Sau một thời gian chờ đợi, ông Doanh lên UBND phường hỏi thì được cán bộ địa chính cho biết, do có sự nhầm lẫn nên UBND quận Hai Bà Trưng đã cấp cho hộ gia đình khác từ năm 2004.
Ông Đỗ Công Doanh, hộ khẩu thường trú tại phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội có đơn phản ánh, sau khi ông làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở mảnh đất tại địa chỉ số 6, ngõ 762 phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng thì phát hiện, tại vị trí này UBND quận Hai Bà Trưng đã hai lần cấp cho người khác.
Đề nghị cấp sổ đỏ, phát hiện người khác đã được cấp chủ quyền
Ông Đỗ Công Doanh cho biết, năm 2001, ông mua mảnh đất ở số 6, ngõ 762 phường Bạch Đằng từ ông Nguyễn Văn Đức. Giấy tờ mua bán có xác nhận của UBND phường Bạch Đằng. Tháng 4/2010, gia đình ông tiến hành làm hồ sơ để xin cấp sổ đỏ lên UBND phường. Hội đồng đăng ký nhà và đất ở phường Bạch Đằng thông qua hồ sơ, xác định trình UBND quận Hai Bà Trưng theo quy định.
Sau một thời gian chờ đợi, ông lên UBND phường hỏi thì được cán bộ địa chính cho biết, do có sự nhầm lẫn nên UBND quận Hai Bà Trưng đã cấp cho hộ gia đình khác từ năm 2004. ông Doanh liền gửi đơn đề nghị UBND quận Hai Bà Trưng thu hồi sổ đỏ đã cấp nhầm và cấp lại cho gia đình ông theo hồ sơ đã được UBND phường Bạch Đằng tiếp nhận.
Để làm rõ những vấn đề ông Doanh nêu, ngày 13/10, chúng tôi đã trao đổi với ông Vũ Bảo Thạch, Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng. Ông Thạch cho biết, ngày 30/9/1998, bà Hoàng Thị Mơ cùng chồng là ông Trần Đức Phôi ở số nhà 32 Đồng Nhân B (số mới: 6, ngõ 762 Bạch Đằng) có đơn xin cấp GCNQSDĐ tại thửa đất số 76, tờ bản đồ 6I-II-38, diện tích sử dụng là 163,8m2.
Ngày 27/10/2001, Hội đồng đăng ký nhà ở và đất ở phường Bạch Đằng đã họp và thông qua hồ sơ kê khai của bà Mơ và xác định đủ điều kiện trình UBND quận Hai Bà Trưng cấp giấy chứng nhận. Ngày 13/9/2004, UBND quận Hai Bà Trưng có Quyết định số 110/QĐ-UB về việc cấp GCNQSDĐ cho bà Hoàng Thị Mơ cùng chồng là ông Trần Đức Phôi. Sau đó, bà Mơ đã chuyển nhượng cho 3 người, với 3 phần diện tích khác nhau. Cụ thể: ông Nguyễn Sơn Nam 51m2; ông Bùi Minh Thành 49m2; ông Bùi Xuân Sinh 63,8m2.
Ngày 20/3/2006, UBND quận Hai Bà Trưng ra quyết định số 26/QĐ - UB cấp GCNQSDĐ cho 3 hộ gia đình trên căn cứ theo Hợp đồng mua bán nhà ở số 255.2006/HĐMBN ngày 25/2/2006. Diện tích đất mà ông Đỗ Công Doanh đề nghị cấp GCNQSDĐ trùng với vị trí đất của ông Bùi Xuân Sinh.
Xem xét lại việc cấp GCNQSDĐ
Việc mua bán của ông Doanh diễn ra từ năm 2000, vậy mà năm 2004 bà Mơ được cấp sổ đỏ tại thửa đất có cả phần diện tích mà ông mua. Đến năm 2006, một lần nữa mảnh đất mà ông Doanh mua lại được cấp quyền sở hữu cho ông Bùi Xuân Sinh. Tất cả những việc làm trên ông Doanh không hay biết nên năm 2010 mới làm thủ tục đề nghị cấp sổ đỏ nên đã phát hiện sự việc nêu trên.
