SearchNews

Để Đà Nẵng trở thành nơi sống tốt ở châu Á

14/05/2011 15:58

Một "thành phố sống tốt" phải hội đủ các yếu tố về vật chất và tinh thần, có giá trị nhân văn, phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa - xã hội, trong đó người dân đặt ở vị trí trung tâm.

Một "thành phố sống tốt" phải hội đủ các yếu tố về vật chất và tinh thần, có giá trị nhân văn, phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa - xã hội, trong đó người dân đặt ở vị trí trung tâm.

Xây dựng Đà Nẵng trở thành "thành phố du lịch, môi trường, công nghệ cao, có môi trường sống lý tưởng, có giá trị nhân văn, hạnh phúc cho con người” là những ý tưởng được các giáo sư, tiến sĩ, nhà quy hoạch, quản lý đô thị hàng đầu Việt Nam đưa ra tại Hội thảo “Các ý tưởng xây dựng TP Đà Nẵng ngang tầm với các thành phố phát triển của khu vực ASEAN và châu Á" vừa được tổ chức tại Đà Nẵng.

Để trở thành “thành phố sống tốt” trong 20 năm tới, theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM, cho rằng Đà Nẵng phải xây dựng thành phố theo hướng phát triển bền vững, gắn liền với quy hoạch mang đặc điểm nền kinh tế đô thị, gắn với phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, phát triển KT-XH đặt trong điều kiện hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.

Theo ông, với thực tiễn và tiềm năng của mình, Đà Nẵng nên đặt mục tiêu trong 20 năm tới phải thật sự là thành phố hiện đại, năng động nhất khu vực Đông Nam Á, thành một trong những đô thị tốt nhất khu vực châu Á.

Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, Đà Nẵng nên xây dựng thành một thành phố có đặc trưng riêng thông qua các hoạt động có tính mũi nhọn để thu hút đầu tư và kinh doanh phát triển, như xây dựng thành phố du lịch - hội nghị chất lượng cao; thành phố thể thao - du lịch - chữa bệnh (nghĩ dưỡng).
 
"Bên cạnh tổ chức cuộc thi pháo hoa quốc tế, Đà Nẵng cần mạnh dạn mở rộng hoạt động sự kiện mang tầm quốc tế khác, vừa tạo cơ hội đầu tư từ cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông vừa thúc đẩy dịch vụ đa ngành với trình độ cao. Đồng thời mở cửa bầu trời, cảng biển ra quốc tế, xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến của quốc gia và quốc tế", Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn hiến kế.
 
Dưới góc nhìn của một nhà quản lý quy hoạch, TS-KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng Đà Nẵng hội đủ điều kiện để phát triển thành một thành phố du lịch, hiện đại và độc đáo. Tuy nhiên, hiện nay thành phố vẫn chưa thực sự hút du khách, nhà đầu tư bởi thực tế chưa xứng với tiềm năng của nó.
 
Ông Chính đưa ra một số ý tưởng xây dựng TP Đà Nẵng trong thời gian tới: đã là một thành phố du lịch ngang tầm khu vực và thế giới cần phải xây dựng trung tâm du thuyền tại vịnh Đà Nẵng; xây dựng hòn đảo nhân tạo với các hoạt động vui chơi, giải trí độc đáo kiêm bảo tàng hải dương học trên vịnh Đà Nẵng; xây dựng tụ điểm dịch vụ du lịch trên đỉnh Sơn Trà – vị trí đẹp nhất nhìn về Đà Nẵng về đêm; xây dựng thành phố trên cao tại bán đảo Sơn Trà… "Ý tưởng này phù hợp với tiêu chí thành phố du lịch gắn với công nghệ cao", ông nói.
 
Phát triển bền vững
 
“Khi nói đến phát triển đô thị, người ta đều đề cập một sự phát triển hài hòa cả kinh tế, môi trường và văn hóa - xã hội một cách bền vững mà mục tiêu cuối cùng là đời sống cư dân khá giả hơn lên, sống thỏa mái hơn, hạnh phúc hơn cả về vật chất lẫn tinh thần ở mức hưởng thụ cao; cơ sở vật chất hiện đại tiên tiến ở mức thế giới; quan hệ giữa người với người tốt đẹp, mọi cá nhân có cơ hội phát triển như nhau, môi trường sống tốt… Khi các tiêu chí đã được thống nhất giữa các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học và người dân sẽ cụ thể hóa thành chỉ tiêu phấn đấu trong kế hoạch hàng năm, 5 năm và dài hạn trong quá trình xây dựng thành phố”, Tiến sĩ Trần Du Lịch nói.
 
Ông nhận định: Đà Nẵng là địa phương đi trước một bước về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tạo môi trường mở cho thu hút đầu tư, tuy nhiên, trong quá trình quy hoạch phát triển, Đà Nẵng cần chú trọng vào phát triển dịch vụ công, đặc biệt là không gian công cộng. Ông đề xuất: Đà Nẵng phải chú trọng phát triển công nghiệp chất lượng cao, vì chỉ công nghiệp chất lượng cao mới mang lại nguồn thu bền vững cho sự phát triển.
 
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Trần Ngọc Ca, Văn phòng Hội đồng Chính sách khoa học công nghệ quốc gia, phát triển công nghệ và công nghệ cao ở Đà Nẵng phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cạnh tranh bền vững tiến tới trở thành một cực (hub) về công nghệ đặc thù. Với những thế mạnh là trung tâm kinh tế vùng, lối ra biển của Hành lang kinh tế Đông - Tây, hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, viễn thông; internet,…rất tốt; môi trường sống tốt; nằm giữa các di sản văn hóa thế giới là Cố đô Huế, Hội An, Mỹ Sơn…; Đà Nẵng có nhiều tiềm năng trở thành một trung tâm du lịch – kinh tế lớn nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, để chọn hướng đi cho công nghệ Đà Nẵng trong tương lai, Tiến sĩ Trần Ngọc Ca cho rằng, Đà Nẵng nên chọn hướng phát triển khu công nghệ cao chứ không chỉ là khu công nghiệp công nghệ cao. Ưu điểm của khu công nghệ cao là khai thác và phát triển được các năng lực về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo. "Khi chọn mô hình này, về lâu dài Đà Nẵng sẽ có nhiều lợi thế phát triển kinh tế dựa trên giá trị gia tăng cao hơn, nhiều lợi thế cạnh tranh hơn, thay vì chỉ tập trung sản xuất công nghiệp đang có xu thế gia công, ít giá trị gia tăng và rất dễ bị rơi vào “bẫy lao động trẻ, thu nhập và giá trị gia tăng thấp”, ông Ca nói.

(Theo báo Đà Nẵng)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu