SearchNews

Đô thị vệ tinh hình thành không thể bằng quyết định hành chính

17/10/2011 17:25

Đô thị vệ tinh, thành phố vệ tinh là chuyện phổ biến và được giải quyết xong từ những năm 60 của thế kỷ trước ở các nước phát triển. Các đô thị vệ tinh là sự phân thân của các thành phố phát triển quá ngưỡng, chính những đô thị vệ tinh này là nơi chia sẻ với thành phố mẹ về sản xuất, nhân lực, hệ thống dịch vụ xã hội…

Đô thị vệ tinh, thành phố vệ tinh là chuyện phổ biến và được giải quyết xong từ những năm 60 của thế kỷ trước ở các nước phát triển. Các đô thị vệ tinh là sự phân thân của các thành phố phát triển quá ngưỡng, chính những đô thị vệ tinh này là nơi chia sẻ với thành phố mẹ về sản xuất, nhân lực, hệ thống dịch vụ xã hội…

TP.HCM đã đề cập đến mô hình đa cực phi tập trung hoá từ những năm 1998 và đến năm 2004 thì quyết định hình thành nên hai đô thị vệ tinh, một ở tây bắc thành phố thuộc huyện Củ Chi hiện nay và một ở cảng Hiệp Phước ở phía nam thành phố. Nhưng gần mười năm trôi qua, hình hài của chúng chưa thấy, dường như tất cả vẫn còn trên giấy, cho dù lãnh đạo thành phố mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Việc phát triển thành phố vệ tinh không thành công do nhiều nguyên nhân khác nhau. Về mặt khách quan thì đó là ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều nhà đầu tư sau khi xí phần xong nhưng sau nhiều năm không thấy động tĩnh gì, điển hình như dự án đô thị đại học Quốc tế (VIUT) ở phía tây bắc thành phố của tập đoàn Berjaya (Malaysia) được cấp giấy phép đầu tư ngày 1.7.2007 với tổng mức đầu tư 3,5 tỉ USD. Đây được coi là dự án đầu tư lớn nhất tại TP.HCM từ trước đến nay nhưng đến giờ vẫn chỉ là… dự án.

Tuy nhiên cũng cần phải thấy các địa điểm được chọn chưa hấp dẫn nhà đầu tư và người dân tụ về. Một thành phố vệ tinh xuất hiện không đơn giản chỉ là một quyết định hành chính hay một vài cò đất thổi giá trị lên mà cái chính nó phải hút được nguồn lực mạnh và có giá trị gia tăng cao, như con người, tiền bạc, tài nguyên. Hay nói một cách khác là người ta muốn đến định cư và muốn đầu tư lớn.

Từ trung tâm thành phố lên Củ Chi chừng 25km, nhưng phải mất hơn hai tiếng đi bằng xe hơi do giao thông thường xuyên ách tắc, cho nên các nhà đầu tư ngán ngại. Việc mở rộng mặt đường hiện hữu là khó khăn, nhưng sẽ dễ dàng và rẻ tiền nếu thành phố làm đường dành riêng cho xe hơi trên cao, cho các loại phương tiện giao thông nhanh như xe điện một đường ray.

Một số người cho rằng chính quyền chủ nhà chọn địa điểm, cho thuê đất còn nhà đầu tư phải làm cơ sở hạ tầng theo phương thức “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng kỹ thuật”, nhưng điều này có thể thành công ở những nơi đất đai có giá, còn vùng đất mới thì chủ nhà phải ứng trước xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện tạo ra hiệu ứng cạnh tranh, sau đó mới thu hồi lại vốn qua giá thuê đất.

Ngoài ra, do sai lầm trong quan điểm quy hoạch cho nên khu công nghiệp ô nhiễm tập trung các cơ sở được di dời từ trong nội thành ra cách nay mười năm ở xã Tân Phú Trung, chính là trung tâm của thành phố mới hiện đang là điều ngán ngại cho các nhà đầu tư. Việc tiếp tục vận động các nhà doanh nghiệp di dời đi xa hơn không có sự hỗ trợ nào đáng kể là điều không thể làm được.

Trong một hình thái tương tự, đô thị cảng Hiệp Phước cũng chưa có thay đổi gì đáng kể từ sau khi quyết định hình thành, bởi lẽ nó chưa toả ra sức hút nào đáng kể. Nếu chỉ có cảng và dịch vụ cảng thì chắc chắn dân số sẽ không thể nào đạt đến 250.000 dân như mong muốn. Những công nhân làm tại cảng và gia đình họ nhiều lắm cũng không thể quá 30.000 người. Do vậy mà phải tạo ra sức hút từ du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi (có thể cả ăn chơi), dịch vụ biển thì mới hy vọng dân số gia tăng. Nhưng trong tình hình mà đâu đâu cũng nói đến nước biển dâng do biến đổi khí hậu thì việc các nhà đầu tư, người dân lưỡng lự chọn Hiệp Phước định cư không phải là điều khó hiểu.

Theo ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước thì việc phát triển thành phố vệ tinh khả thi nhất là hướng về phía đông bắc của thành phố. Đây là vùng đất cao ráo, có nhiều cơ sở đã hình thành như cụm các trường đại học lớn, khu công nghệ cao, các khu công nghiệp, các nhà máy, đầu mối giao thông, sân bay quốc tế Long Thành, cảng biển và đặc biệt nhất là nó nằm giao thoa với những vùng phát triển năng động nhất quốc gia như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Các thành phố như Biên Hoà mới, Thủ Dầu Một mở rộng, dải đô thị ở Thuận An giáp ranh TP.HCM sẽ trở thành các thành phố đối trọng chia sẻ gánh nặng với TP.HCM. Và có thể coi chúng là các đô thị vệ tinh mặc dù chúng không nằm trong cùng hệ thống quản lý hành chính, nhưng chúng đều nằm trong mạng lưới đô thị vùng Đông Nam bộ và cùng trong hệ thống nguồn lực mở (nhân lực, tài chính, thông tin, giáo dục, dịch vụ, tài nguyên…)

Cách nay hơn 15 năm, GS.KTS Lưu Thái Kơ, nhà thiết kế chính tạo nên một Singapore hiện đại đã từng nói, nếu như biết tính toán thì khu vực Đông Nam bộ sẽ có một vùng đô thị hiện đại hình chữ T với một dải đô thị mới kéo dài từ chân cầu Sài Gòn, song hành với xa lộ Hà Nội đến Biên Hoà, và phần vắt ngang kéo từ Thủ Dầu Một qua Biên Hoà tới Long Thành. Ý tưởng đó không còn hiện thực nữa vì cơ hội đã qua, nhưng việc hình thành khu đô thị vệ tinh mang tính chất vùng thì hoàn toàn trong tầm tay nếu những người lãnh đạo muốn, bởi những yếu tố hình thành nên nó hầu như đã có sẵn nay chỉ việc đầu tư tập trung, dứt điểm và quyết liệt thì chỉ năm năm nữa là sẽ có một khu đô thị vệ tinh.

(Theo SGTT.VN)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu