SearchNews

Hà Nội trên từng con phố: Phố Hàng Gai

14/12/2011 14:17

Dành một ngày trên phố Hàng Gai, cảm nhận hồn của phố bạn sẽ thấy được cả  chặng dài thời gian lịch sử như vẫn đượm trong từng ngõ ngách nơi đây

> Hà Nội trên từng con phố

Dành một ngày trên phố Hàng Gai, cảm nhận hồn của phố bạn sẽ thấy được cả chặng dài thời gian lịch sử như vẫn đượm trong từng ngõ ngách nơi đây.

phố hàng gai

Hàng Gai là một trong những tuyến phố cổ nhất Hà Nội, được xây dựng trên nền đất xưa thuộc hai phường Đông Hà và Cổ Vũ, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Phố là một đoạn của con đường đi từ Bờ Hồ đến Cửa Nam qua tuyến Hàng Bông.

Nằm ở vị trí “đắc địa”, Hàng Gai được xem là tuyến phố không thể bỏ qua đối với bất cứ du khách nào, nhất là với những ai muốn tìm cho mình những mảnh lụa mềm mại mang đậm hồn đất, hồn người kinh kỳ. 

Sáng sớm muộn trên "con đường tơ lụa"

Dường như phố Hàng Gai "tỉnh giấc" muộn hơn nhiều con phố khác ở khu phố cổ Hà Nội. Cũng dễ hiểu điều đó khi mặt hàng kinh doanh chính của phố là tơ lụa phục vụ đối tượng khách nước ngoài nên cửa hàng không cần mở thật sớm. Nhưng đó cũng là cơ hội tốt cho những ai muốn cảm nhận không khí sáng sớm trong lành đặc biệt nơi phố cổ. Ngồi nhâm nhi tách trà nóng, ngắm phố xá vào ngày, bạn sẽ có được những cảm nhận thật riêng về phố Hàng Gai.

phố hàng gai

Cũng như các phố cổ khác ở Hà Nội, những căn nhà ở phố Hàng Gai được làm so le ra mặt phố, cái thụt lùi cái nhô ra như hàm răng khểnh. Khoảng thập niên đầu thế kỷ 20, người ta mới cắt xén cho thẳng hàng. Nhà hẹp nhưng dài có khi đến bảy tám chục mét. Nhà trong phố trước kia chỉ là những ngôi nhà cổ một tầng, hoặc có gác thì cũng là chiếc gác xép gọi là kiểu “ chồng diêm”, không có cửa sổ hoặc chỉ trổ một cửa sổ nhỏ trông xuống đường. Mặt ngoài nhà đóng cửa lùa. Nhà thường hẹp bề mặt nhưng ăn sâu vào trong, có nhiều lớp, cách nhau là những khoảng sân vuông. Nhà giàu thì đất bên trong lấn sang nhà chung quanh, lớp trong đôi khi có nhà gác, có vườn hoa cây cảnh, cổng sau thông ra ngõ hoặc phố khác. Chẳng hạn nhà số 7 thông ra đường Bờ Hồ, nhà số 63 cổng sau là phố Hàng Hành, nhà số 80-82 có lối ra ngõ Hàng Chỉ. Hiện nay, hầu hết các căn nhà trên phố Hàng Gai đều được sửa chữa theo lối hiện đại, còn rất ít nhà giữ được kiểu dáng xưa.

Đầu phố sát với Hàng Hòm, trước là nơi bán thừng, võng gai, do đó mới gọi là Hàng Gai. Về sau các hàng đồ gai chuyển đi nơi khác. Cùng với Hàng Đào, Hàng Gai từ lâu nổi tiếng về buôn tơ lụa. Ngày nay, khắp phố Hàng Gai đều bán hàng lụa tơ tằm. Sầm uất và đầy sắc màu, phố Hàng Gai đã trở thành “phố tơ lụa” đệ nhất của Hà Nội với những cửa hàng bán sản phẩm tơ lụa san sát nhau. Ở phố này, chủ yếu là tơ lụa Vạn Phúc được đem từ Hà Đông ra trưng bày. Tại đây không chỉ kinh doanh sản phẩm mà còn kết hợp với quảng bá du lịch, khôi phục phố nghề.

phố hàng gai

Phố hàng Gai chỉ kéo dài 250 mét nhưng có tới hơn 90 gia đình kinh doanh tơ lụa hoặc hàng hóa và dịch vụ kết hợp mặt hàng tơ lụa. Đi dọc con phố này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng đủ các sản phẩm từ lụa vô cùng phong phú. Từ lụa, tơ tằm, các nhà thiết kế may lên những bộ đầm bay bổng, áo dài thướt tha, những chiếc túi thêu, các kiểu ví và vô vàn khăn lụa xinh xắn. 