Sau khi nhận được phản ánh của ông Doanh, UBND phường Bạch Đằng xác minh thì thấy, ngày 25/5/2001, UBND phường đã kê khai nhà ở, đất ở cho ông Doanh sau khi ông này có đơn xin xác nhận. Bẵng đi khoảng 10 năm, ông Doanh nộp hồ sơ xin cấp sổ đỏ và ngày 22/4/2010, UBND tiếp nhận đơn.
Theo UBND, nguồn gốc đất của ông Doanh được xác định là: Ngày 15/1/2000, ông Trần Đức Long (con trai bà Mơ) cùng vợ là bà Hoàng Thị Hương lập hợp đồng chuyển nhượng lại cho bà Trần Thị Hoàng Yến. Ngày 20/5/2000, bà Yến chuyển nhượng lại cho ông Nguyễn Văn Đức. Ngày 5/10/2000, ông Đức chuyển nhượng lại cho ông Đỗ Công Doanh. Tất cả giấy tờ mua bán trên đều là giấy tờ viết tay, chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.
Trong khi thửa đất mà ông Doanh đề nghị cấp sổ đỏ đã được cấp cho người khác thì ngày 8/6/2010, Hội đồng xét cấp GCNQSDĐ phường Bạch Đằng xác định hồ sơ hộ gia đình ông Doanh đủ điều kiện cấp sổ đỏ. Và rồi, ngày 20/7/2010, Văn phòng Đăng ký đất và nhà quận Hai Bà Trưng có công văn trả lời, vị trí đề nghị cấp sổ đỏ trùng với phần bà Mơ bán cho ông Sinh.
Ngày 14/10, trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Hải, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường, UBND quận Hai Bà Trưng cho biết: Nếu việc cấp GCNQSDĐ cho bà Mơ (năm 2004) và ông Sinh (năm 2006) là đúng thì phản ánh của ông Doanh là sai. Để biết việc cấp GCNQSDĐ cho bà Mơ, ông Sinh là đúng hay sai cần thẩm định lại quy trình xét duyệt, hồ sơ địa chính để biết tại thời điểm xét duyệt có việc bà Mơ ủy quyền cho con trai là ông Long bán một phần diện tích và việc mua bán này là đúng quy định của pháp luật hay không. Căn cứ để biết là dựa trên giấy tờ pháp lý như xác nhận mua bán của UBND phường, cơ quan công chứng, hồ sơ quản lý địa chính…
Nếu sai, UBND quận Hai Bà Trưng sẽ thu hồi lại GCNQSDĐ đã cấp và cấp lại cho ông Doanh. Còn nếu đúng, khiếu nại của ông Doanh không có căn cứ. Lúc này, tranh chấp giữa ông Doanh và những người liên quan trong việc mua bán thửa đất nêu trên sẽ đưa ra cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Trong khi chờ đợi cơ quan có thẩm quyền kết luận đúng, sai và đưa ra biện pháp xử lý, chúng tôi thấy cần phải cảnh báo những người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở là trước khi mua bán cần đến cơ quan Nhà nước như UBND phường, Văn phòng đăng ký nhà ở. Đó là Phòng Tài nguyên Môi trường, phòng "một cửa" tại các quận, huyện… để tìm thông tin về thửa đất, ngôi nhà mình có ý định mua.
Việc mua bán cũng cần thông qua chính quyền địa phương để đảm bảo tính hợp lệ và cũng là căn cứ để cơ quan quản lý Nhà nước về nhà đất biết rõ thực trạng nhà đất nhằm phục vụ công tác quản lý đúng quy định của pháp luật. Không nên mua bán nhà đất kiểu trao tay, để hạn chế thấp nhất những tranh chấp
(Theo CAND)