Vụ việc Bộ trưởng Đinh La Thăng cấm chơi Golf: Nóng bên hành lang Quốc hội
Việc Bộ trưởng GTVT cấm cán bộ chơi Golf: Người trong cuộc nói gì?
Bên lề kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc là chính khách tiếp theo lên tiếng về vấn đề giao thông đô thị và các quyết định táo bạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng.
- Với kinh nghiệm nhiều năm tại Quốc hội, ông đánh giá như thế nào về những quyết định gần đây của Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng?
- Tôi rất thích những con người có cá tính. Tôi nghĩ rằng thay vì thái độ "hãy đợi đấy", "chờ xem sao", chúng ta hãy ủng hộ những nhân tố mới thúc đẩy sự thay đổi. Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu cán bộ chủ chốt thuộc Bộ trong thời gian này không chơi golf là một quyết định mạnh mẽ. Ông Thăng có lý vì bây giờ vấn đề của ngành giao thông đang bề bộn, cần tập trung nguồn lực của lãnh đạo.
Nhưng lẽ ra, yêu cầu đó nên được thể hiện qua các tổ chức công đoàn hay tổ chức Đảng thì hay hơn là một mệnh lệnh của thủ trưởng.
- Nhưng thưa ông, nếu dùng hình thức vận động chưa chắc đã đem lại hiệu quả tức thời, trong khi việc đẩy nhanh tiến độ công trình giao thông đang rất cấp bách?
- Điều đó cho thấy các tổ chức chính trị của ta chưa phát huy hết vai trò. Tất cả cán bộ cấp cao của bộ đều là đảng viên, hơn nữa mục đích của việc này rất rõ ràng, tôi nghĩ không ai phản đối. Golf là một môn thể thao đáng tôn trọng nhưng không phù hợp lắm trong bối cảnh hiện nay. Đương nhiên, nghỉ ngơi trong ngày nghỉ thì chả ai có quyền can thiệp. Ở đây là sự tự giác, công chức vị trí càng cao thì tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh càng cao. Có lẽ dân đánh giá công chức ở tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, với xã hội và nhất là nhiệm vụ của mình.
- Trước những phản biện về quyết định của mình, Bộ trưởng Thăng từng phát biểu, làm lãnh đạo phải hi sinh tự do cá nhân. Ông bình luận gì về phát biểu này?
- Tôi nghĩ điều này ông Thăng chỉ nhắc lại câu nói của Bác Hồ dưới dạng khác, cụ thể hơn. Cán bộ phải biết hi sinh, chúng ta đã nói nhiều nhưng không làm. Bằng một việc làm cụ thể, anh Thăng dám động chạm tới những lợi ích mà có người tưởng như đó là đặc quyền của mình. Giữa quyền hợp pháp và trách nhiệm xã hội có khác nhau. Lẽ ra theo nguyên lý thì người có chức vụ cao thì càng phải hy sinh nhiều, thì ngược lại hiện nay đã có quan niệm là người có chức vụ cao thì có quyền được hưởng lợi ích cao. Việc làm của ông Thăng là một cách đánh thức những người có trách nhiệm. Ở phương Đông, tính gương mẫu rất quan trọng.
- Sau Bộ Giao thông, theo ông, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn các bộ trưởng khác có nên có biện pháp mạnh để quản lý công chức chơi môn thể thao quý tộc, tốn nhiều thời gian này?
- Tôi nhớ lại câu chuyện cách đây đã lâu, một lãnh đạo thành phố Hà Nội đã giao nộp lại công quỹ hàng tỷ bạc, mà tiền tỷ hồi đấy to lắm, đây là tiền lễ tết cho ông. Sụ việc lúc đó gây ra một sự phấn chấn trong xã hội. Ai cũng thấy đó là việc tốt, là hay. Nhưng chỉ năm sau không ai nhắc lại, làm theo. Có lẽ nó không đủ sức vượt qua cơ chế. Vì cơ chế mang lại lợi ích, điều đó rất đáng suy nghĩ.
- Ngoài vấn đề gofl, những đề xuất về giao thông của Bộ trưởng Đinh La Thăng đang động chạm tới quyền lợi của nhiều người, nhưng lại rất được ủng hộ. Ông nghĩ sao về tín hiệu này?
- Tôi cho đây là hiện tượng tích cực. Bản thân tôi đã đi xe đạp điện rồi. Nói thẳng, đấy là một cách tôi ủng hộ ông Đinh La Thăng. Ngần ấy xe ôtô lưu thông, biết bao ông tài xế ngồi chờ các quan chức họp, lãng phí lắm. Nếu chúng ta quan tâm tới những cái tưởng như rất nhỏ trong xã hội thì sẽ giải quyết được những việc lớn. Khi quan chức cao cấp mà đi taxi thì người dân họ tin hơn và họ có thể chia sẻ ngay những khó khăn mà họ vấp phải.
- Nhưng nếu quan chức đi taxi có thể làm mất hình ảnh uy nghiêm, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Ông nói gì về quan điểm trên?
- Phương tiện làm việc rất cần thiết để đảm bảo hiệu quả nhưng cá nhân tôi không nghĩ quan chức đi taxi là lôi thôi. Xe sang trọng không phù hợp với hoàn cảnh khó khăn của đất nước, thậm chí là phản cảm. Tôi cho hệ thống giá trị của chúng ta đang có vấn đề. Chúng ta đang bị chủ nghĩa hình thức chi phối mà thiếu đi cái cực kỳ quan trọng của công chức đó là tính liêm sỉ. Có lẽ hiện tại cán bộ nhìn nhau chứ không nhìn dân. Trong khi đó, càng gần với đời sống khó khăn của dân bao nhiêu thì chăc chắn trong hành động chỉ đạo của cán bộ đó sẽ có hiệu quả bấy nhiêu.
Nhiều nước phương Đông cũng như phương Tây, nguyên thủ quốc gia tại sao sẵn sàng đi xe đạp, đi bộ, đi phương tiện công cộng? Theo tôi, cần tạo dư luận xã hội, dần dần tạo giá trị xã hội, từ giá trị xã hội ta đưa vào trong pháp chế. Khi người ta cảm thấy mình bị đứng ra bên lề xã hội thì họ sẽ phải điều chỉnh hành vi của họ.
- Trong phần trả lời của mình, ông nhiều lần nhắc đến "cơ chế". Với cơ chế hiện nay, ông nói gì về khả năng thành công của những quyết sách mà Bộ trưởng Thăng đưa ra?
- Ở đây có vai trò của dư luận xã hội, của Quốc hội. Ông bộ trưởng nêu vấn đề ra, nếu nó hợp lý sẽ nhận được sự ủng hộ của xã hội. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, lợi ích cục bộ đang là trở lực rất lớn cho điều hành vĩ mô. Tuyên chiến với lợi ích cục bộ là điều đột phá mà ta cần làm. Nếu Bộ trưởng Đinh La Thăng trên cơ sở trách nhiệm và có những nghiên cứu kỹ càng, tôi nghĩ là những trở lực trong cơ chế hiện nay sẽ dần dần được cải thiện. Dư luận nên ủng hộ ông ấy.
(Theo VnExpress)