Đi dọc phố Hàng Gai dễ dàng bắt gặp biển hiệu của các gia đình của truyền thống buôn bán, kinh doanh tơ lụa. Hiệu Tân Mỹ người gốc Hà Đông, đã có ba đời nối tiếp nhau làm nghề thêu ren truyền thống. Hiệu Cự Long, Cự Thành có xuất xứ từ làng Cự Đà với truyền thống dệt kim. Hiệu Phúc Thịnh vẫn còn hai chữ P và T lồng vào nhau, hiệu Đức Lợi… Tất cả muốn nói lên truyền thống buôn bán của một trong những con phố sầm uất nhất Hà Nội.

Chiều theo người Hàng Gai đi đền cổ

Ở phố này có hai ngôi đình cổ: đình Đông Hà ở số nhà 46, thờ Quý Minh, tương truyền là một người em thần Tản Viên, nay không còn nữa vì bị phá rỡ làm đường; đình Cổ Vũ ở số nhà 85 thờ Bạch Mã cùng Linh Lang. Ngôi đình này cho tới nay đã không còn giữ được nguyên trạng. Trải qua thời gian dài tồn tại, ngôi đình số 85 Hàng Gai đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần song vẫn là chốn đi về quen thuộc của mỗi người dân Hàng Gai. 

phố hàng gai

Đình Cổ Vũ thờ Bạch Mã Đại Vương, vị thần trấn giữ phía Đông; Linh Lang Đại Vương, vị thần trấn giữ phía Tây kinh thành Thăng Long làm Thành hoàng và phối thờ Bảo Ninh công chúa, phu nhân của Châu Mục Châu Chân Đăng dưới triều vua Lý Nhân Tông . 

phố hàng gai

Nhiều người Hàng Gai vẫn giữ thói quen thường xuyên đi đền vào các buổi chiều, không cứ phải vào ngày rằm, ngày lễ, bởi đơn giản đây được coi là không gian văn hóa của người dân Hàng Gai trong cuộc sống thường nhật.

Buổi tối, ngồi đọc sách trên phố Hàng Gai

Ở Hàng Gai, hiện nay không còn nhiều cửa hàng sách như trước đây nhưng nếp đọc sách khi rảnh rang vẫn ăn sâu vào nếp sinh hoạt của nhiều gia đình trên con phố này. Nhiều người, kể cả người buôn bán, trong những khi bán hàng, dưới ánh điện đường vẫn tranh thủ lật giở từng trang sách tạo thành hình ảnh đẹp của người bán hàng phố Hàng Gai.

Phố Hàng Gai cổ kính còn được biết đến là một phố "vǎn nhã". Ở gần suốt phố là những người không nhiều thì ít có dính dáng đế nghề in và bán sách. Phố được tiếng là một "phố vǎn học".

Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu XX, Hàng Gai lại được biết đến là phố “sách”, phố “văn học”. Một số người ở làng Liễu Tràng - Hải Dương mang nghề khắc gỗ ván in ra đây cùng nhau lập những xưởng in nên từ lâu phố này gắn với sách vở, giấy bút. Ở đây xuất hiện các cửa hiệu khắc mộc bản và in sách nổi tiếng như Tự văn đường tàng bản, Quán văn đường tàng bản... sau này là các nhà in Đông Kinh ở số 82, Ngô Tử Hạ ở số 101. Phố hàng Gai cùng là cái nôi của nhiều tờ báo: Hữu Thanh, Khai Hoá, Khoa Học, Đông Pháp...

Giờ đây, nhiều người Hàng Gai gốc còn giữ nguyên sự bùi ngùi mỗi khi đọc những câu thơ của thi sĩ Huy Cận:

Phố Hàng Gai ngắn bên Hồ Kiếm.

Sách mỏng dân gian bán vỉa hè.

Bìa đỏ, bìa xanh, bìa tím thẫm.

Mười xu một cuốn giấy vàng hoe.

Nguyễn

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu