Từ 18/4 đoàn Thanh tra Bộ Giao thông sẽ tiến hành thanh kiểm tra việc sử dụng lòng đường, vỉa hè. Phó Chánh Thanh tra Thạch Như Sỹ trao đổi với PV xoay quanh vấn đề này.
> Sắp thanh tra sử dụng vỉa hè, lòng đường ở Hà Nội, TP HCM
Từ 18/4 đoàn Thanh tra Giao thông (Bộ GTVT) sẽ tiến hành thanh kiểm tra việc sử dụng lòng đường, vỉa hè ở hai thành phố Hà Nội và TP. HCM. Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT Thạch Như Sỹ trao đổi với PV xoay quanh vấn đề này.
- Lý do gì khiến ngành giao thông thành lập đoàn kiểm tra và thực hiện trong thời gian dài, với quy mô lớn như vậy, thưa ông?
Do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nên tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè diễn ra nhiều, khiến trật tự an toàn giao thông hiện nay thêm phức tạp.
Việc sử dụng lòng đường, vỉa hè liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, như UBND TP, sở Giao thông, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Công an… Đối tượng thứ hai là các đơn vị thi hành thuộc cấp phường. Ngoài ra vấn đề này còn liên quan đến DN được giao nhiệm vụ sử dụng quản lý trông giữ phương tiện.
Trên cơ sở đó chúng tôi đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành với đầy đủ các thành viên. Lần thanh tra này sẽ phải tính toán, đánh giá một loạt văn bản của TW, TP ban hành. Đồng thời đánh giá khách quan về hiện trạng sử dụng lòng đường vỉa hè hiện nay.
Dù thời gian kiểm tra diễn ra trong hai tháng 4 và 5, nhưng ở Hà Nội chúng tôi chỉ chọn hai quận tiêu biểu để thanh tra là Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, vì hai quận này sử dụng lòng đường vỉa hè nhiều nhất. Trong mỗi quận sẽ chọn hai phường để thanh kiểm tra. Đối với TP HCM cũng sẽ triển khai tương tự.
Chúng tôi đã phổ biến tất cả anh em trong đoàn phải thực hiện nghiêm túc quy định, đảm bảo tính trung thực, khách quan, trên cơ sở đó đánh giá hiện trạng từ đó đưa ra giải pháp thực hiện hiệu quả nhất.
- Nhiều ý kiến cho rằng áp dụng hình thức xử phạt hiện nay không hiệu quả. Hơn nữa việc đánh đồng mức độ xử phạt mỗi lần vi phạm 25 triệu đồng là không hợp lý. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Mặc dù đã cố gắng nhưng tình hình vi phạm chưa thể xử lý triệt để được do hạ tầng cơ sở còn hạn chế. Mặt khác phương tiện giao thông tăng quá lớn. Ngoài ra ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế. Việc tăng cường xử phạt là một trong nhiều giải pháp mà chúng ta cần thực hiện.
Theo thống kê cho thấy số vụ và số tiền xử phạt liên tục tăng lên hàng năm. Riêng thanh tra ở Hà Nội, TP. HCM đều tăng trung bình từ 20 – 30% mỗi năm. Như ở Hà Nội năm 2010 có 30 nghìn vụ vi phạm bị xử lý, với số tiền 28 tỷ đồng. Nhưng sang năm 2011, số vụ vi phạm đã tăng lên con số 40 nghìn, và số tiền phạt thu về trên 30 tỷ đồng.
Tôi cho rằng cần chia nhỏ mức độ xử phạt thay vì đánh đồng 25 triệu mỗi lần vi phạm hiện nay. Thực tế vỉa hè không chỉ DN mà nhiều cửa hàng kinh doanh cũng sử dụng. Nếu áp dụng mức này các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ sẽ gặp khó khăn. Vì thế phải phân chia từng mức theo định lượng cho phù hợp.
Tuy nhiên ngoài vấn đề xử phạt phải tăng cường các giải pháp khác. Cứ phạt đi phạt lại nhiều lần rồi sẽ sinh ra chây ì. Tôi cho rằng nên chuyển những trường hợp vi phạm nhiều lần sang vi phạm hình sự. Nếu cứ phạt đi phạt lại sẽ rất khó mang lại hiệu quả.
- Nhưng cũng phải thừa nhận giao thông tĩnh chưa đáp ứng được yêu cầu nên các tổ chức, cá nhân không có lựa chọn nào khác?
Hiện nay dù giao thông tĩnh hay động vẫn còn rất thiếu thốn. Nhưng thiếu thì vẫn thiếu, còn đủ thì vẫn đủ.
Tâm lý người dân chỉ muốn đỗ xe cách nơi đến một vài bước chân. Nếu đến khu vực hồ Hoàn Kiếm mà cứ đòi đỗ xe ngay trước cửa phòng làm việc thì rất khó. Nhưng nếu chúng ta ý thức đưa xe ra đường Trần Nhật Duật, hay các điểm đỗ ở ven đê gửi thì sẽ không xảy ra ùn tắc.
Trong trung tâm thành phố đều đã dành quỹ đất làm điểm đỗ xe, nhưng những tuyến phố chính như trục đường hướng tâm, vành đai thì phải ưu tiên cho giao thông động.
- Trong quy hoạch nhiều khu đất dành để xây dựng điểm đỗ xe, nhưng đến giờ lại biến tướng thành các loại hình dịch vụ khác. Ông bình luận gì về vấn đề này?
Tôi được biết trước đây thư viện Quốc Gia trên phố Hai Bà Trưng, Hà Nội có thiết kế điểm đỗ xe, nhưng bây giờ đã bị biến thành điểm kinh doanh cà phê. Tương tự chỗ để xe ở ngã tư Đinh Lễ, ngã tư Khâm Thiên cũng bị biến thành điểm bán rượu. Hay ở Cung Văn hóa Thiếu Nhi, khu vực cạnh bờ hồ Hoàn Kiếm vốn là điểm trông giữ xe, nhưng nay đã dành ra để mở quán cà phê.
Các quận phải kiểm tra và đình chỉ ngay những hoạt động đó lại. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư phải sử dụng đúng mục đich, dành đất xây dựng điểm trông giữ xe.
Bên cạnh đó một số cơ quan đang đẩy khó cho thành phố. Điển hình như khu vực xung quanh sân Bệnh viện Việt Đức trước đây quy hoạch làm chỗ đỗ xe. Nhưng nay lại mọc lên nhà bán thuốc và nhà căng tin.
Thậm chí một số trường học không muốn khuôn viên trong trường lộn xộn, đã đẩy phụ huynh ra ngoài đường đón học sinh. Nhiều sân trường rất rộng, khi bước vào cảm giác như đang ở một thế giới khác. Trong sân trường chỉ có từng đoàn học sinh xếp hàng đi vào, đi ra rộng mênh mông, còn ngoài cổng thì chen chúc rồi ùn tắc cả một đoạn phố dài.
Theo tôi vào mỗi giờ tan học các trường hãy mở cổng để phụ huynh vào sân trường đón con. Vừa đảm bảo an toàn cho phụ huynh học sinh, lại không xảy ra ùn tắc. Nếu biết chia sẻ khó khăn với thành phố thì vấn đề giao thông đô thị dù rất khó nhưng vẫn có thể giải quyết được.
(Theo Infonet)