SearchNews

Hà Nội "học" Đà Nẵng xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo

04/07/2012 14:31

Sau Đà Nẵng, Hà Nội đặt kế hoạch cuối 2011 sẽ xử lý xong nhà siêu mỏng, siêu méo. Tuy nhiên, đến nay hàng trăm ngôi nhà kỳ dị vẫn nằm chềnh ềnh trên các tuyến phố chính. 

Sau Đà Nẵng, Hà Nội cũng đặt kế hoạch cuối 2011 sẽ xử lý xong toàn bộ các ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo. Tuy nhiên, đến nay hàng trăm ngôi nhà kỳ dị vẫn nằm chềnh ềnh trên các tuyến phố chính. Câu hỏi đặt ra là tại sao Đà Nẵng làm được còn Hà Nội thì không?

Thời điểm này mặc dù đã quá hạn chót từ 6-7 tháng cho các quận, huyện của Hà Nội "trảm" xong các ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo nhưng hiện tại trên nhiều tuyến phố của Thủ đô, các ngôi nhà siêu mỏng, diêu méo, dị kỳ vẫn nằm chềnh ềnh trên các tuyến đường chính.

nhà siêu mỏng siêu méo

Cách đây 2 năm, tại kỳ họp HĐND cuối năm 2010, bức xúc trước vấn nạn nhà siêu mỏng, siêu méo đang mỗi ngày một “nở rộ” trên các tuyến phố chính làm xấu bộ mặt đô thị Thủ đô. Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi: Cùng một vấn đề, tại sao Đà Nẵng giải quyết được nhà siêu mỏng mà Hà Nội không làm được?

Khi đó, không riêng Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Văn Hải mà cả Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Phí Thái Bình đều khẳng quyết tâm giải quyết tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo và lộn xộn quy hoạch, như Đà Nẵng đã từng làm được. Tuy nhiên, đến nay đã quá hạn chót tới hơn nửa năm, Hà Nội vẫn còn gần 400 ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại trên các tuyến phố chính.

Điều đáng nói là, theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm qua, thành phố đã “xoá” sổ được 244 ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo nhưng theo quan sát của PV, thời điểm này trên nhiều tuyến phố chính: Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Cửa Nam, Bà Triệu… vẫn tồn tại những ngôi nhà có diện tích nhỏ xíu như “hộp diêm”, mỗi căn chỉ rộng khoảng 70cm cao khoảng 2m….

Từ Hà Nội, nhìn qua thành phố Đà Nẵng có thể thấy: thời gian qua, tại Đà Nẵng có khá nhiều tuyến phố mới được hình thành như Ngô Quyền, Lê Duẩn, Điện Biên Phủ… nhưng tại các tuyến đường mới mở này, nhà cửa đều được xây dựng khá quy củ, ngăn nắp và hầu như không thấy bóng dáng các căn nhà siêu mỏng, siêu méo. Vậy đâu là nguyên nhân?.

“Thuốc” trị nhà siêu mỏng, siêu méo của Đà Nẵng

Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, trong nhiều năm qua, thành phố chủ trương khi giải tỏa mở đường sẽ kết hợp thu hồi đất hai bên để sắp xếp lại đô thị đồng bộ. Nhà cửa phải xây dựng mới theo quy hoạch trên các lô đất có diện tích trung bình 80-100 m2. Các miếng đất dưới 40 m2 sẽ được thu hồi để xử lý theo quy hoạch (mở đường nội bộ cho khu dân cư phía sau, ghép thửa…).

Thậm chí, ngay từ năm 2006 Đà Nẵng đã thực hiện nghiêm Quyết định 19 của UBND TP quy định quản lý quy hoạch xây dựng. Theo đó, diện tích đất ở mặt phố nhỏ hơn 40 m2 không được xây quá hai tầng. Các trường hợp tồn tại trước khi có quyết định này chỉ cải tạo nguyên trạng, không được nâng tầng.

nhà siêu mỏng siêu méo

Tuy nhiên, Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng xét cụ thể từng trường hợp để báo cáo UBND TP quyết định. Chẳng hạn, trên một mặt phố đã có nhà ba tầng ở hai bên, ở giữa có cái nhà diện tích nhỏ hơn 40 m2, song bề ngang vẫn đảm bảo 4 m. Nếu theo nguyên tắc chỉ cho xây 1-2 tầng thì sẽ cái cao, cái thấp. Còn nếu cho họ xây ba tầng bằng hai nhà bên cạnh thì sẽ hài hòa với cảnh quan chung. Nhờ phương án điều hành linh hoạt trên, Đà Nẵng đã tránh được những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo, lãnh đạo TP Đà Nẵng cho hay ban đầu cũng có nhiều người không ủng hộ việc mở đường kèm theo thu hồi đất hai bên để khai thác quỹ đất. Lý do là họ cho rằng như thế chỉ người giàu mới được ở mặt tiền.

“Chúng tôi phải giải thích thành phố đầu tư phát triển giao thông vừa để chỉnh trang đô thị, vừa tạo quỹ đất để khai thác và tái đầu tư cho chỉnh trang đô thị nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân” Chủ tịch thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh nói.

Theo ông Minh, điều quan trọng là phải tạo được sự đồng thuận để người dân ủng hộ chủ trương chung. Muốn vậy thì xây dựng hạ tầng giao thông - chỉnh trang đô thị - khai thác quỹ đất phải đồng bộ. Còn nếu chỉ chăm chăm mở đường để bán đất thì chắc chắn sẽ không ai ủng hộ. Người dân không đong đếm chi li là vì thấy trong sự phát triển của thành phố có công sức của họ.

Còn Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng Nguyễn Điểu cho biết, trong công tác chỉnh trang đô thị, thành phố thực hiện khá thành công phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Người dân tự nguyện hiến một phần đất và nhà nước đầu tư kinh phí mở rộng đường. Nhờ vậy giá trị của mảnh đất đó tăng lên nhiều lần, vẫn đảm bảo quyền lợi của người dân mà đô thị ngày càng khang trang. Đó chính là cơ sở để tạo nên sự đồng thuận, tránh được những ngôi nhà không như ý muốn.

Bài liên quan:

Cận cảnh nhà siêu mỏng, siêu méo ở thủ đô

> Thu hồi 41 trường hợp nhà siêu mỏng

> Hà Nội: Siêu chậm xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo

> Hệ lụy từ những chung cư siêu mỏng tại Tp.HCM

> Năm 2012: Hà Nội xây mới 2,5 triệu m2 nhà ở

> Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo”

(Theo VnMedia)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu