bà Cam nói, và cho rằng dự thảo nên bổ sung mức thuế suất khác, thật cao, đánh vào nhà đất bỏ hoang vì loại nhà, đất này dễ nhận diện hơn nhiều.

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hoàng, giảng viên trường Đại học Hoa Sen, cho rằng mục tiêu hàng đầu của dự luật này phải nhằm chống đầu cơ nhà đất, “vì chính giới đầu cơ đã bóp méo thị trường bất động sản, khiến giá nhà đất ở TPHCM và Hà Nội quá đắt đỏ so với thu nhập trung bình của người dân".

Tuy nhiên, ông Hoàng kiến nghị đánh thật cao vào thuế đất chứ không phải thuế nhà. Ông nói: “Đất là hữu hạn, nhà ở có thể tạo ra. Nếu đánh mạnh thuế nhà sẽ không kích thích phát triển đô thị”.

(Ảnh: minh họa)

Trong khi đó, ông Trần Du Lịch, ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ủng hộ thu thuế nhà đất dưới góc độ đánh thuế tài sản. “Trong quá trình cải tiến thuế, giảm dần tỉ trọng thuế gián thu và tăng thuế trực thu, thuế nhà đất phải là một bước đột phá. Cần đặt mục tiêu về phần trăm đóng góp của thuế nhà đất trong thu ngân sách cho từng giai đoạn”, ông Lịch nói.

Bên cạnh đó, ông Lịch cũng cho rằng cách tính thuế phải loại trừ được 40% cư dân đô thị ở tầng lớp nghèo, chỉ thu ở tầng lớp trung lưu và thượng lưu theo mức lũy tiến thật cao.

Về việc sử dụng thuế nhà đất như một công cụ động viên đóng góp cho ngân sách đối với mọi người có sở hữu nhà và sử dụng đất theo kiến nghị của Bộ Tài chính, ông Phạm Xuân Hoàng lưu ý: “Thuế chỉ phát huy tác dụng khi nó được sử dụng một cách hiệu quả”. Vì vậy, ông kiến nghị thuế thu từ nhà đất nên giao về cho chính quyền địa phương để sau đó đầu tư cho phát triển hạ tầng cơ sở tại địa phương (như đường sá, trường học, bệnh viện, khu vui chơi, nhà cộng đồng…) thay vì nộp vào ngân sách quốc gia.

Theo dự thảo, Luật Thuế nhà đất sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Tuy nhiên, ông Phan Thông Anh, giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam, đề nghị nên lùi ngày thực hiện.

Ông Thông Anh cho rằng để triển khai tốt luật thuế, các cơ quan hữu trách còn rất nhiều việc phải làm như: cải tiến quy trình, thủ tục chuyển nhượng, đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; hướng dẫn ban hành giá đất, hạn mức sử dụng đất, đơn giá xây dựng các loại nhà ở; xây dựng, nâng cấp cơ sở dữ liệu quản lý nhà đất..., và lộ trình cho một khối lượng lớn công việc chỉ từ nay đến đầu năm 2011 là quá gấp gáp. Ông đề xuất hiệu lực thi hành của luật nên dời đến năm 2012.

Theo dự thảo:

- Căn cứ tính thuế là giá tính thuế và thuế suất.

- Giá tính thuế đối với nhà ở được xác định theo diện tích nhà ở chịu thuế (diện tích sàn xây dựng) và giá tính thuế của 1m2 nhà ở. Giá tính thuế của 1m2 nhà ở được xác định theo tỉ lệ phần trăm trên đơn giá 1m2 xây dựng nhà cùng loại do cơ quan nhà nước quy định. Chính phủ quy định cụ thể tỉ lệ phần trăm đối với từng loại nhà ở.

- Giá tính thuế đối với đất được xác định theo diện tích đất sử dụng và giá của 1m2 đất. Giá của 1m2 đất là giá đất theo mục đích sử dụng đất do cơ quan nhà nước quy định.

- Đối với đất xây dựng nhà nhiều tầng, nhiều hộ ở, nhà chung cư, giá tính thuế được xác định bằng việc áp dụng hệ số phân bổ cho các tầng theo quy định của Chính phủ.

- Giá tính thuế nhà đất được ổn định trong vòng 5 năm kể từ năm tính thuế đầu tiên theo quy định của luật.

Trong đó: Hạn mức diện tích đất làm căn cứ tính thuế là hạn mức giao đất ở (đối với trường hợp được giao đất mới) hoặc hạn mức công nhận đất ở (đối với trường hợp đang sử dụng đất) theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

(Theo TBKTSG)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu