Công ty Lương thực cấp I Lương Yên đề nghị Hà Nội cho chấm dứt hoạt động bến xe Lương Yên từ ngày 1/7 và giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng Việt Nam.
Công ty Lương thực cấp I LươngYên đề nghị Hà Nội cho chấm dứt hoạt động bến xe Lương Yên từ ngày 1/7 và giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng Việt Nam xây dựng công trình hỗn hợp chỉ sau 8 năm khai thác.
Bến xe thành công trình hỗn hợp
Bến xe Lương Yên thuộc Công ty Lương thực cấp I Lương Yên là mô hình xã hội hóa được xây từ năm 2004, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong khu vực nội thành. “Từ khi đi vào hoạt động đến nay bến xe hoàn thành nhiệm vụ xứng đáng là bến xe kiểu mẫu, văn minh, lịch sự”, ông Trần Ngọc Thiều, Giám đốc Công ty cho biết.
Bến xe Lương Yên sẽ hết hạn hoạt động theo cấp phép của Sở GTVT từ ngày 30/6 tới. Đầu tháng 6 vừa qua, Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc yêu cầu chi nhánh của mình - Công ty Lương thực cấp I Lương Yên không xin gia hạn và chấm dứt hoạt động của bến xe Lương Yên.
“Liên danh chủ đầu tư dự án tổ hợp công trình tại số 3 Lương Yên đã có cuộc họp về tình hình triển khai dự án, trong đó các bên đã thống nhất không tiếp tục xin gia hạn cho bến xe nhằm tạo điều kiện mặt bằng xây dựng”, ông Phạm Ngọc Bằng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương Thực miền Bắc cho biết.
Chính vì vậy, ngày 6/6, Công ty Lương thực cấp I LươngYên (đơn vị chủ quan bến xe Lương Yên) có văn bản gửi Sở GTVT Hà Nội “xin chấm dứt hoạt động của bến xe tạm” này kể từ ngày 1/7 tới đây bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư - Tổng Công ty Lương thực Miềm Bắc xây dựng công trình hỗn hợp, chỉ sau 8 năm khai thác.
Xóa bến nhà xe bơ vơ
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, khu đất bến xe Lương Yên đã được UBND Hà Nội phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng, bến xe Lương Yên phải di dời là đúng quy định. Tuy nhiên, việc di dời bến xe nên có lộ trình để các doanh nghiệp có thời gian thực hiện và Sở GTVT Hà Nội có thời gian sắp xếp xe sang các bến khác.
Hơn nữa, các doanh nghiệp vận tải cần phải thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật như khảo sát chọn bến xe, hiệp thương giờ xuất bến cho phù hợp với lộ trình bến đến, xây dựng phương án sản xuất, khinh doanh và làm thủ tục đăng ký với Sở GTVT, xây dựng giá thành vận tải để đăng ký giá cước vận tải, in vé, cấp vé cho các bến xe, xin cấp phù hiệu tuyến cố định và Sổ nhất trình, hướng dẫn lái xe quen lộ trình. Với hành khách, cần phải thông báo rộng rãi cho nhân dân biết....
“Nếu thực hiện đóng bến từ ngày 1/7 tới thì xe không biết đi đâu? Khi thành lập bến xe thì bến xe mời chào các doanh nghiệp và khách vào bến, lúc đóng bến thì đột ngột, không nhẽ phải dùng đến biện pháp “cưỡng chế” thu hồi đất, để xe chạy dù vòng vo đón khách”, ông Bùi Danh Liên băn khoăn.
Chính vì vậy, ông Liên kiến nghị UBND Hà Nội, Sở GTVT hiệp thương với Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Công ty Lương thực Lương Yên kéo dài hoạt động của bến xe Lương Yên. Hơn nữa, ông Liên cho rằng, diện tích bến tạm hiện nay nằm ở phía Bắc khu đất 5.000m2 được quy hoạch làm bãi đỗ xe cao tầng, không ảnh hưởng đến mặt bằng 14.228m2 ở phía Nam để xây dựng công trình hỗn hợp cao tầng được thực hiện trong giai đoạn I.
Ông Liên rất mong các cơ quan xem xét giải quyết nhằm tháo gỡ khó khăn cho Sở GTVT Hà Nội, các doanh nghiệp vận tải góp phần ổn định sản xuất kinh doanh và an ninh xã hội.
Ngày 10/9/2009, UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương cho nghiên cứu lập và thực hiện dự án tại số 3 Lương Yên - khu vực bến xe (Bạch Đằng, Hai Bà Trưng). Đến ngày 20/1/2012 của UBND thành phố cho phép Tổng Công ty lương thực miềm Bắc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại số 3 Lương Yên. |
(Theo Dân trí)