SearchNews

Hà Nội lập phương án giãn dân nội thành

12/05/2011 09:08

Tại khu vực nội thành Hà Nội cũ sẽ hạn chế xây dựng nhà cao tầng, không bố trí xây thêm các bệnh viện, trường đại học và hạn chế cải tạo nâng công suất công trình dịch vụ đô thị công cộng.

Tại khu vực nội thành Hà Nội cũ sẽ hạn chế xây dựng nhà cao tầng, không bố trí xây thêm các bệnh viện, trường đại học và hạn chế cải tạo nâng công suất công trình dịch vụ đô thị công cộng.

Sáng 11/5, lãnh đạo Hà Nội đã bàn thảo về chương trình đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị giai đoạn 2011-2015. Hàng loạt chỉ tiêu của thành phố được đưa ra như xây mới 12-15 triệu m2 nhà ở, vận tải khách công cộng đáp ứng 35-40% nhu cầu đi lại của người dân, diện tích cây xanh đạt bình quân 7 m2 mỗi người...

Ngoài ra, thành phố đưa ra những quan điểm xây dựng đô thị như đẩy nhanh tiến độ các khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với hạ tầng xã hội, dịch vụ đô thị. Trong đó hạ tầng kỹ thuật phải đi trước một bước, coi trọng xây dựng nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp.

Tại khu vực nội thành cũ sẽ hạn chế xây dựng nhà cao tầng, không xây thêm bệnh viện, trường đại học trong nội thành, hạn chế nâng công suất công trình dịch vụ công cộng. Thay vào đó thành phố đầu tư các cơ sở dịch vụ thương mại, giáo dục, y tế, văn hóa, vui chơi giải trí... tại các khu đô thị mới và ngoại thành để tạo sức hút dân cư, giảm mật độ dân sống trong nội thành. Thành phố sẽ ưu tiên đầu tư ra ngoại thành với các khu đô thị, khu công nghiệp có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội hiện đại.

Đặc biệt, chung cư cũ sẽ được cải tạo và chỉnh trang lại cùng với các tuyến phố cũ theo hướng văn minh, đảm bảo vệ sinh môi trường và hạn chế tăng áp lực dân số trong nội thành.

nhà chung cư

Tại cuộc họp, đại diện sở ngành và quận huyện đã mổ xẻ công tác quy hoạch, quản lý đô thị còn bất cập của Hà Nội. Theo ông Lê Hồng Thăng, Bí thư quận ủy Hà Đông, hạn chế xây nhà cao tầng tại nội thành cũ là chưa chính xác mà cần chỉnh sửa là không xây nhà thương mại cao tầng, thành phố vẫn cần tập trung xây nhà tái định cư hoặc cải tạo chung cư cũ thành nhà cao tầng cho người dân hiện tại.

Ông Thăng cũng e ngại, chợ cóc, hàng quán trên vỉa hè, lòng đường đang hoạt động khá phổ biến nên trong 5 năm tới xử lý triệt để tình trạng này là việc khó, thành phố cần đưa ra chế tài xử lý mạnh mẽ hơn.

Bí thư quận Long Biên Vũ Đức Bảo cũng cho rằng, thành phố cần tổ chức quy hoạch lại toàn bộ khu chung cư cũ để có phương án cải tạo. Bởi hiện nay các khu tập thể do doanh nghiệp tự làm quy hoạch để cải tạo chỉnh trang nên tình trạng manh mún dễ xảy ra.

Theo ông Bảo, lực lượng quản lý đô thị hiện còn chắp vá, có tâm lý ỷ lại công an. Do vậy, phải tăng đầu tư cho lực lượng quản lý đô thị cấp phường. Lãnh đạo quận Long Biên lấy ví dụ, quận này phải chi 5 tỷ đồng mỗi năm để trả lương cho 165 người chuyên nhắc nhở, xử lý vi phạm thì tình hình trật tự đô thị sau đó mới chuyển biến.

Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo thừa nhận tình trạng bất cập trong quản lý đô thị hiện nay. Ông nhận xét, các tuyến phố có kiến trúc lộn xộn, công trình mới thì lai căng của nước ngoài, không có bản sắc văn hóa, nhiều khu đô thị mới chưa đồng bộ hạ tầng xã hội, cấp thoát nước, thiếu trường học. Tại các khu đô thị, chủ đầu tư chỉ lo xây nhà ở để bán trước, không đầu tư hạ tầng xã hội, nên công tác này cần chấn chỉnh trong thời gian tới.

Chủ tịch thành phố cũng cho rằng biện pháp cải tạo chung cư cũ cũng phải thay đổi. Ví dụ dự án cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ, chủ đầu tư đã tính lỗ đến 1.600 tỷ đồng và yêu cầu thành phố hỗ trợ. Theo ông Thảo, số tiền này có thể đầu tư khu đô thị bên ngoài để giãn dân còn hơn xây dựng những tòa nhà cao 22 tầng bên trong nội đô, gây quá tải dân cư.

"Quy định về cải tạo chỉnh trang chung cư cũ sẽ phải nghiên cứu chỉnh sửa, không phải khu nào cũng được xây dựng lại thành nhà cao tầng, tăng mật độ dân cư trong khi hạ tầng quá tải", ông Thảo nói.

(Theo Vnexpress)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu