SearchNews

Đô thị phát triển tốt hay xấu là nhờ quy hoạch

11/11/2011 10:41

“Đô thị là ngôi nhà chung của nhân dân nên sự thay đổi của đô thị tác động trực tiếp đến đời sống của từng người dân…" GS.TSKH.KTS Nguyễn Thế Bá chia sẻ.

“Đô thị là ngôi nhà chung của nhân dân nên sự thay đổi của đô thị tác động trực tiếp đến đời sống của từng người dân… Mỗi năm, chúng ta chỉ cần dăm bẩy đô thị được tuyên dương, khen thưởng thì đó không chỉ là món quà đẹp nhất cho người dân đô thị đó mà còn tạo được phong trào thi đua giữa các đô thị thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ chung”, GS.TSKH.KTS Nguyễn Thế Bá - Chủ tịch danh dự Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã có những chia sẻ chân thành.

Được biết, ông là một trong những người đã khởi xướng cho việc thành lập “Ngày đô thị Việt Nam”. Xuất phát từ đâu ông lại có ý tưởng như vậy?

- Từ năm 1949, GS Carlos Maria Della Paolera (Trường ĐH Buenos Aires) đã đề xuất và thế giới đã lấy ngày 08/11 làm ngày đô thị hóa thế giới. Đô thị không phải của riêng ai cả mà là của toàn dân nên mọi người đều phải có trách nhiệm xây dựng nơi ở của mình tốt nhất. Vì vậy, chúng tôi thấy cần có ngày đô thị cho Việt Nam hàng năm để nhắc nhở mỗi người, từ những người trực tiếp tham gia quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị cho đến từng người dân một ngày kỷ niệm tôn vinh vai trò quan trọng của công tác quy hoạch, phát triển đô thị. Đồng thời kiểm tra sự phát triển đô thị để có những kế hoạch phát triển tốt đẹp trong tương lai.

Thế nên trong lúc chuẩn bị kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Hội Quy hoạch phát đô thị Việt Nam và qua nghiên cứu các hoạt động đô thị các nước, chúng tôi đã thống nhất cùng với Hiệp hội đô thị Việt Nam để xuất trình Chính phủ ra đời một ngày đô thị của Việt Nam. Kế thừa ngày đô thị hóa của thế giới nên ngày đô thị Việt Nam cũng lấy ngày 08/11 kỷ niệm hàng năm.

Sự phát triển của một đô thị ghi nhận dấu ấn rõ nét của vai trò quy hoạch. Nhưng thực tế công tác quy hoạch của chúng ta vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Vậy nguyên nhân xuất phát từ đâu thưa ông?

- Bản thân các nhà quy hoạch phải nhìn thấy trách nhiệm của mình trong thiết kế, quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị thế nào tốt nhất, bảo đảm các tiêu chí chung để có được những đô thị phát triển bền vững. Muốn có đô thị tốt thì phải có quy hoạch tốt. Nhưng để làm được một quy hoạch đúng không dễ bởi nó bị chi phối các yếu tố khác nhau. Trước hết là việc nắm bắt thực tiễn. Người làm quy hoạch phải điều tra, nghiên cứu kỹ những điều kiện về địa hình, khí hậu, kinh tế, văn hóa, giá trị lịch sử… để thiết kế, xây dựng quy hoạch. Tiếp đó là cái nhìn dự báo phát triển nhưng đây lại là điểm yếu nhất của chúng ta.

Việc quy hoạch phải trải qua từng bước: Dự báo phát triển - quy hoạch - thiết kế - thực thi đồ án thiết kế - quản lý phát triển đô thị đúng cách. Nếu không có con mắt, tầm nhìn tinh tường thì không thể nào có được một bản quy hoạch đúng chứ chưa đến tốt. Những năm mới thiết lập hòa bình, chúng ta có mời các chuyên gia nước ngoài tới quy hoạch các TP như Thái Bình (Bungari), Hải Phòng (Ba Lan), Bắc Giang (Triều Tiên), Vinh (Đức), Hà Nội (Nga). Đó là những tài sản khoa học rất quý giá nhưng chúng ta đã làm mất hết nên việc kế thừa cũng rất yếu và thiếu phương pháp nguyên cứu khoa học. Khoa học quy hoạch không đơn giản, rất phức tạp nên phải có tư duy, phân tích các yếu tố hình thành nên đô thị. Cuối cùng chính là việc quản lý quy hoạch chưa tốt nên chúng ta để việc tự do xây dựng khá nhiều, phá vỡ bức tranh tổng thể của đô thị.

Vậy với những ý tưởng quy hoạch táo bạo của các bạn trẻ, chúng ta nên có thái độ như thế nào?

- Phải khuyến khích chứ. Cái táo bạo có thể không phù hợp hôm nay nhưng có thể phù hợp ngày mai. Hơn nữa mỗi thiết kế quy hoạch bao giờ cũng có ý tưởng nên mình phải tôn trọng họ điều đó và đặt ra câu hỏi tại sao có ý tưởng đó chứ. Tất nhiên có những suy nghĩ nông cạn, có những cái rất sâu sắc nên người chỉ đạo biết lựa chọn đúng đắn thì có thể phát huy sáng tạo đó hoặc ngược lại nếu không khôn khéo thì sẽ không khai thác được ý tưởng, thậm chí là đánh mất đi những ý tưởng rất có giá trị.

Hiện nay, quy hoạch của chúng ta thường gần giống nhau, trong khi những bản sắc riêng của người làm quy hoạch trong quy hoạch chung thì thiếu vắng. Vậy nên mỗi ý tưởng đều có những giá trị và đô thị cũng thế. Có thể thời điểm này tốt, thời điểm kia không tốt nên hãy để thời gian kiểm chứng.

4 năm mới chỉ là những bước khởi đầu trên con đường hiện thực hóa những mục tiêu mà Ngày đô thị Việt Nam mong muốn. Vậy ông chờ đợi điều gì trong tương lai?

- Đúng vậy! Đây mới chỉ là quãng thời gian quá ngắn ngủi để đoán định. Nhưng có thể thấy ban đầu chúng ta chỉ đếm trên đầu ngón tay được vài đô thị nhưng hiện nay đã lên tới 752 đô thị lớn nhỏ trong cả nước. Đó là một con số không hề nhỏ cho thấy sự phát triển mọi mặt của đất nước.

Trong khi, đô thị là ngôi nhà chung của nhân dân nên sự thay đổi của đô thị tác động trực tiếp đến đời sống của từng người dân. Tôi luôn hy vọng sự thay đổi tích cực của người dân trong nhận thức, trách nhiệm và cả sự tự hào đối với nơi mình sinh sống. Khi đó ngày 08/11 sẽ thực sự trở thành một ngày hội toàn dân. Mỗi năm, chúng ta chỉ cần dăm bẩy đô thị được tuyên dương, khen thưởng thì đó không chỉ là món quà đẹp nhất cho người dân đô thị đó mà còn tạo được phong trào thi đua giữa các đô thị thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ chung.

Xin cám ơn ông!

(Theo BXD)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu