“Nơi nào có đất lúa phải kiên quyết giữ cho bằng được đảm bảo chỉ tiêu 3,8 triệu ha, còn các đô thị lớn phải ưu tiên dành đất cho giao thông và các công trình công cộng”, Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang (ảnh) nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với báo chí.
Nhiều địa phương có đất lúa nhưng đề xuất quy hoạch chỉ giữ lại 3,6 triệu ha thay vì 3,8 triệu ha, Bộ TN-MT có biện pháp gì để đảm bảo sau này họ sẽ thực hiện đúng quy hoạch?
Đây là vấn đề khá nan giải, chúng tôi rất chia sẻ với các tỉnh, địa phương có đất chủ yếu để trồng lúa, nay muốn làm giao
Quy định 25%, thực tế chỉ 0,2%
Thảo luận về kế hoạch sử dụng đất 2011 - 2015 và quy hoạch đất đến 2020, ĐB Lê Văn Học (Lâm Đồng) cho rằng, đất dành cho giao thông trong quy hoạch rất thấp và bất hợp lý. Hiện quy hoạch chỉ đạt 13%, trong khi đó tiêu chuẩn đất dành cho giao thông ít nhất là phải 25%. Đất cho giao thông tĩnh chưa được 1%, trong đó tiêu chuẩn của thế giới, các nước nói chung phải từ 3 - 3,5%.
Theo dự kiến, đất dành cho giao thông đến năm 2020 là 757.000 ha, tăng 157.000 ha so với năm 2010, ĐB Học đề nghị làm rõ các nhu cầu về đường sắt, đường bộ, cao tốc bao nhiêu, còn cảng biển và cảng hàng không không tăng thêm vì đã quá nhiều. ĐB Học dẫn chứng: “Hiện tại ở thủ đô Hà Nội 7 quận nội thành có diện tích 83 km2 nhưng diện tích đường giao thông chỉ có 5,2 km2, chiếm 6,18%; tại TP.HCM, các quận mới có những quận chỉ 0,2%, quận lớn nhất có 2,8% đất dành cho giao thông, trong khi quy định phải là 25%. Như vậy, không thể nào nói đến chuyện cải thiện tình hình giao thông ở 2 đô thị lớn này được”, ông Học dẫn chứng.
thông, xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp (KCN). Nhưng quan điểm của Chính phủ vẫn phải kiên quyết giữ được 3,8 triệu ha đất lúa. Bởi trong số này, có hơn 3,2 triệu ha đất lúa 2 vụ, còn lại 500.000 ha đất 1 vụ, 120.000 ha đất lúa nương năng suất rất thấp. Như vậy, thực chất chỉ có hơn 3,2 triệu ha, nếu giảm xuống nữa thì đất bờ xôi ruộng mật mất rất nhanh. Vì vậy, các tỉnh cũng nên có nhận thức đầy đủ hơn, đất của ông cha để lại ngàn đời sau này, chúng ta không thể sử dụng lãng phí.
Nhưng phải có giải pháp thực sự chứ không thể mong địa phương chia sẻ, trong khi họ được quyền giao đất?
Theo chủ trương tới đây, QH xem xét để sửa luật Đất đai, trong đó có rất nhiều vấn đề liên quan đến thẩm quyền phê duyệt, giao đất. Tuy nhiên quá trình sửa cần có thời gian, và có thể phải đến 2013 - 2014 mới hoàn thành, tất nhiên từ nay đến đó cái gì cần điều chỉnh thì sẽ vẫn điều chỉnh để đảm bảo giữ được mục tiêu đã quy hoạch.
Vậy còn đất KCN thì sao, khi hiện nay tỷ lệ lấp đầy thấp, các KCN mở tràn lan, nhưng quy hoạch 2020 lên tới 200.000 ha?
Đây là quy hoạch thôi, chúng ta làm để có mục tiêu dự phòng, còn trên thực tế khi đi vào thực hiện có mở rộng KCN hay không còn phụ thuộc vào tỷ lệ lấp đầy. Theo quy định phải lấp đầy 60% trở lên thì mới được mở KCN mới. Quy hoạch và quản lý đất KCN là vấn đề cực khó vì liên quan đến khả năng của các nhà đầu tư. Trong tình hình kinh tế khó khăn, lạm phát cao không dễ dàng các nhà đầu tư nhảy vào KCN. Ai cũng muốn lấp đầy, nhưng còn tùy thuộc vào hoàn cảnh khách quan của kinh tế, nhất là các tỉnh miền núi.
Nhưng khi dành đất làm KCN thì quỹ đất cho các lĩnh vực khác sẽ bị mất đi?
Đất dành cho mục đích và từng lĩnh vực cụ thể như giao thông, giáo dục, y tế… đã được quy hoạch, tất nhiên quy hoạch ở đây để dự phòng xa chứ không sử dụng ngay.
Nếu có một thông điệp nhắn gửi các địa phương trong việc quy hoạch, sử dụng đất, Bộ trưởng nhắn điều gì?
Tôi xin nói, một là chúng ta phải giữ được đất lúa, vì đó là cái ngàn đời dành cho tương lai con cháu của chúng ta sau này. Hiện nay Thái Lan có 10,5 triệu ha đất lúa, theo quy hoạch VN chỉ còn 3,8 triệu ha. Hôm nọ, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói, vì sao không lên các tỉnh phía Tây Bắc làm KCN, không ra trục đường Hồ Chí Minh, mà lại cứ phải nhảy vào ruộng. Chúng ta cũng phải nghiên cứu chính sách làm thế nào để giải quyết hài hòa các lợi ích, trong đó có lợi ích người dân có đất bị thu hồi, nhà nước, các nhà đầu tư.
Đối với đô thị phải hết sức ưu tiên đất cho giao thông và công cộng. Còn các vị ĐBQH có nói đến đất cho văn hóa, giáo dục thì quy hoạch đã có rồi, như tại Hà Nội có khu đất tại Láng - Hòa Lạc tập trung các trường đại học. Nhưng tôi cũng muốn nói rằng, quy hoạch nó liên quan đến rất nhiều vấn đề, không phải do không có đất để bố trí làm việc này việc kia, mà nó còn liên quan đến vốn đầu tư, kể cả tâm lý của xã hội. Ví dụ, nếu di chuyển các bệnh viện như Bạch Mai, Việt Đức ra khỏi Mỹ Đình, liệu người ta có muốn không, đó là vấn đề về mặt xã hội chúng ta cần phải xem xét.
64% bao giờ lấp đầy?
Liên quan tới quy hoạch đất dành cho các KCN đến 2015 sẽ nâng lên 150.000 ha, năm 2020 là 200.000 ha, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) tỏ ra lo lắng và đề nghị QH cần xem xét kỹ trước khi biểu quyết. Bởi theo ông, hiện nay trong số 277 KCN có đến 90 khu mới đang trong giai đoạn đền bù giải tỏa, đối với cụm công nghiệp cũng chỉ mới có 16.000/28.000 ha. “Như vậy, với 100.000 ha đã quy hoạch KCN, bình quân mới đưa vào sử dụng 46%, Chính phủ chưa giải trình rõ 64% còn lại đã quy hoạch xong rồi bao giờ lấp đầy, đến năm 2015 liệu đã đầy chưa, trong khi đó tới năm 2020 chúng ta đưa thêm 50.000 ha nữa. Chính phủ cũng phải nói rõ để lấp đầy 100.000 ha còn lại này chúng ta phải có một lượng tiền cỡ nào để lấp đầy, chúng ta không thể áng chừng được. Tôi cũng đồng tình có quy hoạch để chúng ta giao đất để chuẩn bị các điều kiện hạ tầng, nhưng xin thưa rằng nếu cứ rộng rãi mà giao đất người ta sẽ lợi dụng chiếm đất, giữ đất, chiếm dự án bỏ hoang”, ĐB Lịch bày tỏ.
|
(Theo Thanh Niên)