Đó là nội dung đề cập trong dự thảo nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến các đơn vị liên quan.
Được biết hiện nay chưa có quy định nào bắt buộc dự án nhà ở phải có nhà cho thuê, trong khi đây là nhu cầu bức xúc của nhiều người dân. Dự thảo "Nghị định quản lý đầu tư phát triển đô thị” do Chính phủ ban hành có nêu rõ, những dự án có quy mô chiếm đất trên 50ha trong khu vực cải tạo tái thiết đô thị và các dự án thuộc địa giới hành chính của hai tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trở lên sẽ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, đất xây dựng nhà cho thuê là phần diện tích dành để xây nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở (20% diện tích đối với dự án nhà ở có quy mô từ 10ha trở lên).
Chủ đầu tư các dự án nhà ở có thể trực tiếp đầu tư nhà cho thuê hoặc bàn giao quỹ đất trên cho Nhà nước để giao lại các chủ đầu tư khác.
Các khu vực còn lại cũng do Thủ tướng quyết định gồm khu vực hình thành đô thị mới có quy mô dân số tương đương đô thị loại IV trở lên theo quy hoạch; khu vực chưa được xác định trong quy hoạch chung được cấp có thẩm quyền phê duyệt và khu vực có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng.
Thủ tướng Chính phủ quyết định giao chủ đầu tư dự án đầu tư phát triển đô thị sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng đối với dự án có quy mô chiếm đất trên 100 ha trong khu vực phát triển đô thị mới hoặc khu vực phát triển mở rộng đô thị, có quy mô chiếm đất trên 50 ha trong khu vực cải tạo tái thiết đô thị.
Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư dự án phải đảm bảo năng lực tài chính phù hợp với dự án, có vốn sở hữu đưa vào dự án ít nhất là 30% tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng của dự án và có văn bản xác nhận của ngân hàng về việc bảo đảm cấp đủ vốn cho việc thực hiện dự án. Đồng thời phải đưa hạ tầng vào sử dụng ngay sau khi đưa vào sử dụng công trình nhà ở.
Đối với trường hợp chính quyền địa phương trực tiếp đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, đơn vị được Nhà nước giao làm chủ đầu tư xây dựng công trình phải thực hiện đầu tư xây dựng các công trình này theo đúng tiến độ của dự án đã được phê duyệt và bảo đảm sự thống nhất trong tổng thể dự án như là chủ đầu tư thứ cấp.
Trong trường hợp quá thời hạn ghi trong văn bản chấp thuận đầu tư mà Nhà nước chưa thực hiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội thì chủ đầu tư dự án được quyền đề nghị Nhà nước cho phép bỏ vốn thực hiện đầu tư xây dựng các công trình này và được khấu trừ nghĩa vụ tài chính phải nộp cho Nhà nước hoặc được công nhận quyền sở hữu đối với công trình này.
Trường hợp chủ đầu tư dự án trực tiếp đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội thì chủ đầu tư phải thực hiện đầu tư xây dựng các công trình này cùng với tiến độ đầu tư xây dựng nhà ở và phải đưa các công trình hạ tầng xã hội vào sử dụng ngay sau khi các công trình nhà ở được đưa vào sử dụng.
Sơn Dương (T.H)