Từ năm 2006, TPHCM đã có chủ trương di dời các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ra ngoại thành. Chủ trương này phục vụ cho mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, CĐ; đồng thời góp phần giảm ách tắc giao thông trong nội đô…
Chủ trương nhận được sự đồng thuận cao từ phía các ban ngành, cơ quan nhà nước như Bộ GDĐT, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính… Tuy nhiên, sau gần 6 năm thực hiện chủ trương này, đến nay TPHCM vẫn chưa thể di dời được bất kỳ trường ĐH, CĐ nào ra ngoại thành, mọi việc mới chỉ dừng ở chủ trương. Vì sao có sự chậm trễ này?
Về mặt lý thuyết, TPHCM đã quy hoạch 2.100ha đất dành cho các trường ĐH, CĐ; thế nhưng trên thực tế hiện nay, ngoại trừ khu đại học quốc gia (Thủ Đức) có tổng diện tích khoảng 500ha là đã có trên thực tế, phần còn lại vẫn còn nằm trên giấy. Vì vậy, một khi các trường không có đất, chưa có cơ chế tài chính muốn di dời nhanh cũng không thể nhanh được.
Đất nhiều nhưng còn... trên giấy
Từ năm 2006, TPHCM đã có chủ trương di dời các trường ĐH, CĐ ra ngoại thành. Chủ trương này được lồng vào trong nghiên cứu tổng mặt bằng năm 2007. Kết quả, quy hoạch tổng thể của TPHCM đã dành 2.100ha cho giáo dục ĐH, CĐ. Theo đó, khu vực quận 7 và huyện Nhà Bè 735ha; khu vực tây - bắc Củ Chi 600ha và khu vực quận Thủ Đức và quận 9 chiếm phần diện tích còn lại. Riêng đối với khu vực Thủ Đức hiện đã có khu đại học quốc gia có diện tích khoảng 500ha. Như vậy, nếu trừ đi diện tích hiện hữu của ĐH Quốc gia, tổng diện tích đất quy hoạch cho giáo dục ĐH, CĐ của thành phố còn lại khoảng 1.700ha.
Theo tính toán quỹ đất quy hoạch dành cho giáo dục ĐH, CĐ có thể thỏa mãn được nhu cầu trong vài chục năm tới. Định mức tối thiểu là 25m2/sinh viên. Trong các khu vực quy hoạch cho giáo dục ĐH, CĐ có thể hình thành các mô hình như đô thị đại học; tổ hợp các trường đại học (Compus) và ĐH độc lập. Sau khi TPHCM có chủ trương di dời các trường ĐH, CĐ ra ngoại thành, ở cấp vĩ mô Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GDĐT và Bộ Xây dựng nghiên cứu quy hoạch vùng TPHCM và Hà Nội.
Trong đó, có đồ án quy hoạch các trường ĐH, CĐ vùng TPHCM và Hà Nội. Hiện nay đồ án này đã được báo cho Chính phủ lần cuối. Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM - việc di dời các trường ĐH, CĐ ở TPHCM phải thực hiện trên cơ sở quy hoạch vùng. Riêng TPHCM, có một đồ án riêng, tuy nhiên phải chờ đồ án quy hoạch vùng được duyệt!
Trên lý thuyết thì quỹ đất quy hoạch dành cho giáo dục ĐH, CĐ của TPHCM là rất dồi dào. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để đưa quỹ đất này vào sử dụng lại là chuyện khác. Hiện nay TPHCM mới chỉ làm được khâu là chỉ ra đất ở đâu để xây dựng các trường đại học (quy hoạch) chứ chưa thể biến quỹ đất này thành đất sạch để các trường có thể sử dụng. Muốn có thể sử dụng quỹ đất này phải qua khâu tối quan trọng là bồi thường, giải tỏa, tái định cư cho hàng ngàn hộ dân mà điều này cần phải có hàng vài chục ngàn tỉ đồng mới có thể làm được.
Không tiền làm gì cũng khó
Theo thông tin từ Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM (thành viên của Ban chỉ đạo di dời các trường ĐH, CĐ ra ngoại thành), hiện nay một số trường đại học đang xây dựng dự án di dời ra ngoại thành như ĐH Kinh tế, ĐH Ngoại ngữ - Tin học, ĐH Luật. Cả 3 trường đại học này đều di dời về quận 9, quy mô mỗi trường khoảng 40ha. Trong đó, Trường ĐH Kinh tế đang tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, ở khu đô thị tây – bắc Củ Chi, nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư hạ tầng, mời các trường di dời vào, nhưng vấn đề là các trường lấy đâu ra tiền để trả lại cho nhà đầu tư.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, hiện nay trong việc di dời các trường tự lực là chính, thành phố chỉ có thể chỉ cho các trường di dời về đâu (quy hoạch) chứ chưa thể hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất... Vì vậy, chỉ có những trường có tiềm lực tài chính mới có thể làm được. Cũng theo ông Nguyễn Hoài Nam, hiện nay cơ chế tài chính để các trường ĐH, CĐ di dời là đang còn vướng. Bản thân các trường thuộc diện di dời cũng vướng vấn đề này.
Nhìn chung, mặc dù chủ trương di dời các trường ĐH, CĐ ra ngoại thành đã có từ năm 2006, các trường cũng có nhu cầu di dời nhưng những vướng mắc về đất, về cơ chế tài chính đã khiến cho chủ trương này đến nay mới chỉ dừng lại ở công tác chuẩn bị chứ chưa thể đi vào thực tế. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, để di dời các trường ĐH, CĐ cần phải có lộ trình, khả năng tài chính chứ không thể làm vội vàng được. |
(Theo Lao Động)