Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 - tầm nhìn đến 2050 sẽ được phát triển theo mô hình chùm đô thị với đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh, đó là nội dung chính của dự thảo mới nhất của Bộ Xây dựng dự kiến trình thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, đô thị trung tâm sẽ phát triển ở 2 bên sông Hồng, lấy sông Hồng, kết hợp với trục không gian hồ Tây - Cổ Loa làm trục cảnh quan chính của thành phố.
Đô thị trung tâm Hà Nội sẽ chia thành 3 khu vực: Khu nội đô được giới hạn từ phía nam sông Hồng đến sông Nhuệ sẽ là trung tâm chính trị, hành chính, văn hoá, lịch sử... chất lượng cao của cả nước.
Khu nội đô sẽ gồm 2 khu vực chính: Khu nội đô lịch sử giới hạn từ phía nam sông Hồng đến đường vành đai 2, có quy mô dân số giảm từ 1,2 triệu người hiện nay xuống khoảng 800.000 người, chỉ tiêu đất dân dụng khoảng 30m2/người. Đây là khu vực bảo tồn di sản văn hoá Thăng Long cổ, hạn chế phát triển và kiểm soát gia tăng dân số cơ học.
Khu nội đô mở rộng được giới hạn từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ, dân số đến năm 2030 khoảng 850.000-900.000 người, chỉ tiêu khoảng 75-80m2/người là khu cải tạo, chỉnh trang khu vực cũ và phát triển mới nhà ở, hạ tầng đô thị, giảm quá tải cho khu nội đô lịch sử.
Khu mở rộng phía nam và khu mở rộng phía bắc sông Hồng sẽ gồm các chuỗi đô thị phía đông đường vành đai 4 và các khu đô thị Yên Viên, Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh và Mê Linh, sẽ phát triển các khu đô thị đồng bộ, hiện đại, phát triển các trung tâm văn hoá, dịch vụ thương mại, tài chính cấp vùng và quốc gia.
5 đô thị vệ tinh gồm Hoà Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh và Sóc Sơn, mỗi đô thị có chức năng hỗn hợp, hoạt động độc lập và có một số chức năng đặc thù riêng để hỗ trợ đô thị trung tâm.
Nguyễn Hưng