Cả trăm hộ dân tổ 18, 19 (nguyên là thôn Gia Thượng), phường Ngọc Thụy, quận Long Biên đang bức xúc trước việc UBND quận chuẩn bị triển khai dự án làm 2 tuyến đường... hoành tráng tại đây.
Vì để thực hiện dự án, một con đường khá đẹp, mới sử dụng vài năm nhiều khả năng bị "lãng quên" và ao làng lớn nhất địa phương bị "khai tử".
Ao bị lấp, 3 đường lớn song song trên địa bàn 2 km2?
Theo Quyết định của UBND quận Long Biên, cuối năm nay, có 2 dự án xây hai tuyến đường tại phường Ngọc Thụy, với tổng chiều dài hơn 1.000m, tổng diện tích trên 23.000m2 và tổng vốn đầu tư dự kiến chừng trên 100 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, UBND quận sẽ đầu tư tuyến đường từ đê Gia Thượng đến trạm y tế phường Ngọc Thụy, dài 722m và tuyến đường nối từ tuyến số 4 đến hết khu đấu giá phường Ngọc Thụy, dài 542m. Hai tuyến đường này đều rộng 17,5m (gồm mặt đường là 7,5m và hè đường mỗi bên là 5m).
Trong khi đó, Ngọc Thụy hiện có đường 268, trải nhựa rộng 7,5m, vỉa hè rộng 1 - 2m, được đưa vào sử dụng vài năm nay. Tuyến đường theo dự án mới chỉ cách tuyến đường 268 từ 60m đến 80m và chạy gần như song song với đường 268, đều trải nhựa có lòng rộng 7,5m. Nếu dự án được triển khai, kể cả đường chân đê, Ngọc Thụy sẽ có tới 3 đường chạy song song cách nhau không xa.
Khi thực hiện các tuyến đường, ao Lão, một ao lớn cuối cùng, có diện tích chừng 7.000m2, được coi là "lá phổi" của thôn Gia Thượng sẽ bị san lấp, làm khu tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất làm đường.
Cả trăm hộ dân không đồng tình
Thông tin về hai dự án trên khiến nhiều hộ dân địa phương, đặc biệt là cả trăm hộ dân tổ 18, 19 bức xúc. Theo ông Trần Nguyên, số 63, ngõ 268, tổ 18, phường Ngọc Thụy, việc xây dựng, mở mang đường là điều tốt. Tuy nhiên, ông Nguyên cho rằng: "Đây chỉ là dự án làm đường trong mấy tổ dân phố. Nếu triển khai, gần 100 hộ gia đình sẽ bị xáo trộn sinh hoạt, tâm lý, lãng phí gần 10.000 m2 đất ở và bỏ một con đường mới, đẹp...".
Ông Nguyễn Thiên Hùng, Bí thư chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố 18, phường Ngọc Thụy đồng quan điểm. Theo ông Hùng, việc thực hiện tuyến đường mới sẽ không tận dụng, khai thác được hết công năng của tuyến 268, lãng phí hơn 10.000 m2 đất, lãng phí vốn ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng. Ở một địa bàn diện tích chỉ trên 2 km2, nhiều hộ vẫn làm ruộng, mà có nhiều đường... hoành tráng như vậy là không thiết thực với dân sinh.
"Gia Thượng nói chung, tổ dân phố 18 nói riêng còn rất nhiều đường đất, mưa xuống là lầy lội vì không có hệ thống thoát nước... Nếu điều chỉnh 2 tuyến đường của dự án chắc chắn sẽ tiết kiệm ít nhất đủ số tiền để nâng cấp, cải tạo các con đường đất này", ông Hùng nói.
Bí thư chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố 18 kiến nghị thêm, quận Long Biên nên điều chỉnh một tuyến đường có đoạn đi qua khu vực ít nhà người dân, chủ yếu là đất vườn, nhằm tiết kiệm đất, vốn đầu tư, vì số hộ phải đền bù, tái định cư sẽ ít hơn; tuyến còn lại "tránh" ao Lão để đảm bảo giữ được "lá phổi của làng"...
Ông Hùng viện dẫn, Thành ủy Hà Nội đã có Công văn số 118 về Chỉ đạo xử lý vi phạm trật tự xây dựng (ký ngày 10/4/2009) và Công văn số 162 về Chỉ đạo công tác quản lý đô thị (ký ngày 11/6/2009) đều có nội dung: "kịp thời ngăn chặn, xử lý tình trạng lấn chiếm, san lấp hồ, ao trên địa bàn".
Việc lấp ao phục vụ xây đường là trái với chủ trương của Thành ủy Hà Nội, ông Hùng và nhiều người dân phường Ngọc Thụy nhận định.
Chính quyền quận Long Biên quyết làm theo quy hoạch?
Trước những ý kiến của người dân trong cuộc họp tại trụ sở UBND phường Ngọc Thụy, mới đây, ông Đỗ Huy Chiến, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên, cho biết, hai con đường sắp triển khai xây dựng trên địa bàn được đầu tư theo quy hoạch, theo chủ trương chung, đã được nghiên cứu kỹ và được thành phố phê duyệt. "Khi thực hiện theo quy hoạch thì phải có tọa độ, mốc giới... nên không thể dịch đi đâu được", ông Chiến khẳng định.
Ông Chiến cho biết thêm, hơn 30 hộ dân sẽ phải tái định cư và hơn 50 hộ sẽ phải cắt xén đất phục vụ làm đường theo các dự án. Lãnh đạo quận đã đồng ý để người dân về tái định cư ở vị trí ao Lão. "Đường theo quy hoạch 17,5m, người dân sẽ mất một số đất nhưng lại có lợi thế mặt đường. Hiện mật độ người, xe chưa đông, nhưng 5-10 năm sau sẽ khác. Dự án theo quy hoạch để đáp ứng nhu cầu thế hệ sau", Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên phân tích.
Tuy nhiên, nhiều người dân phường Ngọc Thụy không đồng tình với giải thích của đại diện lãnh đạo quận Long Biên.
Các ý kiến cho rằng, quy hoạch là phục vụ người dân, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội, nếu nói quy hoạch bất di bất dịch không hoàn toàn đúng. Các đường theo dự án mới tại Ngọc Thụy bản chất là đường dân sinh, không phải đường quốc lộ, nơi mật độ dân cư còn thưa thớt. Nếu làm thêm đường gần như song song, chỉ cách đường hiện hữu vài chục mét mới sử dụng chừng 3 năm (có đầy đủ hệ thống chiếu sáng, thoát nước...); phải lấp ao hồ lớn để làm đường qua và tái định cư là không hợp lý.
(Theo Pháp Luật Việt Nam)