Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ vừa khẳng định, khi hết thời hạn giao đất theo Luật Đất đai 2003, người dân vẫn tiếp tục được sử dụng.
Trả lời tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 6/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, theo đúng quy định của Luật Đất đai 2003, khi hết thời hạn giao đất (20 năm đối với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy và 50 năm đối với đất trồng cây lâu năm và rừng sản xuất) nếu người dân có nhu cầu và trong quá trình sử dụng tuân thủ đúng luật pháp, hơp quy hoạch sẽ được sử dụng tiếp.
“Luật hiện hành đã quy định như vậy, sắp tới nếu sửa cũng không thu hồi để chia lại”, người phát ngôn của Chính phủ khẳng định. Theo ông Đam, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương tăng cường thông tin, hướng dẫn để người dân yên tâm sử dụng đất.
Liên quan tới việc tổng kết việc thi hành Luật Đất đai, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay, Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương tiến hành. Sắp tới, Ban chấp hành trung ương Đảng sẽ bàn về vấn đề này.
Chia sẻ lo lắng cũng như khó khăn của người dân trong quá trình sử dụng đất liên quan tới quy định về thời hạn, Bộ trưởng Đam cho rằng, nếu người dân, các bộ, ngành, địa phương hiểu đúng luật thì sẽ không có vấn đề gì xáo trộn. “Chính phủ hiểu rõ tầm quan trọng của đất đai đối với người dân Việt Nam như thế nào. Vì thế, dù đang trong quá trình tổng kết luật thì tinh thần vẫn là ổn định đất đai cho người dân, quan trọng là không thu và chia lại”, ông Đam nói.
Thông điệp của người phát ngôn Chính phủ đưa ra vào thời điểm đang có nhiều ý kiến cho rằng nên sửa Luật Đất đai, nhất là sau vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng). Trao đổi với PV, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ khẳng định bất cập lớn nhất của Luật Đất đai hiện nay nằm ở vấn đề thời hạn. Để sửa luật này, phương án đúng hơn cả là xóa bỏ thời hạn.
“Xóa thời hạn thì được cái lợi cơ bản là người nông dân có tâm lý ổn định, dám đầu tư dài hạn, đầu tư lớn. Người nông dân dám đầu tư để nâng thật cao năng suất, sản lượng nhằm làm giàu trên đất đai. Chắc chắn đây là cách thức để ta tạo được động lực mới trong nông nghiệp, nông thôn và cho nông dân”, ông Võ nói.
Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc cũng khẳng định, vụ việc ở Tiên Lãng là bài học lớn cho tư duy về pháp luật đất đai. Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong ngày 7/3, lãnh đạo Bộ sẽ chủ trì cuộc họp để công bố thông tin về công tác quản lý đất đai trong thời gian qua.
(Theo VnExpress)