SearchNews

‘Đổi giờ làm ở Hà Nội chỉ là giải pháp tình thế’

03/11/2011 08:23

Theo Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh, giao thông thủ đô đang thực sự bế tắc. Phương án đổi giờ học, giờ làm vừa được Thành ủy thống nhất cũng chỉ là giải pháp tình thế, không có thay đổi đáng kể so với hiện tại.

 > Hà Nội đề xuất phương án đổi giờ làm khác Bộ GTVT

Theo Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh, giao thông thủ đô đang thực sự bế tắc. Phương án đổi giờ học, giờ làm vừa được Thành ủy thống nhất cũng chỉ là giải pháp tình thế, không có thay đổi đáng kể so với hiện tại.

Phát biểu tại cuộc giao ban Ban chỉ đạo 197 thành phố chiều 2/11, trung tướng Nguyễn Đức Nhanh cho rằng, giao thông Hà Nội đã trở thành nỗi bức xúc của toàn dân. Sau khi có những đề xuất, giải pháp chống ùn tắc từ Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng, trong đó có giải pháp đổi giờ, thành phố đã liên tục họp bàn để thống nhất.

Tuy nhiên, tướng Nhanh cho rằng, kết luận ngày 1/11 của Thường trực Thành ủy về việc đổi giờ học, giờ làm không có thay đổi đáng kể so với hiện tại. Học sinh tiểu học vẫn bắt đầu học từ 8h, công chức, viên chức vẫn 8h; trung tâm thương mại bắt đầu mở cửa từ 9h.

“Điểm khác biệt rõ nhất của phương án là sinh viên đại học học từ 7h. Hiện nhóm này vào học lúc 7h30, giờ chỉ co lại xuống nửa giờ”, tướng Nhanh nói.

Ngoài việc không có thay đổi đột phá, trung tướng Nguyễn Đức Nhanh cũng băn khoăn liệu biện pháp này có giải quyết được ùn tắc. Trong khi đó, nếu thực hiện, nó sẽ gây những hệ lụy vô cùng lớn cho các nhóm ảnh hưởng. “Đây chỉ là giải pháp tình thế, tôi không hy vọng nó là giải pháp thay thế toàn bộ các giải pháp khác”, tướng Nhanh nhận định.

Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh cho rằng, có hai điểm yếu rõ rệt của giao thông thành phố. Thứ nhất là việc xử phạt chưa nghiêm, chỉ 30% vi phạm giao thông bị xử phạt, dẫn đến tình trạng “nhờn thuốc”. “Nhiều người sang Singapore, sang Nhật Bản không dám vi phạm giao thông nhưng về Hà Nội lại vi phạm. Bao giờ 100 người phạm luật phạt cả 100 thì không ai dám vi phạm nữa”, ông Nhanh nói

Điểm yếu thứ hai theo tướng Nhanh liên quan tới quy hoạch điểm đỗ xe. Những năm qua, thành phố quá quan tâm xây nhà để bán, chỗ nào có miếng đất xen kẹt là duyệt xây nhà, xây trung tâm thương mại.

“Khi cấp giấy phép xây dựng phải đảm bảo có tầng hầm, chỗ đỗ xe, nhưng chúng ta không để ý. Đáng lẽ mỗi quận, huyện phải có hàng chục điểm đỗ xe trên cao, ngầm, áp dụng công nghệ hiện đại. Nhưng hiện cả thành phố không có điểm nào như vậy”, trung tướng nói.

Từ việc không có điểm đỗ, thành phố đã cho phép kinh doanh bãi đỗ ngay dưới lòng đường, trong khi đó 300 km đường phố thủ đô đa phần chỉ có mặt cắt 6-8 mét. Diện tích dành cho xe cộ lưu thông vốn đã ít càng bị bó hẹp, gây ùn tắc giao thông.

“Ở đây có vấn đề lợi ích nhóm, lợi ích của UBND các phường, quận nên mới tràn lan các điểm đỗ xe khắp các con đường của thành phố. Cần xóa bỏ các điểm bất hợp lý, thu giấy phép, xử phạt hành chính ở mức cao nhất với những nơi trông giữ vi phạm”, tướng Nhanh yêu cầu người đứng đầu ban chỉ đạo 197 các quận, huyện.

Trao đổi với VnExpress, tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Trưởng bộ môn Quy hoạch (ĐH GTVT) nhận xét, đề xuất giờ làm việc của Hà Nội gần như giữ nguyên so với trước đây. Có thể cách tiếp cận của lãnh đạo thành phố thận trọng hơn, không động chạm đến phần đông người dân nên dễ thực hiện. Tuy nhiên, phương án của Hà Nội khó thay đổi được tình trạng ùn tắc.

Theo ông Hùng, cần phải nghiên cứu việc giãn giờ cụ thể mang tính khoa học, phân tích chuỗi chuyến đi của các đối tượng qua mô hình giao thông và khảo sát một số tuyến phố. Không chỉ đưa ra tổng số người chịu ảnh hưởng và phải khảo sát sự ảnh hưởng của nhóm này đến nhóm kia.

(Theo VnExpress)


Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu