SearchNews

Hà Nội sắp có tuyến xe buýt khối lượng lớn

13/06/2012 15:11

Hạ tầng tuyến xe buýt nhanh khối lượng lớn (BRT) Láng Hạ - Giảng Võ dài 17,4 km và tuyến Giải Phóng dài 10,9 km sẽ được khởi công trong tháng 7.

Hạ tầng tuyến xe buýt nhanh khối lượng lớn (BRT) Láng Hạ - Giảng Võ dài 17,4 km và tuyến Giải Phóng dài 10,9 km sẽ được khởi công trong tháng 7.

Đây là dự án do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) nhằm phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị Hà Nội, khắc phục tình trạng ùn tắc.

Hai tuyến buýt nhanh BRT sắp triển khai là Láng Hạ - Giảng Võ dài 17,4 km, điểm đầu là Giảng Võ, điểm cuối là bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông); tuyến Giải Phóng dài 10,9 km với điểm đầu là thị trấn Văn Điển, điểm cuối là hồ Hoàn Kiếm.

xe buýt khối lượng lớn

Ngoài dự án xe buýt BRT, WB còn cho Hà Nội vay vốn xây dựng vành đai 2 dài hơn 6 km, nút giao thông Bưởi, đường Hoàng Quốc Việt kéo dài và đường Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê... Các dự án có tổng mức đầu tư 452,42 triệu USD (tương đương 7.238 tỷ đồng).

Tại cuộc họp chiều 12/6, đại diện WB đánh giá, mặc dù Hà Nội đã rất nỗ lực nhưng tiến độ triển khai dự án chậm, có nhiều thay đổi về thiết kế và giải phóng mặt bằng. Dự án mới giải ngân được khoảng 15% tổng số vốn sau 5 năm.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết tháng 7 sẽ khởi công xây dựng đường và trạm xe buýt BRT từ Giảng Võ đến đường Khuất Duy Tiến. Thời gian qua, dự án chậm triển khai do điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô và điều chỉnh việc khớp nối với các dự án đường sắt đô thị số 2, số 3, kéo dài tuyến đến bến xe Yên Nghĩa. Mặt khác, dự án cũng gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

xe buýt khối lượng lớn

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho rằng, thành phố quyết tâm thực hiện dự án một cách khẩn trương nhất, phấn đấu kết thúc phần xây lắp cầu đường vào cuối tháng 12 để tổ chức thông xe, thông cầu vào đầu năm sau.

Hệ thống BRT thường bố trí các xe buýt nối dài 2 thân đến 3 thân có sức chuyên chở trên 100 người. Xe buýt BRT trên thế giới thường chạy trên làn đường riêng, công suất vận chuyển ngang với đường sắt nhẹ. Các điểm đỗ có cầu vượt qua đường bảo đảm an toàn cho hành khách và kết nối với ga tàu điện ngầm và các loại hình giao thông công cộng. Mỗi điểm đỗ gồm cửa vào bến có lắp thiết bị soát vé tự động như ở các bến tàu điện ngầm. Khoảng cách giữa các bến dưới một km.
(Theo VnExpress)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu