Khu vui chơi giải trí tổng hợp Disneyland, trường đua ngựa, đua môtô được quy hoạch tại huyện Sóc Sơn. Một trung tâm giải trí về đêm quy mô lớn phục vụ khách quốc tế cũng dự kiến xây dựng cách nội đô 20km.
Theo Quy hoạch Du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Hà Nội sẽ phát triển nhiều sản phẩm du lịch như sinh thái, làng nghề, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí... Các khu vui chơi giải trí sẽ được đầu tư quy mô lớn, cấp vùng với những trò chơi hiện đại lồng ghép trò chơi dân gian cho mọi lứa tuổi. Một số khu vui chơi giải trí lớn được quy hoạch như công viên Disneyland ở Sóc Sơn, khu vui chơi giải trí khám phá thiên nhiên ở Ba Vì, khu vui chơi giải trí thể thao gắn với cá cược, trường đua ngựa và đua môtô, ôtô tại Sóc Sơn hoặc Ba Vì...
Để phục vụ khách du lịch quốc tế, trung tâm Hà Nội được quy hoạch các khu dịch vụ vui chơi giải trí chuyên đề như như vui chơi giải trí về đêm Bar street, phố ẩm thực đêm, phố dịch vụ đêm... nằm trên các tuyến phố hiện tập trung đông du khách nước ngoài như Hàng Bạc, Hàng Bè, Mã Mây... Khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ phát triển thành khu vực đi bộ và hoạt động vui chơi giải trí về đêm.
Ngoài ra, thành phố quy hoạch một khu trung tâm vui chơi giải trí về đêm theo mô hình chuyên nghiệp để phục vụ riêng khách du lịch quốc tế với các loại hình vui chơi giải trí phức hợp như trò chơi điện tử có thưởng, biểu diễn nghệ thuật… Trung tâm này có thể đặt ở khu vực ngoại ô với khoảng cách dưới 20 km.
Quy hoạch cũng xác định khu vực vành đai xanh có Trục Ba Vì - Hồ Tây cắt ngang qua, là nơi giao lưu văn hóa với những quảng trường văn hóa lớn, các cung hội nghị, cung hòa nhạc cùng hệ thống các bảo tàng và công viên cây xanh chuyên đề, nhiều công trình quan trọng và các dịch vụ du lịch gắn với các cơ sở lưu trú cao cấp để phục vụ cho khách du lịch.
Tại các huyện ngoại thành phía nam và bắc sông Hồng, 2 khu vực hạt nhân được ưu tiên phát triển là di tích Cổ Loa và đền Sóc. Hình thành hai cụm du lịch văn hóa Cổ Loa - Vân Trì, cụm du lịch văn hóa sinh thái Đồng Quan núi Sóc.
Khu vực phía tây theo trục Đại lộ Thăng Long sẽ xây dựng trung tâm là cụm du lịch Ba Vì - Suối Hai kết hợp với các điểm du lịch sinh thái gắn với văn hoá tâm linh như chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Trăm Gian, khu du lịch thể thao Đồng Mô - Ngải Sơn, Ao Vua, Khoang Xanh, Suối Hai, vườn Quốc gia Ba Vì....
Khu vực phía tây nam liên kết với các không gian du lịch phía Tây với trung tâm du lịch Viên Nam (Lương Sơn - Kim Bôi - Hòa Bình...) phát triển các loại hình sinh thái, nghỉ dưỡng quy mô 5.000 phòng.
Quy hoạch cũng xác định, đến năm 2020, du lịch Hà Nội thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường; đưa Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn, và xứng đáng là trung tâm du lịch của khu vực và cả nước.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 thu hút 3 triệu lượt khách quốc tế, 18 triệu lượt khách nội địa. Năm 2030 thu hút 4,5 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 26,8 triệu lượt khách nội địa.
(Theo VnExpress)