SearchNews

Đường thủy TP HCM khốn đốn với ...bèo

16/07/2012 08:39

Sự tấn công ồ ạt của cây lục bình trên các tuyến sông, đặc biệt là sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông đã gây nhiều trở ngại cho hoạt động giao thông đường thủy

Thời gian gần đây, sự tấn công ồ ạt của cây lục bình trên các tuyến sông, đặc biệt là sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông đã gây nhiều trở ngại cho hoạt động giao thông đường thủy.

bèo lục bình


Ghe tàu ách tắc vì lục bình

Lục bình vốn là một loại cây có chức năng làm sạch và giải phóng ô nhiễm, chất độc trong nguồn nước. Trong sản xuất, cây lục bình bây giờ được sử dụng làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như túi du lịch, giỏ hoa quả, thảm chùi chân, dép… góp phần cải thiện kinh tế và giải quyết công ăn việc làm cho một số lượng lớn người lao động.

Ở nhiều địa phương, từ lâu người nông dân còn dùng lục bình làm thức ăn cho gia súc, bón cây ăn quả rất tốt. Song, cây lục bình có đặc điểm sinh sôi nảy nở rất nhanh, phát triển thần tốc, do đó đôi khi nó trở thành “thủ phạm” chính trong việc gây ách tắc giao thông đường thủy.

Thông thường, lục bình phát triển nhanh trên các con sông từ cuối tháng 9 (âm lịch) hàng năm đến khoảng tháng 6 năm sau. Trong thời gian này, nhiều đoạn mặt sông Sài Gòn và Vàm Cỏ dường như bị lục bình phủ kín. Độ dày (khoảng cách từ mặt nước tới gốc rễ của lục bình) từ 20 đến 40cm, chiều cao của cây lục bình khoảng 30cm.

Trên sông Sài Gòn, lục bình tập kết khá dày đặc từ Km 0 + 00 đến Km 50 + 00, thuộc các huyện Trảng Bàng, Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) và huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương), càng về hướng thượng lưu thì lục bình càng nhiều.

bèo lục bình

Tương tự, trên sông Vàm Cỏ Đông, lục bình trôi khắp mặt sông từ Km 0+00 đến Km 81+00, thuộc địa bàn các huyện Trảng Bàng, Bến Cầu, Gò Dầu, Châu Thành, Hòa Thành (tỉnh Tây Ninh), huyện Đức Hòa, Đức Huệ (tỉnh Long An), đặc biệt là đoạn từ Km 0+00 đến Km 57+00, lục bình bít kín mặt sông.

Việc mặt sông dày đặc lục bình đang gây cản trở nhiều cho việc lưu thông của các phương tiện đường thủy, nhất là ghe tàu có trọng tải nhỏ vận chuyển hành khách và các mặt hàng nông sản.

Khi thủy triều dâng, nước cuốn lục bình chảy xiết đè bẹp hệ thống đèn tín hiệu, biển báo. Điều đáng nói là nhiều vụ tai nạn chết người đã xảy ra do những những đám lục bình dàn trận phục kích trên sông.

Thiếu ngân sách, thiết bị xử lý

Ông Dương Hữu Nhật, Phó Giám đốc Đoạn Quản lý đường thủy nội địa (ĐTNĐ) số 10 cho biết, qua khảo sát và tính toán sơ bộ thì khối lượng của lục bình trên hai tuyến sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông khoảng 4 triệu m3.

Từ nhiều năm nay, Đoạn quản lý ĐTNĐ số 10 đã cố gắng tìm các giải pháp khắc phục nhưng gặp rất nhiều khó khăn, do nguồn kinh phí dành cho công tác duy tu quản lý thường xuyên còn hạn hẹp, không có kinh phí dành cho công tác vớt và thanh thải lục bình.

Theo ông Nhật, muốn đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa được thuận lợi và khai thác tuyến có hiệu quả thì phải giải quyết triệt để tình trạng lục bình trôi trên các tuyến. Để làm điều đó, đơn vị quản lý cần một nguồn kinh phí lớn và được đầu tư các trang thiết bị chuyên dùng.

Với điều kiện hiện nay, giải pháp cấp bách trước mắt là dùng sà lan trọng tải từ 700 – 1.000 tấn, cần cẩu 40 tấn và tàu kéo công suất máy từ 350cv trở lên (xáng cạp đặt trên sà lan có trang bị loại gầu chuyên dùng), cạp lục bình lên sà lan, sau đó cạp bỏ lên bờ tập trung tại những vị trí nhất định đã được quy hoạch với sự thống nhất của chính quyền địa phương hai bên bờ sông.

Giải pháp này đơn giản và hiệu quả, có thể thực hiện bất kỳ lúc nào khi có kinh phí, giá thành thấp, dễ thực hiện. Có thể tận dụng sản phẩm lục bình vớt được ủ làm phân hữu cơ.

Một giải pháp khác là dùng các loại thuốc có tính năng gần như thuốc diệt cỏ phun lên những bè mảng lục bình để diệt và hạn chế lục bình phát triển. Đồng thời có thể giải quyết triệt để vấn đề lục bình trong nhiều năm nhưng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và nguồn nước, do đó giải pháp này ít có tính khả thi.

bèo lục bình

Về lâu dài, cần đầu tư đóng mới phương tiện thủy chuyên dùng có trang bị hệ thống băng tải vớt lục bình đưa lên cắt băm nhỏ bằng máy, ép thành khối bằng máy ép sau đó đưa về nơi tập kết thanh thải.

Các thiết bị này bố trí trên một phương tiện thủy và hoạt động nhịp nhàng với nhau theo một dây chuyền tự động khép kín hoặc bán tự động. Ưu điểm của phương pháp này là mỗi chuyến có thể vớt và thanh thải một khối lượng lục bình lớn rồi mới đưa về nơi tập kết thanh thải tại những vị trí đã được quy hoạch trước.

Các sản phẩm lục bình sau khi thanh thải có thể tận dụng ủ làm phân hữu cơ. Phương pháp này có tính hiện đại hóa cao và đồng bộ, tiết kiệm được thời gian, giải quyết một phần phân bón hữu cơ cho đồng ruộng, cải thiện được môi trường, đồng thời năng suất thanh thải rất cao.

Trên địa bàn 2 tỉnh Long An và Tây Ninh hiện nay đã có 5 doanh nghiệp đưa ra biện pháp xử lý lục bình. Mức đầu tư thấp nhất khoảng 1,5 tỷ đồng của Công ty TNHH L.C, mức cao nhất của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thanh Sơn dự kiến 9,5 tỷ đồng.

(Theo Infonet)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu