Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020. Theo định hướng quy hoạch sân golf trên các vùng, dự kiến cả nước sẽ có 89 sân, trong đó có 19 sân đã đi vào hoạt động.
Các dự án sân golf không được sử dụng đất lúa 2 màu
Xây dựng sân golf phải theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt tạo điều kiện góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương theo hướng dịch vụ, du lịch và lấy hiệu quả kinh tế, xã hội làm căn cứ và tăng thu ngân sách nhà nước, đảm bảo phát triển hiệu quả và bền vững.
Quy hoạch định hướng xây dựng sân golf theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, đảm bảo môi trường xanh trong quy hoạch phát triển. Xây dựng các sân golf phải theo từng giai đoạn phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Các dự án sân golf không được sử dụng đất lúa, đất màu và đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, đất rừng (đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc chủng). Các dự án sân golf không được hỗ trợ tài chính từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng trong và ngòai các khu chức năng của các dự án golf. Ngòai mục tiêu thu lợi nhuận, việc xây dựng sân golf còn phải đáp ứng các nhu cầu giải trí, phát triển thể lực cộng đồng.
Diện tích tối đa dành cho sân golf 18 lỗ là 100ha. Một sân golf không sử dụng quá 5ha diện tích là đất lúc 1 vụ năng suất thấp. Thời hạn thực hiện đầu tư một dự án sân golf không quá 4 năm kể từ ngày được cấp phép. Các dự án sân golf phải tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn về môi trường theo quy định của pháp luật về môi trường.
Về tiêu chí xây dựng sân golf, tiêu chí tổng hợp quan trọng nhất là sân golf tuyệt đối không được sử dụng đất lúa 2 vụ. Trường hợp phải sử dụng đất lúa để xây dựng sân golf thì chỉ được sử dụng đất lúa 1 vụ năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao với diện tích không quá 5% tổng diện tích quy hoạch 1 sân golf đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không được sử dụng đất thuộc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, đất rừng (đặc biệt là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng) để xây dựng sân golf.
Địa điểm quy hoạch các sân golf chủ yếu là ở vùng trung du miền núi, vùng bãi cát ven biển khu vực miền Trung và các khu vực trọng điểm du lịch của các vùng và cả nước.
Việc xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động sân golf chỉ được sử dụng đất đã giao để xây dựng sân golf, không được sử dụng đất đã cấp làm sân golf xây dựng nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng.
Cả nước sẽ có 89 sân golf
Theo định hướng quy hoạch sân golf trên các vùng, dự kiến đến năm 2020 cả nước sẽ có 89 sân, trong đó có 19 sân đã đi vào hoạt động.
Vùng Trung du miền núi Bắc bộ, dự kiến tòan vùng quy hoạch có 11 dự án sân golf, với tổng diện tích đất dự kiến là 1.456ha, trên địa bàn các tỉnh Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh.
Vùng Đồng bằng sông Hồng, dự kiến tòan vùng quy hoạch có 16 dự án sân golf, với tổng diện tích đất dự kiến là 1.909,7ha, trên địa bàn 6 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hải Phòng, Hà Nam.
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ, dự kiến tòan vùng quy hoạch có 29 dự án, tổng diện tích dự kiến là 2.943 ha, trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Vùng Tây Nguyên dự kiến tòan vùng có 8 dự án trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Kon Tum.
Vùng Đông Nam Bộ, dự kiến tòan vùng có 21 dự án, với tổng diện tích đất dự kiến là 2.376ha trên địa bàn 5 tỉnh thành phố gồm Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh.
Vùng Đồng Bằng sông Cửu Long có 4 sân golf trên địa bàn các tỉnh Cần Thơ, Tiền Giang, Long An với tổng số điện tích đất dự kiến là 461 ha.
DK