SearchNews

Dòng sông đen giữa kinh thành Huế

11/09/2007 11:08

Sông Ngự Hà chảy ngang kinh thành Huế đang bị bồi lấp và ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp khả thi để khắc phục.

Sông Ngự Hà chảy ngang kinh thành Huế đang bị bồi lấp và ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp khả thi để khắc phục.

Dòng Ngự Hà là trục cảnh quan, tiêu thoát nước, trục giao thông thủy chủ đạo của khu vực kinh thành Huế. Vào những năm 2000, Ngự Hà đã được đưa vào khu vực 1, khoanh vùng bảo vệ di tích, di sản văn hóa Huế.

Hiện nhiều đoạn lòng sông bị bồi lắng từ hai bờ lan ra gần giữa dòng. Một số bãi bồi cỏ hoang mọc đầy, nhiều nơi được người dân "phân lô” canh tác rau màu... Phần lớn mặt sông kín đặc bèo lục bình, rau muống và rác thải. Một số đoạn mặt nước thẫm màu chuyển sang đen. Ông Bùi Phùng, một nguời sống cạnh sông thuộc phường Tây Lộc, nói: "Không chịu nổi được mùi thối bốc lên từ sông, nhất là những lúc trời nắng. Nó ô nhiễm dữ quá!".

Ngự Hà hiện đang trong tình trạng cha chung không ai khóc. Có quá nhiều cơ quan quản lý nhưng không có cơ quan quản lý chính nào đối với dòng sông này. Các giá trị di tích văn hóa thuộc về Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý. Mặt nước thì thuộc cơ quan quản lý thủy lợi của tỉnh. Việc canh tác, trồng rau trên mặt sông do chính quyền các phường nội thành tổ chức đấu thầu. Nhà dân sống lấn ở hai bên sông do UBND TP Huế quản lý...

Những năm gần đây Ngự Hà ít nhất hai lần được nạo vét dòng chảy. Ông Nguyễn Đình Cáng, giám đốc Ban quản lý dự án các công trình xây dựng TP Huế cho biết giai đoạn năm 1992 - 1996 TP Huế đã tổ chức nạo vét con sông và hút bùn đất để san lấp khu vực sân bay Tây Lộc. Lần nạo vét này đã không thông dòng chảy cho sông nên sau một số cơn lụt, sự tấn công của rau, bèo phủ đầy làm sông nhanh chóng bị bồi lắng.

Đến những năm 2002-2004, từ nguồn tài trợ của Hiệp hội Thị trưởng các thành phố nói tiếng Pháp (AIMF), TP Huế cũng đã tổ chức nạo vét thêm một lần nữa, đặc biệt là đào mương dẫn nước từ sông Kẻ Vạn vào đến tây thành Thủy Quan. Tuy nhiên kết quả cũng không làm dòng chảy của sông được lưu thông thêm bao nhiêu.

Tháng 11/2005, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Xuân Lý cũng đã phê duyệt dự án đầu tư chỉnh trang tôn tạo sông Ngự Hà. Theo đó giải tỏa tái định cư toàn bộ cư dân sống ven sông, nạo vét toàn bộ diện tích mặt sông suốt chiều dài 3.700m ở độ sâu 0,6 - 1,2m, mở rộng cửa ở sông Kẻ Vạn và sông Đông Ba đảm bảo mặt nước luôn tiếp xúc mặt kè, phục hồi toàn bộ phần kè đá, tạo bốn bến thuyền, xây mới đường ven sông cùng hệ thống vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng... Tổng mức đầu tư là 162,33 tỉ đồng, giao ban quản lý dự án làm chủ đầu tư, thực hiện từ năm 2005-2009.

Thế nhưng, ông Nguyễn Đình Cáng cho biết do không tìm ra nguồn vốn nên tỉnh đã "đá” việc tôn tạo sông Ngự Hà sang dự án thoát nước và xử lý nước thải khu vực TP Huế từ vốn vay của JIBIC, Nhật Bản, do Công ty Môi trường và công trình đô thị Huế làm chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc Công ty Môi trường và công trình đô thị, cho biết không thể đưa việc tôn tạo Ngự Hà vào giai đoạn 1 của dự án (từ nay đến năm 2015), vì UNESCO và Nhật Bản có ý kiến nên thận trọng và đề nghị nghiên cứu lại mức độ ảnh hưởng của di tích khi đầu tư tôn tạo. Do đó phải sau năm 2015 - giai đoạn 2 của dự án - mới tính đến chuyện nạo vét Ngự Hà.

(Theo Tuổi Trẻ)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu