Khi bị giải tỏa giao đất để khai thác mỏ đất sét, người dân nơi đây được đền bù 8.000-12.000 đồng/m2, chưa đủ để mua 2 kg gạo. Dân không đồng tình với đơn giá này lập tức bị cưỡng chế. Những vườn cây trái xum xuê giờ chỉ còn là những thân cây khô, trơ gốc.
Ấp Phú Thạnh, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là khu đất đẹp, nằm trong dự án quy hoạch đô thị mới Phú Mỹ. Ông Ngô Văn Năm, 71 tuổi, là người có mặt đầu tiên tại vùng đất này để khai hoang, lấy đất canh tác và sinh sống ổn định. Trong dự án, gia đình ông bị giải tỏa gần 2 ha đất: "Khi biết khu đất mình bị giải tỏa, tôi không phản đối gì, nhưng vì áp giá cho khu đất của tôi và bà con quá thấp để phục vụ cho lợi ích kinh doanh của một công ty nên chúng tôi phải khiếu nại. Vậy mà, khiếu nại của chúng tôi chưa được giải quyết thấu đáo, chính quyền đã mang xe, lực lượng đến cày ủi, san bằng tất cả vườn tược".
Theo tính toán của ông Phan Văn Kiên, một người dân có đất vườn bị giải tỏa, với 1 m2 đất, người dân được đền bù 12.000 đồng và một ít phụ cấp tổng cộng chưa đến 50.000 đồng/m2. Trong khi đó với 1 m2 đất, công ty này chỉ khai thác đất thịt (chưa tính khai thác đất sét nằm sâu 15 m dưới lòng đất thịt) thì tổng thu nhập đã là hơn 600.000 đồng/m2. "Chính quyền thấy được điều này, vậy tại sao ép chúng tôi, không thỏa thuận để công ty làm ăn có lãi, người dân không quá thiệt thòi và chính quyền cũng không phải tốn kém công sức, tiền bạc vì khiếu nại của dân?", ông Kiên nói.
Ông Lê Đức Hiện cho biết, dù là đất nông nghiệp nhưng bên cạnh diện tích đất của gia đình ông bị giải tỏa (12.000 đồng/m2), người hàng xóm bán giá thị trường 400.000 đồng/m2. "Tiền giải tỏa 1 ha đất mà mua lại chưa được 300 m2 ngay sát bên cạnh đất của mình. Những vườn cây xanh tươi này nếu bán "ngọn" cũng được vài chục triệu đồng, sau khi bị cưỡng chế chỉ còn là những cây gỗ vụn...", ông Hiện nói.
Ông Lê Lợi, một người dân khác, thì đưa ra một số vấn đề mà theo ông là sai luật của chính quyền địa phương. Thứ nhất là người dân chưa hề ký vào bất kỳ văn bản nào liên quan đến đền bù, giải tỏa, chưa ký nhận tiền nhưng sau đó là bị cưỡng chế. Thứ hai, việc khiếu nại của người dân chưa giải quyết xong đã tiến hành cưỡng chế, như vậy không đúng luật khiếu nại tố cáo.
Bà Bùi Thị Túy Phượng, Trưởng ban Đền bù giải tỏa huyện Tân Thành, giải thích, giá cả mức chung do UBND tỉnh quy định nên huyện phải thi hành. Cũng theo bà Phượng, trong số 22 hộ dân bị giải tỏa thì có 12 hộ dân đã ký vào các giấy tờ, chỉ có 10 hộ phản đối là không ký và huyện phải cưỡng chế kê biên tài sản và sau đó là cưỡng chế. "Khi tiến hành cưỡng chế, chúng tôi cũng được sự đồng thuận của UBND tỉnh, và chúng tôi tiến hành đúng theo các trình tự pháp luật", vị trưởng ban đền bù giải tỏa huyện khẳng định.
Tuy nhiên, khi được hỏi về các văn bản giải quyết khiếu nại của người dân trước khi cưỡng chế, bà Phượng giải thích, Ban đền bù giải tỏa không có, chỉ có Thanh tra huyện có. Một điều đáng lưu ý nữa là mặc dù ngày 15/6 UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có công văn yêu cầu Thanh tra tỉnh kiểm tra toàn bộ khiếu nại của các hộ dân thì đến ngày 18/6, tức 3 ngày sau, UBND huyện Tân Thành tiến hành cưỡng chế.
Theo nhiều người dân tại khu vực, khai thác đất sét này chỉ là để "xí phần", vì biến khu đất trong lòng khu dân cư, sát vách chung cư cao tầng thành một cái ao khổng lồ sâu 16 m, rộng đến 175.000 m2 là điều không phù hợp với quy hoạch của một khu đô thị. Hiện Thanh tra Chính phủ đã bắt tay thanh tra toàn bộ sự việc liên quan đến đơn giá đến bù và trình tự thủ tục cưỡng chế các hộ dân này.
(Theo Thanh Niên)