SearchNews

“Gập ghềnh” con đường phát triển nhà thu nhập thấp

22/10/2011 11:05

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, thời gian đầu, nhiều địa phương đã đề xuất nhu cầu đầu tư cho giai đoạn 2009 - 2015 là 189 dự án, quy mô là 166.390 căn hộ, đáp ứng cho khoảng 700.000 người. .

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, thời gian đầu, nhiều địa phương đã đề xuất nhu cầu đầu tư cho giai đoạn 2009 - 2015 là 189 dự án, quy mô là 166.390 căn hộ, đáp ứng cho khoảng 700.000 người.

Riêng trong hai năm 2009 -2010, các doanh nghiệp đã đăng ký 150 dự án, quy mô xây dựng 5.659.740 m2 sàn, số vốn đầu tư 22.738 tỷ đồng, hoàn thành 152.372 căn hộ, đáp ứng cho 640.000 người...

Thế nhưng, sau hơn 2 năm triển khai, đến nay, mới có 39 dự án (chỉ đạt 26% so với dự kiến) được khởi công xây dựng, với tổng mức đầu tư khoảng 3.878 tỷ đồng, tổng diện tích sàn là 785.500 m2, đáp ứng cho khoảng 66.900 người thu nhập thấp. Đặc biệt, trong số 39 dự án này, hiện mới có 1.714 căn hộ hoàn thành, đáp ứng cho khoảng 6.800 người, chỉ đạt 1% so với kế hoạch đề ra.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện chính sách xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay mới hoàn thành được 1% mục tiêu đề ra. Trái ngược với hình ảnh "đẹp như mơ" mà các cơ quan quản lý "vẽ" ra và được giới truyền thông tung hô nhiệt tình, cho đến thời điểm này, chính sách xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp đang có nguy cơ đổ vỡ khi các địa phương thì "nói mà không làm", doanh nghiệp thì chẳng mặn mà vì gặp quá nhiều khó khăn thi tham gia thực hiện, còn người có thu nhập thấp cũng "ngoảnh mặt làm ngơ" vì giá nhà cao ngoài tầm với.

Khó bán

Năm 2010, khi những sản phẩm nhà thu nhập thấp đầu tiên là tòa nhà CT1 ở Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông hoàn thành và tiến hành chào bán, đã có hàng ngàn đơn xin đăng ký mua. Khi đó, Hà Nội đã ban hành những tiêu chí cho đối tượng thu nhập thấp được mua nhà rất ngặt nghèo. Thế nhưng, những thông tin tại dự án nhà thu nhập thấp CT1 Ngô Thì Nhậm lại được rao bán đầy rẫy trên mạng hay trên các trang quảng cáo rao vặt. Tại thời điểm đó, mức giá rao bán các căn hộ này so với giá gốc chênh từ 2,5 đến 3 lần (20 - 23 triệu đồng/m2 so với 8,8 triệu đồng/m2). Đây cũng là mức giá tương đương với các dự án nhà ở thương mại gần khu vực có dự án. Khoảng cách chênh lệch về giá tỷ lệ thuận với lợi nhuận chính là lý do khiến nhiều đối tượng cố tình lợi dụng để trục lợi.

Thế nhưng "gió đã đổi chiều" kể từ khi thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, giá căn hộ chung cư liên tiếp sụt giảm, dẫn đến một thực tế đáng buồn là nhà thu nhập thấp rơi vào tình trạng ế ẩm. Đơn cử như tại dự án nhà thu nhập thấp Đặng Xá, đợt bốc thăm nhận quyền mua nhà thứ nhất, chủ đầu tư chỉ nhận được trên 300 hồ sơ hợp lệ. Nhưng đến khi chính thức ký hợp đồng mua bán thì chỉ có khoảng 200 hồ sơ. Đến lần bốc thăm thứ 2, chủ đầu tư cũng chỉ nhận được hơn 400 hồ sơ mua nhà, trong khi số lượng căn hộ còn tới hơn 700 căn. Do đó, những hồ sơ đủ điều kiện đều được mua nhà ngay mà không cần bốc thăm, không có tỷ lệ "đấu chọi", người dân chỉ phải bốc thăm vị trí căn hộ. Dù đã trải qua 2 lần bốc thăm mua nhà nhưng Dự án vẫn còn trống trên 300 căn nữa, sẽ được bán tiếp trong đợt 3. Đặc biệt, những hồ sơ chỉ đạt 70 điểm cũng có quyền mua nhà ngay, trong khi với những dự án nhà thu nhập thấp được bán trước đó, số điểm yêu cầu là 90. Nguyên nhân của tình trạng trên là giá bán quá cao, người thu nhập thấp không thể tiếp cận được.

Khó xây

Khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp tham gia thực hiện chính sách xây nhà thu nhập thấp là thiếu vốn. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, qua rất nhiều "vòng đàm phán", mới chỉ có 5 dự án được vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với tổng số vốn vay 740 tỷ đồng, đạt 19% so với số vốn của các dự án đã khởi công.

Ông Bùi Đức Long, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn xây dựng và phát triển nhà Vincoland cho rằng, quá khó để có thể vay được vốn của VDB. "Những quy trình thủ tục vay quá nhiêu khê cũng đồng nghĩa với việc dự án không được vay vốn. Và nếu dự án nhà thu nhập thấp không được vay vốn ưu đãi, thì sẽ không có nhà giá rẻ cho dân", ông Long nói.

Ở một khía cạnh khác, ông Trần Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera cũng phản ánh: "Đất giao cho doanh nghiệp đầu tư dự án, không giao quyền sử dụng đất nên không có sổ đỏ. Vướng mắc này chưa được giải quyết nên VDB chưa cho vay. Nếu không vay được từ VDB mà phải vay với lãi suất cao từ ngân hàng khác thì giá thành căn hộ sẽ bị đẩy lên và người thu nhập thấp không thể mua được nhà".

Huy động vốn để xây dựng với chi phí cao, nhưng lại không bán được sản phẩm, rất nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở thu nhập thấp đang rơi vào tình trạng thua lỗ, phá sản và chương trình xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp có nguy cơ đổ bể, dù mới đang trong giai đoạn thí điểm đợt 1.

(Theo ĐTCK)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu